Làm gì khi công ty cũ mời bạn về làm việc?
Thứ ba, 27/08/2019 11:22

Một ngày sếp cũ bỗng nhiên gọi điện thoại và đưa cho bạn một đề nghị hấp dẫn với mong muốn bạn trở lại công ty cũ làm việc.

Đây là điều không hiếm khi đi làm, song sẽ là một tình huống khiến nhiều người khó xử. Từ chối hay nhận lời? Trước khi trả lời, hãy tham khảo bài viết này để có được lựa chọn đúng đắn.

carreer-link-282-xahoi.com.vn-w600-h315

Xin thời gian suy nghĩ

Đó có thể là một cuộc gọi bất ngờ, một tin nhắn hay một email bạn chưa từng nghĩ tới. Nhiều người trong tình huống đó có thể sẽ từ chối ngay lập tức vì cảm thấy ái ngại khi trở lại công ty cũ – nơi bạn đã dứt áo ra đi. Tuy nhiên, đó sẽ là một quyết định vội vàng và thiếu suy nghĩ. Thậm chí, bạn có thể sẽ hối hận vì điều này. Nhà tuyển dụng cũ đưa ra đề nghị đột ngột như vậy thì chắc chắn cũng sẽ cho bạn thời gian để suy nghĩ. Trước tiên, hãy cảm ơn và tỏ lòng cảm kích vì tình cảm của công ty cũ dành cho bạn. Sau đó, hãy nói với anh ấy/chị ấy rằng bạn cần thời gian suy nghĩ và cân nhắc với công việc hiện tại. Nếu có thể, hãy đưa ra một mốc thời gian cụ thể để trả lời sếp cũ về quyết định của bạn.

Suy nghĩ về các mối quan hệ ở công ty cũ

Quay trở lại công ty cũ đồng nghĩa với việc bạn sẽ gặp lại những đồng nghiệp cũ đã sát cánh cùng nhau. Có thể chỉ là một vài người, hoặc có thể là gần như cả nhóm vẫn ở lại, có người bạn yêu mến nhưng cũng có người chỉ ở mức độ xã giao. Thời gian xa cách ai cũng sẽ thay đổi ít nhiều. Vậy nên, nếu bạn có ý định trở lại, ít nhất bạn nên biết qua về nhân sự hiện tại ở công ty. Ngoài ra, mối quan hệ với sếp trước đây như thế nào, đồng nghiệp của bạn ra sao, đó có phải là môi trường giúp bạn phát triển hay không… là những câu hỏi nên được nhắc đến. Rõ ràng, nếu sếp cũ từng khiến bạn khó xử, đồng nghiệp không thân thiện thì có lẽ việc bạn rời đi là đúng đắn. Nhưng nếu như ngày bạn rời đi, mọi người ở đây khiến bạn cảm thấy luyến tiếc thì đây có thể là nơi luôn chào đón bạn.

Thương thảo lại lời đề nghị

Một khoảng thời gian đã trôi qua kể từ ngày bạn rời công ty cũ, bạn đã tích lũy cho mình thêm những kinh nghiệm mới, học được những kỹ năng mới..., giá trị của bạn cũng sẽ tăng lên. Đi cùng với đó là chế độ lương thưởng sẽ khác với ngày còn làm ở đó. Bạn nên đọc kỹ đề nghị của sếp cũ và hỏi lại nếu như cảm thấy chưa rõ ràng. Đây là vấn đề nhạy cảm khiến nhiều người ái ngại, nhưng khi bạn cống hiến sức lao động và giá trị của bản thân cho doanh nghiệp, bạn cũng cần nhận lại một cách xứng đáng. Và điều này nên được thảo luận rõ ràng.

Trả lời rõ ràng và tế nhị

Một câu trả lời rõ ràng và khéo léo để tránh làm rạn nứt mối quan hệ với sếp cũ là điều cần thiết. Nếu bạn từ chối, hãy bày tỏ thiện chí và cảm ơn vì sếp vẫn quan tâm và mong muốn bạn gắn bó với công ty. Đưa ra những lý do hợp lý và xác đáng để sếp cũ thấy rằng đó là một quyết định khó khăn cho bạn. Ngược lại, nếu bạn muốn gắn bó lần nữa với công ty, hãy cho sếp cũ biết khoảng thời gian bạn có thể bắt đầu làm việc, một vài yêu cầu với công việc và những hi vọng cho thử thách sắp tới.

Ra đi thế nào không quan trọng bằng trở về ra sao

Có thể trong quá khứ, bạn đã có một vài trở ngại ở công ty cũ. Tuy nhiên, khi sếp cũ đã mời bạn trở lại, đồng nghĩ với việc bạn là người công ty cần, bạn mang đến giá trị cho công ty. Những người quản lý luôn biết rõ nhân viên của mình, vậy nên đừng quá lo lắng về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ. Hãy tách bạch rõ ràng chuyện trước đây với hiện tại. Điều quan trọng là nếu bạn đã quyết tâm về chốn cũ, hãy trở về trong tư thế ngẩng cao đầu, sẵn sàng cống hiến với nhiệt huyết và trách nhiệm của một người trẻ kinh nghiệm và được lựa chọn. Cùng chiến đấu với đồng nghiệp cũ và mới, cùng sếp chinh phục những mục tiêu mới, đó mới là điều bạn cần làm.

Chuyện đi hay ở không bao giờ là một quyết định dễ dàng. Có những cuộc chia ly khiến chúng ta nhận ra xa cách mới là quyết định đúng đắn. Nhưng cũng có những chia ly cho chúng ta cơ hội trải nghiệm, trưởng thành và quay lại để thành những mảnh ghép hoàn hảo cùng nhau. Quan trọng là dù ở đâu, bạn cũng cần tận tụy và cống hiến đến ngày cuối cùng. Khi đó, trở lại hay bước tiếp chỉ là quyết định bạn muốn hay không mà thôi!

HX (Theo Tri Thức Xanh)

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Tìm việc làm , Công ty cũ , Career link