6 yếu tố bù đắp sự thiếu kinh nghiệm khi tạo CV công việc
Thứ hai, 27/09/2021 14:55

Sở hữu một công việc tốt ngay sau khi rời khỏi giảng đường là viễn cảnh tươi đẹp của không ít các bạn sinh viên. Tuy nhiên, khi có được bằng cấp và bắt đầu chặng đường “thực chiến” mới lại không dễ dàng như vậy.

Nhiều bạn đã chia sẻ rằng họ phải đối diện với vấn đề thiếu hụt kinh nghiệm khi tạo CV công việc. Thậm chí đối với một số bạn muốn đổi ngành thì cũng gặp phải khó khăn trong việc trình bày kinh nghiệm còn thiếu sót với nhà tuyển dụng.

Bài viết dưới đây sẽ đề cập đến 6 yếu tố có thể giúp bạn bù đắp sự thiếu hụt kinh nghiệm trong CV, hãy cùng tham khảo nhé.

tao-cv-cong-viec-279-1-xahoi.com.vn-w700-h400.jpg

Viết đoạn mở đầu thật ấn tượng

Đây là một trong những bí quyết có thể khiến nhà tuyển dụng hứng thú khi đọc CV của một ứng viên chưa có nhiều kinh nghiệm. Đoạn mở đầu chỉ cần khoảng 150 từ nhưng vẫn đảm bảo được khả năng gây ấn tượng. Tải CV mẫu để tham khảo cách mở đầu CV hấp dẫn.

Bạn nên bắt đầu thông tin về trình độ học vấn và những kỹ năng tốt nhất nhưng chỉ đề cập tương đối khái quát vì ở phần sau sẽ có nhiều không gian để trình bày chi tiết. Ở đoạn giới thiệu chỉ cần nói sơ về trình độ chuyên môn, thành tích tốt nghiệp và những điểm mạnh ở bản thân mà ứng viên nghĩ rằng nó sẽ có thể “làm đẹp” chiếc CV của mình.

Đồng thời hãy hiểu rõ kỳ vọng của mình với công việc này là gì. Chẳng hạn như muốn ứng tuyển vào một chuyên môn nhất định thì có thể nêu cụ thể “Tôi đang tìm một công việc liên quan đến mảng kế toán”. Trong khi đó, nếu ứng viên muốn mở ra nhiều cơ hội cho bản thân có thể đề cập “Tôi mong muốn tìm kiếm một môi trường có nhiều thử thách để giúp bản thân có thêm kinh nghiệm...”.

Thể hiện những phẩm chất cá nhân tốt nhất

Mục đích chính khi tạo CV công việc là giới thiệu bản thân và tạo ra cơ hội tiếp cận với nhà tuyển dụng. Hãy liệt kê những việc mà bản thân có khả năng làm tốt nhất và chọn lọc những điều có liên quan đến vị trí ứng tuyển.

Chẳng hạn như bạn là một người tích cực tham gia vào các câu lạc bộ khi còn là sinh viên thì điều này có thể viết thành tính cách năng nổ và có kỹ năng làm việc nhóm. Hoặc nếu bạn sở hữu một tài khoản mạng xã hội được nhiều người theo dõi thì có thể liệt kê những tính từ để mô tả khả năng như: có tính sáng tạo, giao tiếp tốt với mọi người,...

Lưu ý chỉ nên đề cập trong CV những điểm mà bạn cảm thấy có thể ghi điểm với nhà tuyển dụng. Đồng thời, trình bày một cách ngắn gọn, súc tích và đủ ý.

tao-cv-cong-viec-279-1-xahoi.com.vn-w700-h400.jpg

Làm rõ khả năng qua bằng cấp

Đừng để CV của mình quá nhàm chán chỉ vì chưa có kinh nghiệm dù bạn có đầy đủ bằng cấp để phục vụ cho công việc đó. Các nhà tuyển dụng không thể đánh giá năng lực toàn diện chỉ qua tên trường đại học, ngành học hoặc điểm trung bình của một ứng viên. Vậy nên hãy giới thiệu chi tiết hơn trong CV để tạo cho các nhà tuyển dụng một cái nhìn đặc biệt hơn về bạn.

