Kỳ 6: Đôi tay chữa trăm bệnh... không cần thuốc
Cơ sở chữa bệnh nội trú
Dưới cái nắng nóng gay gắt đầu mùa hè, chúng tôi tìm về thôn Văn Nhuế, thị trấn Bần, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, nơi có "bà lang" Tuyến được nhắc đến là một người chữa bách bệnh không cần dùng thuốc. Chúng tôi đến nhà "bà lang" Tuyến, ngôi nhà rộng nằm sâu trong một con ngõ nhỏ, lúc này có hàng chục người đang chờ để được khám bệnh.
- Thầy đang ăn cơm. Anh chị ngồi xuống đây cho mát đợi tí "thầy về" - Một trong số những bệnh nhân nói với chúng tôi.
Qua một bệnh nhân, tôi được biết: "Số bệnh nhân này đều từ nơi xa đến nên nghỉ tại đây luôn". Gian phía ngoài khoảng 50m2 là nơi chờ đợi của những bệnh nhân mới và là nơi nghỉ ngơi của những bệnh nhân đang được điều trị. Phía sau chiếc tủ kính và tấm rèm buông hờ hững là một gian nhỏ được gọi là "phòng điều trị" khám chữa bệnh (KCB) của "bà lang" Tuyến.
Những bệnh nhân ở đây cho biết, họ được giới thiệu đến cơ sở KCB của "bà lang" Tuyến là một địa chỉ rất đáng tin cậy. Vì nhà bà không những rộng rãi thoáng mát, mà còn có cả chỗ ở "nội trú" cho những bệnh nhân ở xa. Hơn nữa, nhà "bà lang" Tuyến còn có cả dịch vụ ăn uống. Trong thời gian chữa bệnh "nội trú", nếu bệnh nhân nào có nhu cầu thì có thể sử dụng "dịch vụ" ăn uống ngay tại nhà "thầy" nên rất tiện lợi.
Theo quan sát của chúng tôi, ngoài ngôi nhà là nơi KCB, có cả phòng khám và phòng "điều trị" thì trong khu nhà bà còn có cả một dãy nhà dịch vụ. Trong dãy nhà này gồm có nhà ăn và một số phòng ngủ cho bệnh nhân điều trị "nội trú". Nhìn vào khu KCB và khu nhà ăn, nhà nghỉ tại cơ sở KCB "bà lang" Tuyến khá quy củ cũng đủ để nhận ra đây là một nơi thu hút nhiều bệnh nhân ở xa, và đã hoạt động từ rất lâu.
Các cơ quan chức năng huyện Mỹ Hào và tỉnh Hưng Yên biết không sự tồn tại của cơ sở KCB nhà "bà lang" Tuyến?
Vào bệnh viện để hỏi nhà “bà lang”?
Đồng hồ đã chỉ gần 12h mà vẫn chưa thấy "bà lang" xuất hiện. Trên ngăn chính giữa chiếc tủ kính có đặt ảnh chân dung một người phụ nữ khoảng 50 tuổi, một bệnh nhân nam chỉ cho chúng tôi biết đó chính là ảnh của "thầy lang" Tuyến. Về cách KCB của "bà lang", các bệnh nhân ở đây cho chúng tôi biết: "Thầy chữa bệnh đơn giản lắm. Chỉ cần bắt mạch và nắn huyệt thôi". Có bệnh nhân bày tỏ: "Tôi đến đây gần 1 tuần rồi. Từ hôm đến "thầy" bấm huyệt cho đến nay thấy người đỡ hơn nhiều". Nhưng một bệnh nhân khác lại nghi vấn: "Hôm nay là ngày thứ 3, tôi thấy người vẫn thế, mỗi lúc bấm huyệt xong còn thấy đau hơn?". Nói rồi bệnh nhân này tự trấn an: "Chắc là mới chữa nên bệnh tình chưa giảm, thử chữa thêm ít ngày nữa xem thế nào đã?".
