VinFast và thách thức từ phương thức đầu tư mới của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Thứ sáu, 23/11/2018 08:15

Theo nhiều chuyên gia, VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng phải đối mặt rất nhiều thách thức do phương thức đầu tư hoàn toàn mới khi so sánh với các chính sách hiện hành.

vinfast va thach thuc tu phuong thuc dau tu moi cua ty phu pham nhat vuong hinh anh 1

GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE).
(Ảnh: I.T)

Đánh giá về cuộc Cách mạng 4.0, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng, đối với các quốc gia phát triển như Trung Quốc, Đức hay Mỹ, tiềm năng thực hiện Cách mạng 4.0 là vô hạn. So sánh với năng lực sản xuất tới 100.000 rô-bốt mỗi năm của Trung Quốc, rõ ràng năng lực của Việt Nam rất hạn chế.

Vậy nên, nếu không vạch ra các hạn chế, nhìn ra tiềm năng để lựa chọn một số phân mảng phù hợp. Từ đó, tập trung phát triển thì Việt Nam không thể đạt được mục tiêu của mình.

“Bộ KHCN đang thực hiện một chiến lược lớn, Ban Kinh tế Trung ương cũng làm một chiến lược phát triển công nghiệp trong Cách mạng 4.0, nhưng đưa ra quá nhiều mảng. Như vậy, lãng phí rất nhiều nguồn lực để thực hiện trên nhiều ngành, lĩnh vực mà các nước đi sau trong Cách mạng 4.0 không nên làm”, GS. Nguyễn Mại nhận xét.

vinfast va thach thuc tu phuong thuc dau tu moi cua ty phu pham nhat vuong hinh anh 2

Ngoại thất của VinFast Fadil được đánh giá là khá bắt mắt. (Ảnh: Trí Dũng)

Từ đây, ông Mại cho rằng, cần có cách tiếp cận, cái nhìn cập nhật hơn về thực trạng triển khai Cách mạng 4.0 tính tới cuối năm 2018 ở Việt Nam. Lấy ví dụ về sự kiện VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tổ chức lễ ra mắt công chúng Việt Nam hai chiếc xe sedan 5 chỗ Lux A2.0 và SUV 7 chỗ Lux SA 2.0, GS. Nguyễn Mại nói: “Một sự kiện tuy của một tập đoàn nhưng có ý nghĩa đối với cách tiếp cận cuộc Cách mạng 4.0".

GS. Nguyễn Mại cho biết trong nhiều năm nghiên cứu về đầu tư nước ngoài, có một phương thức mới, như cách VinFast hiện nay đang thực hiện. Nó không phải đầu tư thu hút vốn, mà đầu tư thông qua việc thực hiện kết nối giữa một tập đoàn trong nước với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới trong từng lĩnh vực. Từ đó, thu hút và học tập công nghệ hiện đại, biến chúng thành công nghệ Việt Nam.

"Cách làm như vậy khác hoàn toàn với tất cả những nhà làm ô tô Việt Nam từ trước tới nay. Vì vậy, VinFast tiến rất nhanh, từ 2017 tới 2018, sau chưa đầy 2 năm đã xây dựng, nghiên cứu và cho ra đời các mẫu ô tô trình làng ở Paris Motor Show và đạt giải thưởng Ngôi sao mới. Hôm qua, 2.000 người đã đăng ký đặt mua ô tô VinFast", GS. Nguyễn Mại bình luận.

Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng không chỉ làm việc đó mà hiện nay đã đầu tư 8.200 tỷ đồng để xây một trung tâm nghiên cứu như Thung lũng Silicon ở Đông Anh, Hà Nội cho 20.000 người làm việc chỉ trong vòng 1 năm. Vingroup còn đầu tư vào smartphone và 2 viện nghiên cứu. Một viện nghiên cứu Big Data và một viện nghiên cứu công nghệ hiện đại. Đồng thời, bỏ ra 300 triệu USD để tài trợ cho tất cả sáng kiến và phát minh mới của các học sinh giỏi của Việt Nam.

