8 quốc gia có nguy cơ sụp đổ nếu Mỹ suy yếu
Thứ sáu, 03/02/2012 09:11

Với việc mất đi vai trò trung tâm của thế giới, các thể chế yếu vốn tồn tại nhờ “dựa hơi” nước Mỹ sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó tiêu biểu là 8 quốc gia và vùng lãnh thổ dưới đây, vốn là những cái gai trong mắt các cường quốc đang lên.

1. Gruzia

 

Là quốc gia nhỏ bé nằm ở vùng Caucasus, phía bờ đông Biển Đen, Gruzia có biên giới với 4 nước, trong đó có Liên bang Nga. Nguyên nhân chính có thể khiến thể chế chính trị ở quốc gia này bị lật đổ là sự đe dọa từ người láng giềng Nga.

Năm 1991, Hoa Kỳ đã từng viện trợ cho đất nước này 3 tỷ USD sau khi tuyên bố độc lập từ Liên Xô, và 1 tỷ USD khác kể từ cuộc chiến với Nga năm 2008 để giúp quốc gia này phát triển kinh tế và quốc phòng. Tuy nhiên, sự suy yếu của Mỹ kéo theo khoản viện trợ tới quốc gia này cũng giảm đi, trong khi Nga đang dần lấy lại vị thế nước lớn của mình trên trường quốc tế, nên khả năng gây ảnh hưởng tới chính trường Gruzia là rất cao.

Ngoài ra, các nguồn tin cho rằng thủ tướng Nga Vladimir Putin và tổng thống đương nhiệm Gruzia Mikheil Saakashvili có những bất đồng sâu sắc. Trong khi đó, ông Putin được đánh giá có khả năng thắng cử rất cao trong cuộc chạy đua vào điện Kremlin diễn ra trong năm tới, nên chắc chắn quốc gia láng giềng nhỏ bé Gruzia sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

2. Đài Loan

 

Quân đội Đài Loan.

Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan đã có phần bớt căng thẳng, nhưng vấn để chủ quyền cho Đài Loan vẫn là điều chưa bao giờ nhận được sự đồng thuận của Bắc Kinh. Trong khi đó, quan hệ kinh tế giữa hai bên ngày càng thắt chặt, khiến Bắc Kinh có thêm công cụ sắc bén nhằm gây ảnh hưởng tới Đài Bắc.

Đúng thời điểm này, sự suy yếu của Mỹ khiến quốc gia này không thể tiếp tục duy trì những ảnh hưởng vốn có của mình trên đảo Đài Loan, đồng thời khiến khu vực này mong manh trước sự lớn mạnh không ngừng cả về kinh tế lẫn quân sự của Trung Quốc. Những thuận lợi này sẽ giúp Bắc Kinh đẩy nhanh tiến trình thống nhất hai bờ và việc thể chế chính trị đang tồn tại ở Đài Loan biến mất không phải là điều quá xa xôi.

3. Hàn Quốc

 

Bản đồ Hàn Quốc.

Mỹ đã đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950. Nhờ được Mỹ bảo trợ, nền kinh tế Hàn Quốc nhanh chóng phát triển và được xếp vào hàng đáng chú ý của thế giới. Nó cũng minh chứng cho sự thành công của một quốc gia được Hoa Kỳ bảo trợ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, Hàn Quốc liên tục phải hứng chịu sự đe dọa từ Triều Tiên, khi mà người láng giềng được cho là đã sản xuất thành công vũ khí hạt nhân.

Chính vì thế, sự suy yếu của nước Mỹ sẽ khiến Hàn Quốc phải chấp nhận một trong hai lựa chọn đau đớn: “chơi thân” với Trung Quốc và phụ thuộc nhiều hơn về mặt kinh tế với Bắc Kinh để kiềm chế khả năng bị Triều Tiên tấn công, hoặc phụ thuộc vào Nhật Bản, quốc gia từng có nhiều thù oán với bán đảo Triều Tiên trong lịch sử. Tuy nhiên, Nhật Bản sẽ không bao giờ thay thế được vai trò như của Mỹ đối với Hàn Quốc, nên khả năng bị tấn công vẫn sẽ hiện hữu đối với Seoul khi lựa chọn phương án này.

4. Ukraina

Thủ tướng Nga Putin và tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych.

Mối quan hệ giữa Ukraina và Nga trong những năm trở lại đây đang ở trạng thái khá căng thẳng, bởi chính quyền của tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych theo đường lối thân phương Tây. Đã không ít lần Nga đe dọa, thậm chí là cắt nguồn cung dầu và khí đốt cho Ukraina vì những bất đồng giữa hai nước. Ngoài ra, phía Nga còn gây áp lực buộc chính quyền Ukraina phải chấp nhận cho Nga thuê cảng Sevastopol trên Biển Đen thêm 25 năm, nhằm đổi lại việc cung cấp nhiên liệu với giá ưu đãi.

Ngoài ra, Nga cũng vận động Ukraina gia nhập “không gian kinh tế chung” trong khu vực, đồng thời tiến hành sáp nhập và thôn tính các công ty lớn của Ukraina vào các tập đoàn của Nga. Trong khi đó, Mỹ và châu Âu đang dần mất ưu thế và tầm ảnh hưởng trong khu vực nên khó có thể lôi kéo Ukraina vào cộng đồng phương Tây mở rộng. Điều đó khiến cho Ukraina khó có thể tránh khỏi tầm ảnh hưởng từ phía Nga.

