"Con cắm xe ở đâu để mẹ chuộc về cho, không có bố biết thì chết" - bà Huyên ngọt nhạt bảo Hưng, cậu quý tử mà bà hết mực cưng chiều, dù đây là lần thứ hàng chục cậu con đem xe đi "gửi" để lấy tiền chi tiêu cho những cuộc vui thâu đêm của mình.
Vật chất và đòn roi
Lấy chồng hơn mười năm bà Huyên mới có diễm phúc được làm mẹ. Vui mừng và sung sướng, bà chăm sóc, chiều chuộng cậu quý tử từng li từng tí. Ngay từ lúc còn ở trong nôi, Hưng đã đeo trên người không biết bao nhiêu vàng bạc, lễ tết cầm không biết bao nhiêu là tiền mừng tuổi. Lớn lên chút nữa, bà Huyên cho Hưng đi học, kèm theo đó là các khoản hậu đãi cô giáo "để mắt" đến con bà, cùng với khoản tiền quà sáng cho cậu con cứ lớn dần theo thời gian.
Được chiều, Hưng đã biết thế nào là tiêu tiền triệu. Được bạn bè rủ rê, dù mới học lớp mười nhưng Hưng đã nhiều lần "dạt" nhà và “cắm” xe, “cắm” điện thoại - những thứ đắt tiền mẹ mua cho để lên sàn cùng những cuộc vui thâu đêm. Cậu quý tử cũng chẳng sợ bị lưu ban vì biết chắc các cô sẽ bỏ qua cho mình với số tiền không nhỏ mẹ cậu đã "ngoại giao".
Sau mỗi lần như thế, bà Huyên không mắng cũng chẳng chửi con vì "sợ nó lại đi tiếp". Vì thế bà thường ngọt ngào, nhẹ nhàng và có khi còn… chiều Hưng hơn, cho tiền nhiều hơn khiến Hưng ngày càng quậy phá.
Trái ngược hẳn với bà Huyên, bà Thanh nổi tiếng là ghê gớm trong khoản dạy con ở xóm. Vốn là người khéo ăn nói, với ai bà Thanh cũng niềm nở, mềm mỏng nên không ai ghét bà. Nhưng chẳng ai không lè lưỡi, lắc đầu khi nghe bà chửi rủa đứa con gái chỉ vì nhìn thấy bài kiểm tra bị điểm bốn của cô bé. Hàng xóm nhà bà vẫn còn nhớ như in lần bà Thanh đánh con đến rớm máu, rồi xát muối vào chỗ đau để con "nhớ đời".
Hàng xóm nghe thấy tiếng con bé kêu ghê quá phải chạy sang can mãi mới được. Mang tiếng là con gái hay thủ thỉ với mẹ nhưng những đứa con bà Thanh cả trai, cả gái đều ít khi tâm sự với bà, mà chỉ to nhỏ với bố chuyện tình cảm tế nhị cũng như chuyện học hành, cuộc sống của mình.
Tình yêu và sự nghiêm khắc
Đó là cách vợ chồng ông Khanh, bà Quy áp dụng để nuôi dạy bốn người con của mình. Ông Khanh là thương binh, vợ làm ruộng, cả hai rời quê hương đến đất khách xây dựng cuộc sống từ hai bàn tay trắng. Cũng vì thế họ muốn con cái hiểu rằng, không tự nhiên mà chúng được sống đầy đủ, muốn gì có nấy như thế mà tất cả đều có giá của nó. Thương thì thương thật, yêu thì yêu thật nhưng không có nghĩa là con cái muốn làm gì thì làm.
Dù bận bịu làm ăn nhưng ông bà không quên nhắc nhở con cái học hành, ngày ngày kể cho các con nghe về tuổi thơ thiệt thòi không được học hành cẩn thận, về chuyện ngày xưa họ phải đi bộ đi học xa mười cây, phải thắp đèn dầu để đọc sách…, họ rèn các con từ lời ăn tiếng nói đến cách đối nhân xử thế, ông Khanh luôn dạy các con "đừng sợ thiệt thòi" để luôn luôn giang tay giúp đỡ những người khốn khó. Và còn nhiều điều nữa trong cuộc sống, ông bà đều dùng tình thương và sự nghiêm khắc của mình để răn dạy các con.
"Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh", mỗi bậc cha mẹ đều có cách dạy con riêng của mình, nhưng tựu trung ai cũng muốn con cái được hưởng những thứ tốt đẹp nhất mình có thể mang lại, chỉ có điều đó là vật chất hay kiến thức mà thôi.
Với kiểu chiều chuộng, dùng tiền để dỗ ngọt con cái của một số phụ huynh, ngay cả chuyện học hành của con cái họ cũng dùng tiền để giải quyết mà không nhắc nhở, dạy dỗ con phải tự cố gắng bằng chính bản thân khiến con cái sinh ra tính ỷ lại, cậy đã có bố mẹ, mất dần sự cố gắng và tính độc lập, buông xuôi chuyện rèn luyện, học hành, sa đà vào hư hỏng.
Nhưng với những bậc cha mẹ quá nghiêm khắc, đối với họ con hư là phải đánh, và đã đánh thì phải đánh cho nhớ, thì những đứa con bị đánh liên tục đến nỗi trở lên nhờn, lỳ hoặc trầm cảm, xa lánh bố mẹ, bạn bè.
Nhiều đứa con sinh ra tâm lý không làm điều nọ, điều kia vì sợ bị đánh chứ không phải vì ý thức được rằng làm thế là sai, chỉ đến khi khuất mắt bố mẹ chúng mới bắt đầu tự tung tự tác làm những điều mình muốn mà không sợ bị đánh đập nữa. Chính vì thế, kiểu giáo dục này chỉ có tác dụng khi con cái còn trong vòng tay của cha mẹ, đến lúc họ tự nuôi được bản thân thì hậu quả khó lường.
Không lạm dụng vật chất và không để cho con có ý định dựa dẫm, ỷ lại vào cha mẹ mặc dù vẫn cung cấp đầy đủ những gì con cái cần là một sự thành công của nhiều bậc phụ huynh. Bằng tình yêu và sự quan tâm đến con, mong con cái thành người, họ nghiêm khắc uốn nắn con cái ngay từ khi còn nhỏ để có một nền tảng vững chắc hình thành nhân cách cho con. Đối với họ, con cái ngoan ngoãn là phần thưởng lớn nhất cho mọi sự hy sinh trong cuộc đời.