4 sai lầm khi tìm việc làm online dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng

Khi chưa có nhiều kinh nghiệm tìm việc làm online, nếu có ai đó nói với bạn những điều sau đây thì chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều thuận lợi. Ngay sau đây, hãy cũng tìm hiểu 4 sai lầm của ứng viên dưới góc nhìn của nhà tuyển dụng nhé!

CV mắc quá nhiều lỗi cơ bản

Như chúng ta đã biết, CV chính là “bộ mặt” của mỗi ứng viên, là cách bạn gây ấn tượng với những người lạ chưa từng gặp mặt. Gửi đi CV đến các nhà tuyển dụng trực tuyến chính là gửi cả thái độ, trình độ, tính cách và sự chuyên nghiệp của bạn. Vì lẽ đó, đừng để nhà tuyển dụng ấn tượng xấu và đánh rớt bạn mà không cho bạn một cơ hội để phân bua chỉ vì một chiếc CV mắc quá nhiều lỗi cơ bản.

Lỗi đầu tiên khi tìm việc làm online đó là CV sai chính tả. Thực tế thì không có nhiều người có thể nhận ra 100% lỗi chính tả bạn mắc phải và những người đánh rớt CV của bạn chỉ vì bạn mắc dăm ba lỗi chính tả cũng chỉ dưới 1% (không kể những vị trí ứng tuyển liên quan đến viết lách như content, báo chí…). Do đó, nếu họ đánh rớt bạn thì chỉ có thể là bạn mắc lỗi chính tả quá nhiều. Một câu 10 chữ nhưng bạn sai chính tả hết 3,4 chữ thì thật khó để bào chữa cho “lỗi lầm” của bạn.

Lỗi thứ 2, CV trình bày cẩu thả hoặc quá sơ sài. Dù bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc thì việc gửi đi một bản CV quá đơn sơ, quá ngắn gọn, không cung cấp bất cứ thông tin giá trị nào về năng lực hoặc ít nhất là thể hiện thái độ cầu thị, sẵn sàng học hỏi của bạn cũng là việc rất khó chấp nhận. Bên cạnh đó, CV trình bày lộn xộn, được bố cục theo kiểu “thích hiểu thì hiểu, không hiểu thì thôi” cũng khiến bạn chắc suất bị loại từ vòng gửi xe.

Thứ 3 là một lời khuyên nho nhỏ dành cho bạn. Bạn nên gửi CV dưới dạng file PDF (trừ khi bạn gửi cả portfolio của mình), tuyệt đối không nên gửi CV dưới dạng link drive trong khi đường link đó thậm chí còn không mở quyền truy cập.

Trễ hẹn

Sự trễ hẹn có thể đến từ cả 2 phía. Khi nhà tuyển dụng trễ hẹn, bạn sẽ khó chịu và cân nhắc có nên làm việc tại công ty này hay không. Tương tự, khi bạn trễ hẹn nhà tuyển dụng sẽ mất sạch thiện cảm dành cho bạn, thay vào đó chỉ còn ác cảm mà thôi.

Nếu lịch phỏng vấn của bạn diễn ra vào lúc 8 giờ sáng, bạn nên có mặt từ 7 giờ 45 để điều chỉnh trang phục, tóc tai, chuẩn bị sẵn hồ sơ giấy tờ và để kịp thời ứng phó với những sự cố bất ngờ có thể xảy đến (ví dụ như kẹt xe, không tìm được văn phòng, để quên đồ, quần áo xộc xệch…). Ngàn vạn lần không nên đến trễ. 1-2 phút có thể du di nhưng đến phút thứ 5 thì câu chuyện đã khác. Nên nhớ, trễ hẹn luôn là điều cấm kỵ trong mọi cuộc phỏng vấn. Nếu nhà phỏng vấn trễ hẹn, bạn cũng có quyền từ chối họ đấy thôi?!

Deal lương vượt quá năng lực của bản thân và offer của công ty

Cách bạn định vị về bản thân cũng phần nào phản ánh thái độ của bạn trong công việc. Không ai bảo bạn hạ thấp giá trị bản thân, cũng không ai khuyến khích bạn nên offer một mức lương rẻ mạt để tăng cơ hội trúng tuyển. Sự thực thì yếu tố quyết định bạn có trúng tuyển hay không nằm ở năng lực chứ không phải mức lương mong muốn của bạn. Tuy nhiên, khi bạn deal một mức lương quá cao so với năng lực, kinh nghiệm của bản thân và vượt xa mức offer mà công ty đưa ra cho vị trí đó thì nhà tuyển dụng sẽ phải cân nhắc về việc có chọn bạn hay không.

Ví dụ: một sinh viên mới ra trường, không có nhiều kinh nghiệm, năng lực không quá nổi trội nhưng lại deal mức lương 12-15 triệu đồng/tháng trong khi vị trí đó công ty chỉ offer 10 triệu thì chắc chắn rồi, chúng ta không thuộc về nhau.

Thiếu khiêm tốn

“Thái độ hơn trình độ” vì trình độ có thể đào tạo và cải thiện được nhưng thái độ thì rất khó. Có rất nhiều trường hợp, câu hỏi không bằng cách hỏi. Bạn có quyền đưa ra câu hỏi với nhà tuyển dụng, có quyền đối thoại bình đẳng với nhà tuyển dụng nhưng câu chữ và thái độ của bạn nên thể hiện sự khiêm nhường và tinh thần cầu thị, không nên tỏ ra mình giỏi hay “trên cơ” người khác.

Ví dụ: thay vì “Công ty sẽ làm được gì cho em, leader của em có gì tài giỏi?” hãy hỏi “Công ty có lộ trình thăng tiến như thế nào, vị trí của em có thể phát triển ra sao?”. Hay khi nhận được những câu hỏi đã có câu trả lời trong CV, mục đích của nhà tuyển dụng là muốn khai thác nhiều thông tin hơn về bạn thay vì những dòng mô tả ngắn gọn đã có, hãy vui vẻ trả lời thay vì “Những thông tin đó mình có ghi trong CV cả rồi”.

Lưu ý, hãy cởi khẩu trang trước khi bước vào phòng phỏng vấn vì đeo khẩu trang lúc nói chuyện với nhà tuyển dụng thật sự rất thiếu tôn trọng (trừ khi dịch bệnh hoặc bạn đang bị cảm cúm nhưng hãy giải thích lý do trước khi bắt đầu buổi phỏng vấn nhé).

Những điều này không hề khó để cải thiện đúng không nào? Chỉ cần lưu tâm một chút bạn đã có thể tránh khỏi những sai lầm không đáng khi tìm việc làm online có khiến bản thân mất điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Chúc bạn sớm tìm được “bến đỗ” mơ ước!