10 lỗi sai cha mẹ thường mắc phải khi bắt đầu dạy con tập đọc sách

Dưới đây là hàng loạt lỗi sai các bậc phụ huynh hay mắc khiến trẻ cảm thấy áp lực khi tập đọc.

1. Không đọc mẫu cho con

Trước khi bạn và con bắt đầu vào công cuộc tập đọc sách, hãy nhớ làm mẫu cho bé để con có thể hình dung trước được mình cần làm như thế nào. Bên cạnh đó, cha mẹ nên kích thích tư duy của trẻ bằng cách đặt một vài câu hỏi ngoài lề như: “Đọc xong câu chuyện này con có suy nghĩ gì?”.

2. Bỏ qua việc đọc lại

Đừng nghĩ rằng, nếu như cha mẹ đã dạy con đọc xong một câu chuyện thì không cần lặp lại nữa. Trẻ còn khá nhỏ và việc ghi nhớ chưa tốt nên hãy tích cực cùng bé đọc lại những câu chuyện cũ nhưng nên xen kẽ thời gian nhằm tăng sự hứng thú cho trẻ. Như vậy, con vừa ghi nhận được thông tin lại nắm được mặt chữ tốt hơn.

3. Hỏi quá ít

Việc đặt câu hỏi của phụ huynh đóng vai trò cực quan trọng vì nó sẽ đánh giá được mức độ hiểu bài của con tới đâu. Vì thế, cha mẹ nên tích cực đặt câu hỏi cho con trong quá trình tập đọc, nhưng hãy nhớ, đừng hỏi quá nhiều và dồn dập vì nó tạo áp lực cho trẻ.

4. Sửa sai cho con bất kể lúc nào

Thoạt nghe qua thì việc này có vẻ luôn đúng. Nhưng khi dạy con tập đọc, nếu trẻ có đọc sai không đáng kể hoặc đọc bị vấp thì hãy động viên để chúng tiếp tục đọc bài và sau đó bạn quay lại sửa lỗi sai cho con biết. Phương pháp này sẽ tăng sự tự tin cho con, tránh tình trạng con luôn sợ sai mà không dám đọc.

5. Chọn mức độ quá khó

Việc chọn những bài tập đọc phù hợp với khả năng của con sẽ giúp trẻ dần thích nghi và tiến bộ nhanh hơn là ép con phải học mức độ quá khó. Lỗi sai này sẽ khiến trẻ cảm thấy chán nản vì không vượt qua được bài tập đọc quá sức mình, từ đó dẫn đến tình trạng lười học và tự ti.

6. Lặp lại 1 chủ đề nhiều lần

Thay vì khám phá lặp đi lặp lại một chủ đề nhàm chán, các bậc phụ huynh nên dẫn dắt con đi sang nhiều chủ đề mới để tăng sự hứng thú cho bé trong quá trình tập đọc. Việc này còn thúc đẩy khả năng sáng tạo cũng như kích thích tư duy cho con.

7. Nóng vội khi con tập đọc

Nếu đứa trẻ mất khá nhiều thời gian để tập đọc một từ thì cha mẹ hãy bình tĩnh, đừng tỏ ra nóng vội hoặc tỏ thái độ không hài lòng với con. Mọi sự khởi đầu đều khó khăn nên hãy cổ vũ tinh thần, động viên trẻ để chúng thêm hứng thú khi tập đọc nhé.

8. Bỏ qua hình ảnh minh họa

Hình ảnh minh họa vẫn thường bị các bậc phụ huynh bỏ qua vì cho rằng nó không quan trọng bằng câu chữ. Nhưng điều này hoàn toàn sai vì các hình ảnh trong bài tập đọc đều tăng sự hiểu biết của con và giúp trẻ thêm hứng thú về câu chuyện mà mình đang tập đọc.

9. Đặt cuốn sách xuống nhanh

Sau khi hoàn thành bài tập đọc cùng bé, cha mẹ chớ vội gấp sách lại mà hãy trò chuyện và hỏi con một vài câu về bài học cũng như cảm nhận của bé hoặc những điều con cảm thấy khúc mắc. Việc này giúp con nhớ bài lâu hơn.

10. Bạn bỏ cách nhấn nhá khi đọc

Khi dạy bé tập đọc bằng câu chuyện, các bậc phụ huynh hãy chú ý đến cách nhấn nhá và thay đổi âm độ sao cho phù hợp với từng nhân nhật. Cách này giúp câu chuyện trở nên sinh động và khiến bé hào hứng hơn trong việc tập đọc.