1001 kiểu biến tướng của lễ hội
Thứ tư, 01/02/2012 08:38

Lâu nay, đa phần dân chúng tham gia lễ hội để khấn vái thần thánh với mong muốn cầu lộc, tài, phúc, danh lợi, mà không hiểu mục đích thanh cao của lễ hội. Kết quả của sự thái quá về tín ngưỡng này rất bi hài.

“Điển hình là việc phát ấn ở đền Trần (Nam Định) đã khiến báo chí đăng tải những hình ảnh không đẹp. Nhiều nơi lập quá nhiều ban thờ, hòm công đức và đĩa để tiền giọt dầu khiến du khách đặt nhiều tiền lẻ lộn xộn ở mọi chỗ, việc gài tiền vào tay tượng phật, ném tiền vào hậu cung gây phản cảm như phủ Tây Hồ, Động Hương Tích, chùa Trấn Quốc (Hà Nội), đền Bà Chúa Kho…”, ông Vũ Xuân Thành, chánh thanh tra Bộ VH-TT-DL cho biết.

Đua nhau hình thành lễ hội

Theo thống kê của Bộ VH-TT-DL, hiện nay cả nước có 7.966 lễ hội trong đó lễ hội dân gian có 7.039 lễ hội chiếm 88,36%, lễ hội lịch sử cách mạng có 332 lễ hội (chiếm 4,16%), lễ hội tôn giáo có 544 lễ hội tôn giáo (chiếm 6,82%), lễ hội du nhập từ nước ngoài vào Việt Nam có 10 lễ hội (chiếm 0,12%) và lễ hội khác có 40 lễ hội chiếm 0,50%). Trong đó, những lễ hội dân gian truyền thống có quy mô lớn là Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), lễ hội Chùa Hương (Hà Tây), hội Lim (Bắc Ninh), Phủ Dày (Nam Định), Côn Sơn-Kiếp Bạc (Hải Dương), Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), Yên Tử (Quảng Ninh), lễ hội núi Bà Đen (Tây Ninh), lễ hội Bà Chúa Xứ núi Sam (An Giang), lễ hội Lăng Ông Nam Hải (thị trấn Sông Đốc-Cà Mau), lễ hội Nghinh Ông (Cần Giờ-TP HCM)…

Chen lấn ở lễ hội Đền Hùng

Thực tế cho thấy các lễ hội đã thực sự hấp dẫn và thu hút du khách tham gia, lượng du khách tham dự lễ hội tăng cao, và thường năm sau lại tăng nhiều hơn năm trước, nhất là những lễ hội có quy mô lớn. Cụ thể là năm 2010, Lễ Khai ấn Đền Trần (Nam Định) thu hút 50.000 lượt khách tham gia, Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh) thu hút được 340.000 lượt người, đặc biệt lễ hội Đền Hùng năm 2010 thu hút được gần 6 triệu lượt khách. Năm 2011, trong mùa lễ hội xuân, Đền Hùng gần 2 triệu lượt, Yên Tử 1,2 triệu lượt, Chùa Hương 1,5 triệu lượt, Đền Cửa Ông 24 vạn, Bái Đính trên 1 triệu lượt, Đền Trần 60,2 vạn, Hội Lim 22 vạn, Đền Bà Chúa Kho 30,5 vạn, Đền Trần, Đền Tiên La (Thái Bình) 20 vạn, Bà Chúa Xứ (An Giang) trên 70 vạn, Bà Chúa Thiên Hậu (Bình Dương) hơn 1,5 triệu lượt người, lễ hội Núi Bà Đen (Tây Ninh) 1,5 triệu người…

Điều đáng nói là trong sinh hoạt văn hoá lễ hội hiện đang diễn ra những tồn tại khó giải quyết. Đó là, xu hướng mở hội nhiều, tần xuất cao cùng sự lãng phí là ganh đua, phô trương thanh thế dòng họ, làng xã trong tổ chức lễ hội. "Xu thế xã hội không lành mạnh, đưa thêm nhiều yếu tố mới lạ làm biến dạng những nghi thức đã định hình; Ý thức của người đi lễ hội còn kém như: đặt tiền giọt dầu vào tay phật, tượng phật, hiện tượng ban phát ấn, túi lương, cành lộc, đốt đồ mã, vàng mã, khấn thuê...; Xu hướng tự nâng cấp lễ hội, tự xưng danh là lễ hội cấp Quốc gia thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn đang xuất hiện ở một số địa phương", ông Thành cho biết.

Những bất cập khó giải quyết

Trước những giá trị tinh thần, nét văn hóa cổ xưa, khi bị lạm dụng, vượt quá giới hạn đều trở nên hoang đường và cuồng tín. Những lễ hội sau Tết âm lịch là một minh chứng. Văn hóa tâm linh cũng giống như thuốc an thần, nếu dùng quá liều sẽ là một thứ á phiện nguy hiểm không thể nào dứt được và hệ lụy đến nhiều năm về sau... Đặc biệt, do kinh tế và đời sống vật chất được cải thiện, nhu cầu về tâm linh, tín ngưỡng có xu hướng tăng nên số người tham gia lễ hội và cầu xin thánh thần ngày càng đông, thậm chí đã trở thành “niềm tin” trong một số bộ phận dân chúng, đang có xu hướng biến tín ngưỡng thành nhu cầu “cầu xin” thái quá. Anh Minh An ở TP.HCM cho biết, anh từng nhờ người vay tiền ở Đền Bà Chúa Kho. "Vì không thể ra tận Bắc Ninh để "vay tiền" Bà Chúa Kho nên tôi đã nhờ dịch vụ "vay" dùm. Họ làm rất chuyên nghiệp, đầy đủ tất cả nghi lễ mà phí cũng không cao lắm. Tôi nghe nói, có rất nhiều người có chức quyền cũng đi vay tiền như tôi" anh An kể.

Tiền được người đi chùa cài, đặt, ném vung vãi khắp nơi ở chùa Hương. Ảnh: Trần Lâm

Với phần lớn các lễ hội hiện nay đã bị tha hóa dần sang mục đích kinh tế, mang nặng sự mê tín và lấn át giá trị văn hóa trong lễ hội, mà nguyên nhân một phần là do ý thức của người tham gia lễ hội, nhưng phần nhiều là do trình độ quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức hoạt động lễ hội của cán bộ văn hoá cơ sở. Những người trực tiếp quản lý di tích và điều hành lễ hội còn hạn chế, thiếu hiểu biết sâu về lễ hội... Trước những thực trạng "tính ngưỡng thái quá" và quản lý yếu kém này, các nhà quản lý đầu ngành cũng đã tìm kiếm nhiều phương cách để ngăn chặn nhằm dần dẹp bỏ những vấn nạn đi quá xa so với tín ngưỡng. Nhưng, để làm điều này, đó là điều không phải dễ...

Mùa lễ hội sắp tới: lễ hội chùa Yên Tử, Quảng Ninh (10/1 ÂL); lễ hội đánh phết Hiền Quan, Phú Thọ (12/1 ÂL); hội Lim, Bắc Ninh (13/1 ÂL); lễ hội Bà Chúa Kho, Bắc Ninh (14/1 ÂL); lễ hội đền Trần, Nam Định (15/1 ÂL); lễ hội chọi trâu Hải Lựu, Vĩnh Phúc (16/1 ÂL); lễ hội đền Hùng, Phú Thọ (10/3 ÂL)…

 

Đất Việt
Tag: Lễ hội , Mùa xuân , Lễ hội đầu năm