48 năm theo đuổi vụ kiện đòi chị dâu trả... 100 lượng vàng
Thứ năm, 02/10/2014 19:33

Điểm lạ là nhà có sáu anh em, thì 5 người đều đồng lòng xác nhận sự việc, còn tố cáo anh trai – chị dâu chiếm đoạt tài sản cha mẹ, trốn tránh việc thờ cúng.

48 năm theo đuổi vụ kiện đòi chị dâu trả... 100 lượng vàng

48 năm theo đuổi vụ kiện đòi chị dâu trả... 100 lượng vàng

Vụ kiện đặc biệt khó có thể được tòa nào thụ lý vì 40 năm trôi qua, thời hiệu có thể đã không còn, chứng cứ thì mong manh. Điểm lạ là nhà có sáu anh em, thì 5 người đều đồng lòng xác nhận sự việc, còn tố cáo anh trai – chị dâu chiếm đoạt tài sản cha mẹ, trốn tránh việc thờ cúng. Khi nhà báo tới xác minh sự việc, người bị tố cáo còn cả gan dọa “xử” nhà báo. Vụ việc là một bài học về cách ứng xử, về cách ăn ở trong đời.

Trắng tay sau 10 năm làm việc

Cuộc sống hiện nay của bà Nguyễn Thị Bạch Yến (SN 1945, ngụ ấp Bà Thổ, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa, Long An), như bà tâm sự, không khó khăn đến nỗi phải kiện anh trai và chị dâu để đòi tiền. Nhưng số tiền mồ hôi nước mắt, số tiền cật lực 10 năm làm việc trong các nhà máy Hoa Kỳ (thời Việt Nam Cộng hòa) bị chiếm đoạt nên bà cảm thấy ấm ức, thương cho số phận mình, trách người anh bạc tình lợi dụng lòng tin để chiếm tài sản.

Bà Yến là con liệt sĩ thời chống Pháp, học hết lớp 7 thì lên Sài Gòn tìm việc. Nhờ vào vốn tiếng Anh, bà được nhận vào các trường đào tạo điều khiển máy móc trong các hải cảng của miền Nam Việt Nam. Hơn 1 năm sau, năm 1966, bà vào làm việc tại trung tâm thống kê của Hoa Kỳ tại Long Bình, Biên Hòa, Đồng Nai. Công việc ngoài điều khiển máy móc còn thống kê hàng hóa nhập cảng, bà cho rằng nhận mức lương hơn 60 ngàn đồng/tháng (giá vàng lúc đó 3388 đồng/lượng, tương đương khoảng 15 lượng vàng).

Vì chưa có gia đình riêng, lại nghe chị dâu ngon ngọt rót vào tai: “Em cứ đưa tiền đây chị mua vàng giữ hộ cho. Sau này có chuyện gì chị đưa cho”, từ năm 1966 - 1972, mỗi tháng bà đều gửi cho chị dâu 50 ngàn đồng để mua vàng. Bà kể: “Tôi thậm chí còn làm luôn ngày Chủ nhật để kiếm tiền. Tới kỳ lãnh lương, giữ lại một ít để xài, còn bao nhiêu đưa cho chị dâu hết. Thế mà đến khi tôi thất nghiệp lại trắng tay”.

Từ năm 1972, Mỹ rút khỏi Biên Hòa, bà được đưa về làm tại cảng Sài Gòn tới khi giải phóng. Bà vẫn một mực tin chị dâu. Tiền lương ít hơn nhưng bà cố gắng tích góp mong sau này có cái trang trải. Thời gian này bà gửi chị mỗi tháng 30 ngàn đồng. Tính vàng theo thời giá lúc bấy giờ, trong 10 năm bà Yến cho rằng đã gửi cho chị dâu gần 1000 lượng vàng.

Năm 1973, bà Yến mới hỏi chị dâu số tiền mình gửi thì nhận được 10 nhẫn vàng đính hột xoàn (7 nhẫn đính 2 ly/viên, 2 nhẫn 3 ly/viên và 1 dây chuyền có đính đá 3 ly). Không đồng ý với số tài sản này, bà Yến được chị dâu mua thêm cho chiếc xe đạp và tuyên bố “tiền mày gửi tao mua vàng hết rồi, còn đâu mà đòi”. Số nhẫn có đính đá của chị dâu đưa, bà Yến đem bán không được. “Họ chê nhỏ quá, ít giá trị, bán chẳng được bao nhiêu. Tôi mới cho một đứa cháu rồi”, bà Yến nói.

Năm 1976, bà Yến thất nghiệp về quê lấy chồng thì được chị dâu đưa thêm 1 lượng vàng. “Cứ mỗi lần tôi thắc mắc số tiền đã gửi thì chị dâu đều khẳng định đã mua vàng và đưa cho tôi, là 10 chiếc nhẫn rồi, không còn tiền nữa đâu mà đòi”, bà Yến chia sẻ. Bà lặng lẽ sống cuộc sống thiếu thốn, làm kế toán tại Sở Y tế Long An. Chồng bà là cán bộ tập kết công tác cùng cơ quan. Bà nhớ lại: “Vợ chồng tôi không có tiền để nuôi con. Các con sinh ra đâu có sữa mà uống, phải uống nước cơm với đường phèn. Quần áo rách rưới, đáng thương lắm. Vậy mà chị dâu tôi nỡ chiếm đoạt hàng ký vàng của tôi. Nhưng không hiểu tại sao, mỗi lần gặp chị dâu, mở miệng hỏi tiền đều bị chị ấy dùng lời ngon ngọt mà dụ dỗ. Trí não tôi như nghe theo lời chị ấy mà không biết chuyện gì khác?”.

kien-doi-vang-1

Đổ hết cho người đã chết

Gần 40 năm đòi tiền bất thành, bà Yến dự định sẽ chuẩn bị hồ sơ để khởi kiện. Bà chia sẻ: “Giờ tôi không thiếu thốn vật chất, nhưng số tiền mồ hôi nước mắt của tôi làm ra, tôi phải lấy lại công bằng cho mình. Nếu lấy lại số tiền tôi sẽ đem hiến hết cho người nghèo. Anh chị tôi tham lam lắm, tôi không muốn cho một đồng. Họ không chỉ chiếm đoạt tiền của tôi còn chiếm đoạt tài sản cha mẹ tôi để lại”.