"Vingroup đặt mục tiêu đến 2028 sẽ trở thành một trong những tập đoàn lớn của Thế giới về công nghiệp và dịch vụ. Họ thu hút được rất nhiều nhân tài. Anh Võ Quang Huệ, Phó tổng giám đốc Vingroup, chính là cầu nối giữa Vingroup và các tập đoàn lớn của Đức. Đó là một ví dụ rất hay. Năm 2018 mới có việc đó còn 3 năm trước đây không hề có”, GS. Nguyễn Mại nhận định.

vinfast va thach thuc tu phuong thuc dau tu moi cua ty phu pham nhat vuong hinh anh 3

TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: I.T)

Trước đó, trong một buổi thảo luận tổ tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cũng từng đưa ra ý kiến về khoản đầu tư 4 tỷ USD cho dự án VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

“Vingroup đầu tư theo phương thức hoàn toàn khác so với các doanh nghiệp nhà nước và tư duy đầu tư tại Việt Nam. Họ mua giấy chứng nhận để sản xuất và độc quyền. Vậy cơ quan quản lý Nhà nước trong thời gian tới có thể chế, chính sách nào để hỗ trợ Vingroup với tư cách họ là một doanh nghiệp Việt Nam, thương hiệu Việt Nam?”, TS. Nguyễn Đức Kiên đặt câu hỏi.

Trích dẫn phần phụ lục về điều kiện kinh doanh của Luật đầu tư và Nghị định 116/NĐ-CP về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô, TS. Nguyễn Đức Kiên tiếp tục đưa ra câu hỏi: “Trường Hải Thaco có phải là doanh nghiệp Việt không? Hyundai Thành Công, hiện đang lắp ráp xe Hyundai có phải doanh nghiệp 100% Việt Nam không?"

"Nếu chúng ta không xác định được, Chính phủ không báo cáo được Quốc hội để định ra chính sách thì VinFast sẽ gặp khó khăn. Chúng ta có cần đề xuất Chính phủ ngay trong tháng 5.2019 làm Luật về công nghiệp hỗ trợ không? Chúng ta vẫn thiếu vắng thể chế để hỗ trợ cho chính sách phát triển như vậy”, TS. Nguyễn Đức Kiên băn khoăn.

vinfast va thach thuc tu phuong thuc dau tu moi cua ty phu pham nhat vuong hinh anh 4

TS. Cấn Văn Lực. (Ảnh: I.T)

Còn trong quá trình góp ý dự thảo Luật chứng khoán (sửa đổi), TS. Cấn Văn Lực cũng bày tỏ sự băn khoăn khi nhắc tới trường hợp VinFast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Theo đó, TS Cấn Văn Lực đề xuất sửa đổi quy định, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp không đủ điều kiện, thua lỗ nhưng vẫn nên được phép chào bán chứng khoán để đảm bảo điều kiện tiếp cận vốn. Bởi thực tế nhiều doanh nghiệp lỗ trên báo cáo tài chính song có hiệu quả kinh doanh tốt, được thị trường đánh giá và định giá rất cao, do vậy không nên siết doanh nghiệp bằng các điều kiện thông thường.

“Chúng ta yêu cầu doanh nghiệp hoạt động phải có lãi. Nhưng nhiều doanh nghiệp startup có thể sẽ lỗ trong 2, 3 năm đầu hoạt động, nhưng tiềm năng cực kỳ lớn. Ví dụ VinFast, trong 5 - 10 năm đầu họ có thể chịu lỗ, nhưng về lâu dài, với tiềm năng lớn, họ có thể có lãi. Không cho phép họ huy động vốn, chào bán ra công chúng thì làm như thế nào?”, ông Lực đặt câu hỏi.

Danviet.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Phạm Nhật Vượng , VinFast , Xe VinFast , Vingroup