Cách chữa bệnh của "bà lang" Tuyến đơn giản là khi bệnh nhân đến, bà hỏi địa chỉ rồi bắt mạch, sau đó cho bệnh nhân vào "phòng điều trị" và "thử" bấm huyệt để hỏi người bệnh xem có đau không? Có thấy đỡ không? Sau đó lại "điều" bệnh nhân ra vị trí chờ đợi, nếu ai có nhu cầu điều trị "nội trú" thì đăng ký với cơ sở KCB của bà để bố trí chỗ nghỉ ngơi. Theo các bệnh nhân ở đây thì chữa bệnh theo cách bấm huyệt tại nhà "bà lang" Tuyến, mỗi ngày chỉ tốn khoảng 50.000đ gọi là "tiền công", chứ "bà lang" Tuyến chữa bệnh không cần dùng thuốc nên người bệnh cũng không tốn kém gì mấy.
Thấy tôi nhấp nhổm có vẻ sốt ruột, một bệnh nhân nói: "Chắc thầy đi nghỉ trưa rồi, ngồi đây cho mát đợi thầy một lát". Bỗng một người đàn ông xuất hiện và hỏi chúng tôi với thái độ cảnh giác: "Anh chị mới đến à? Anh chị đến chữa bệnh hay làm gì? Nghĩ đây là người nhà "bà lang" nên tôi lấy lý do nhiều bệnh nhân quá, đợi đến lượt mình chắc còn lâu nên chúng tôi chào anh và các bệnh nhân rồi hẹn chiều sẽ quay lại. Chúng tôi lấy xe ra ngoài trước sự dò xét của những người đang có mặt trong nhà bà.
La cà ngoài quán nước, chúng tôi được người dân thôn Văn Nhuế nói về "bà lang" Tuyến: "Không nhớ từ bao giờ nhưng "bà lang" Tuyến hành nghề chữa bệnh bằng cách chỉ "dùng tay" mà không cần thuốc từ lâu rồi. Ngày mới mở ra cũng có vài người trong làng tìm đến bà ấy, nhưng để bà ấy nắn nắn, bóp bóp chỉ thấy đau hơn nên người làng không ai tìm đến bà ấy nữa. Chả biết bây giờ bà ấy chữa bệnh thế nào, toàn thấy người ở đâu về chữa chứ ở làng này không ai chữa bệnh nhà bà ấy đâu?…". Những người dân ở đây cũng cho biết, cơ sở KCB của "bà lang" Tuyến là hoạt động chui, chưa từng được cơ quan có thẩm quyền nào cấp phép, cũng như thẩm định khả năng KCB của bà. Đã có lần bà bị cơ quan chức năng "sờ gáy" nên nhà bà không bao giờ treo biển bên ngoài.
Từ cơ sở KCB của "bà lang" Tuyến đến Bệnh viện Đa khoa Phố Nối chưa đầy 1km. Một bác sĩ công tác tại Bệnh viện Đa khoa Phố Nối ngạc nhiên: "Có người vào cả cổng bệnh viện để hỏi thăm nhà "bà lang" Tuyến. Không hiểu người dân nghĩ thế nào mà họ lại tin vào khả năng chữa bệnh của bà Tuyến hơn đến bệnh viện"?
Điều khó hiểu hơn là dù người bệnh mang trong mình bất cứ căn bệnh gì thì "bà lang" Tuyến cũng sử dụng "bài thuốc" duy nhất là bấm huyệt. Và khi bấm huyệt thì ai cũng được bấm như nhau. Về kết quả KCB của "bà lang" Tuyến hiện nay chưa được kiểm chứng. Dù việc KCB của "bà lang" Tuyến chưa để xảy ra hậu quả xấu với trường hợp nào, nhưng việc hành nghề KCB không được cấp phép bởi một cơ quan có thẩm quyền là hành nghề trái quy định cần phải kiểm tra làm rõ. Không biết Sở Y tế tỉnh Hưng Yên và Phòng Y tế huyện Mỹ Hào có biết tại thôn Văn Nhuế, thị trấn Bần đang tồn tại một cơ sở KCB chui? Hay các cơ quan này biết mà vẫn làm ngơ?
(Còn nữa)