Ví dụ nếu bạn đã từng làm đề tài nghiên cứu khoa học cấp khoa hoặc cấp trường thì có thể nói về khả năng tìm kiếm, tổng hợp và chọn lọc thông tin. Nếu có thế mạnh về thuyết trình thì nên trình bày về khả năng nói trước đám đông, sự tự tin và chủ động trong việc xử lý tình huống. Cũng đừng bỏ qua các giấy chứng nhận liên quan đến các khóa đào tạo ngắn hạn như Thiết kế, Digital Marketing, Nhân sự,... miễn là bạn cảm thấy đó là một điều có thể tạo thêm cho mình cơ hội. Tuy nhiên, đừng “bốc phét” nếu thực sự không biết gì về lĩnh vực đó, điều này sẽ để lại ấn tượng không tốt cho nhà tuyển dụng.

Trình bày về kỹ năng trong công việc thay vì vai trò

Nếu như bạn chưa có kinh nghiệm làm việc hoặc đã có kinh nghiệm ở một ngành nghề không liên quan đến vị trí ứng tuyển thì cách tốt nhất là đề cập đến những kỹ năng công việc. Các nhà tuyển dụng sẽ cảm thấy thú vị hơn khi xem những mục này thay vì hàng loạt mô tả đơn điệu các công việc đã từng trải qua của ứng viên. Ví dụ những kỹ năng nên đề cập như MS Office, khả năng giao tiếp bằng ngoại ngữ,... là những điểm cộng trong một chiếc CV thiếu kinh nghiệm làm việc.

Đề cập đến những hoạt động ngoại khóa như một trong những công việc đầu tiên

Trên thực tế, nếu một sinh viên mới ra trường đang viết CV xin việc thì vẫn có thể trình bày những hoạt động ngoại khóa đã từng tham gia. Có thể là hoạt động do trường hoặc địa phương tổ chức đều được. Những công việc này tuy không được trả lương nhưng nó vẫn là những cơ hội giúp bạn cọ xát với các môi trường chuyên nghiệp, giúp trau dồi kiến thức và kỹ năng.

Nếu trước đây bạn từng làm cộng tác viên cho tạp chí sinh viên của trường thì đây sẽ là điểm cộng nếu ứng tuyển vào các vị trí liên quan đến sáng tạo nội dung. Hoặc nếu bạn đã có thời gian thực tập ở công ty Logistics thì sẽ có nhiều cơ hội trúng tuyển vào các vị trí liên quan đến chứng từ, hải quan,... Hãy linh động và trình bày một cách hợp lý trong CV của mình nhé!

tao-cv-cong-viec-279-1-xahoi.com.vn-w700-h400.jpg

Thêm một chút cá tính

Nếu bạn có một thành tựu nào đó trong quá trình học tập hoặc làm việc trước đây, hãy trình bày trong CV. Các thành tích đó có thể là đạt kết quả xuất sắc, nhận được học bổng các kỳ, đạt danh hiệu nhân viên xuất sắc của tháng hay các giải thưởng liên quan đến những sở trường cá nhân như đoạt giải trong cuộc thi thể thao, có thứ hạng tốt trong một cuộc thi viết lách,... Trên thực tế, nhà tuyển dụng nhận được rất nhiều hồ sơ xin việc khác nhau, vậy nên một chút cá tính đặc biệt có thể giúp bạn tiến gần hơn tới vòng phỏng vấn!

Hy vọng những bí quyết trên đây có thể giúp các ứng viên “lấp đầy” mục kinh nghiệm còn thiếu hụt khi tạo CV công việc, từ đó có nhiều cơ hội ứng tuyển thành công vào những vị trí mong muốn.

HX (Theo Giadinhvietnam.com)

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Tạo CV công việc , Việt CV