5. Afghanistan

 

Cuộc sống khó khăn ở Afghanistan.

Bị tàn phá bởi chiến tranh sau những thập niên liên tiếp, xen giữa là sự điều hành của chính quyền Taliban với những luật lệ hà khắc, Afghanistan hiện đang ở trong tận cùng của sự nghèo khổ. Với tỉ lệ thất nghiệp lên tới 40%, Afghanistan đứng thứ 215 trong bảng xếp hạng GDP/đầu người của các quốc gia trên thế giới. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, chiến tranh, bạo lực tàn phá, Afghanistan không thể phát triển được nhiều về kinh tế, ngoài sản xuất và buôn bán ma túy bất hợp pháp.

Kể từ sau cuộc chiến nhằm vào lực lượng Taliban được Mỹ phát động 10 năm trước, tình hình ở Afghanistan vẫn khá bất ổn. Một lượng lớn tiền, vũ khí và binh sĩ đã được Mỹ và NATO triển khai trên lãnh thổ quốc gia này nhằm giúp ổn định tình hình. Tuy nhiên, sự tấn công không mệt mỏi nhằm tiêu hao nhân lực chính phủ của Taliban, cộng với sự suy yếu từ chính nội tại nước Mỹ đẩy Afghanistan vào tình thế hết sức khó khăn. Sự trở lại của Taliban, cộng với cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng của Ấn Độ và Pakistan, hay thậm chí là có sự góp mặt của Iran, sẽ biến nơi đây thành thiên đường ẩn náu của chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

6. Pakistan

 

Bất ổn bùng phát tại Pakistan.

Mặc dù Pakistan đã sở hữu vũ khí hạt nhân từ những năm đầu thế kỉ 21, cộng với quân đội chuyên nghiệp nhưng phần lớn Pakistan vẫn ở thời kì tiền hiện đại, với ngành kinh tế chủ lực là nông nghiệp. Xung đột giữa Islamabad và quốc gia láng giềng Ấn Độ vốn âm ỉ từ nhiều thập niên qua bởi mâu thuẫn sắc tộc.

Trên thực tế, bất ổn chính trị của Pakistan được xem là điểm yếu lớn nhất của quốc gia này. Ngoài ra, sự yếu đi của Mỹ kéo theo khả năng hỗ trợ về quân sự cũng như phát triển kinh tế của người đồng minh này với Pakistan bị kéo lùi. Chính vì lẽ đó, Pakistan có thể chuyển đổi thành một nhà nước được điều hành bởi quân đội, một nhà nước Hồi giáo cấp tiến tồn tại song song cả hai quy tắc quân sự và Hồi giáo trong tương lai.

7. Israel và khu vực Trung Đông

 

Chiến tranh vẫn đang rình rập ở khu vực Trung Đông.

Sự suy yếu của Mỹ kéo theo những thay đổi lớn lao đối với ổn định chính trị trong toàn bộ khu vực Trung Đông. Tất cả các quốc gia nằm trong khu vực này đều phải chịu ảnh hưởng ở mức độ khác nhau của xung đột tôn giáo, bất ổn xã hội, dân tộc… Mỹ suy yếu tầm ảnh hưởng khiến cuộc xung đột Israel - Palestin trở nên bế tắc, khi không bên nào chấp thuận theo giải pháp hòa bình mà Mỹ đưa ra.

Trong khi đó, những quốc gia có thù oán với Israel ngày càng gia tăng, đặc biệt là Iran. Nếu Mỹ không đủ sức đóng vai trò chủ đạo ở khu vực, cuộc chiến giữ Israel và Iran có thể sẽ nổ ra, khiến hai quốc gia và toàn bộ khu vực chìm trong khủng hoảng. Ngoài ra, các tổ chức Hồi giáo là Hamas và Hezbollah liên tục gây ra các cuộc tấn công nhằm vào phía Israel ở khu vực biên giới với Palestine và Lebanon. Những cuộc tấn công đáp trả từ quân đội Israel làm không ít thường dân ở hai quốc gia trên thiệt mạng bởi sự thua kém về mặt quân sự. Điều đó làm hận thù với Israel ngày một gia tăng.

Ngoài ra, chủ nghĩa cựu đoan và cực đoan Hồi giáo đang phát triển mạnh trong khu vực, khiến những đồng minh của Mỹ bị đặt dưới sự đe dọa nghiêm trọng, nhất là khi sự bảo trợ của nước này ngày một suy yếu.

Belarus

 

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko.

Hai mươi năm sau khi tách khỏi Liên bang Xô Viết, Belarus vẫn phụ thuộc nhiều mặt về kinh tế cũng như chính trị đối với nước Nga. Một phần ba lượng hàng xuất khẩu của quốc gia này được đưa tới Nga, trong khi Belarus phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn năng lượng và khí đốt từ Nga.

Trong khi đó, 17 năm Tổng thống Aleksandr Lukashenko nắm quyền điều hành đất nước, Belarus không hề có một mối quan hệ nào có ý nghĩa đối với phương Tây. Tổng thống Lukashenko được coi là người có tư tưởng thân Nga nên việc Mỹ suy yếu sẽ khiến ảnh hưởng vốn đã nhỏ bé của Washington ở khu vực trở nên vô nghĩa.

Bưu điện Việt Nam/ Infonet
Tag: Mỹ , Gruzia , Đài Loan , Hàn Quốc , Lãnh thổ