Đến đây lại phát sinh những uẩn khúc khác của vụ việc. Nhà có 6 anh chị em thì 5 người đồng tình ký vào đơn tố cáo anh trai chiếm đoạt tiền của em gái. Tất cả sẵn sàng làm chứng về việc chị dâu nhận tiền của bà Yến gửi để mua vàng. Một người em khác là bà Nguyễn Thị Thu Hương nói: “Anh chị tôi tham lam quá, chúng tôi không định đi kiện, đi thưa gì vì sợ tai tiếng cho gia đình, nhưng nghĩ lại hành động của anh Hai là không đúng với đạo lý làm anh”.

Ngày 13/8 vừa qua, bà Yến cùng con trai đến hỏi chị dâu về vấn đề tiền gửi. Trong video con bà cung cấp, chị dâu bà Yến khẳng định có nhận số tiền đúng như bà nêu trên. Đến ngày 19/8, anh trai

bà Yến cho biết: “Tiền của mày còn dư chị mày đem xuống Sở Y tế Long An đưa cho chồng mày rồi còn đâu mà đòi”. Khi bà Yến hỏi đưa khi nào? Sao không nghe chồng nói? Thì anh trai bà lớn giọng: “Mày muốn biết thì xuống âm phủ mà hỏi nó chứ sao hỏi tao”.

Ngoài việc nói đưa tiền cho chồng bà Yến, chị dâu bà còn tiết lộ số vàng mua được đã bị một người bà con chiếm đoạt (người này chết cách đây rất lâu) nên không lấy lại được. Bà Yến thắc mắc:

Sao cả hai vợ chồng đều quanh co chối tội. Cả hai đổ hết cho những người đã chết cách đây hàng chục năm để làm gì. Đâu phải chuyện tiền bạc tôi hỏi là mới đây đâu. Tôi hỏi gần 40 năm nay, anh chị tôi sao không nói thật để tôi biết mà đến nay mới nói?”.

Trong đơn trình bày của 5 anh em bà Yến, mọi người nêu ra đến 4 “tội trạng” mà người anh cả mắc phải: Chiếm đoạt hết tài sản của cha mẹ, ông bà để lại; không thực hiện đúng như di chúc để lại. Đặc biệt, khi mẹ về già sống trong nghèo khổ, anh trai chưa một lần cho tiền, thăm hỏi. Ngày giỗ ông bà, người anh này còn không tổ chức, lớn giọng: “Đi đám giỗ, tụi bây không được dắt theo con cháu. Tới đây chộn rộn làm phiền gia đình tao lắm”. Vì thế mỗi năm 5 anh em bà Yến phải tự tổ chức. “Số tiền liệt sĩ của cha, anh ấy nhận để lo làm đám giỗ, mồ mả, nhưng anh ấy không thực hiện”, bà Yến nói.

“Chủ nợ” buồn rầu đưa ra “phương án” cuối cùng: “Nhiều người không hiểu chuyện cứ nói tôi tham lam, nói tôi là đứa em không hiểu đạo làm em. Nhưng tôi kiện không nhất thiết để lấy lại số tiền đó. Tôi chỉ cần anh chị trả lại phân nửa, hoặc công khai nhận tội chiếm đoạt và xin lỗi, là tôi sẽ bỏ qua hết”.

Phóng viên đã tìm đến tận nhà người chị dâu của bà Yến tại đường Bà Hạt, quận 10, TP.HCM. Lần đầu, những người cháu của bà Yến không tiếp và hẹn ngày khác. Đúng hẹn, phóng viên đến thì một người đàn ông ra nói: “Anh không có chuyện gì để trả lời em cả” và “đây là lần cuối anh thấy em tới đây. Lần sau không được tới làm phiền gia đình anh nữa. Nếu có...”

“Chủ nợ” bị “bỏ ngãi”?

Việc tin tưởng chị dâu, bà Yến cho rằng có thể đã bị... bỏ ngãi. Bà nói: “Chị dâu nói gì tôi cũng tin hết. Lúc đó tâm trí tôi chỉ biết nghe lời”. Mỗi tháng chị dâu thường mang đến cho bà Yến một khúc chả lụa, bắt ăn ngay trước mặt mới chịu đi về. Khoảng 3 tháng nay, chị dâu đau bệnh đi chữa bệnh không tiếp tục mang chả cho bà Yến ăn nữa. Bà Yến cho rằng kể từ ngày đó tâm trí mới thấy thoải mái, trí nhớ khôi phục nên cương quyết đòi bằng được số tiền của mình.

Chánh Bùi (Xa lộ pháp luật) Minh Phương

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: theo duoi vu kien , kien chi dau , em chong , 100 luong vang , chiem doat tai san , tin , bao