Lao động sang Mỹ tùy từng khu vực kinh tế
Xuất khẩu lao động (XKLĐ) là hướng đi được xác định giúp nhiều lao động Việt Nam (LĐVN) thoát nghèo và có cơ hội thay đổi cuộc sống. Đến nay, chúng ta đã đưa LĐVN vào nhiều thị trường trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc,… Về cơ hội đưa LĐVN sang Mỹ, ông Eric Biel cho biết, vấn đề XKLĐ sang Mỹ không quan trọng bằng việc cải cách chính sách nhập cư của nước này. Ngoài ra, Bộ Lao động không phải là bộ có trách nhiệm hàng đầu trong vấn đề đưa LĐ từ nước khác vào Mỹ, mà còn liên quan đến Bộ Tư pháp, An ninh nội địa,… Tuy nhiên, không phải không có cơ hội cho LĐ nước ngoài, vì còn tùy theo khu vực nào trong nền kinh tế cần đến lao động đặc thù.
Về những yêu cầu mà NLĐ phải đáp ứng để sang Mỹ làm việc, Mỹ có chương trình trao đổi giáo dục nhằm thúc đẩy sự trao đổi song phương. Theo ông Eric Biel, Mỹ muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc lưu chuyển hàng hóa hơn là lưu chuyển con người. Việc đưa người đi LĐ tại các quốc gia khác cũng ẩn chứa nhiều thách thức chứ không phải là vấn đề đơn giản.
Hiện Mỹ có nhiều hạng mục visa không nhập cư khác nhau để cấp cho những người đến Mỹ lao động. Visa cấp cho hạng mục công việc cần kỹ năng hoặc với danh mục công việc mà Mỹ cần - “Chương trình Visa H1B”. Để thực hiện chương trình này, Chính phủ Mỹ có hiệp định chương trình bảo vệ lãnh sự ký kết với các nước để họ có thể đưa người có kỹ năng mà Mỹ cần sang Mỹ làm việc. “Trách nhiệm của chúng tôi không quản lý số người hay đặt ra hạn mức cho bao nhiêu người vào Mỹ,… mà chúng tôi đảm bảo để những người đã sang Mỹ làm việc được đối xử công bằng, có sự tôn trọng”, ông Eric Biel nhấn mạnh.
Việc làm cho người nước ngoài tại Mỹ chỉ mang tính thời vụ
Theo ông Eric Biel, khi làm việc với APEC ông có bàn về sự di chuyển của NLĐ với trọng tâm là các nền kinh tế APEC sẽ giúp nhau cho sự di chuyển của NLĐ giữa các nước láng giềng. Mỹ chỉ giúp phổ biến hoặc thúc đẩy cách làm hay để đảm bảo NLĐ được đối xử tử tế.
Ông Eric Biel - Phó trợ lý Bộ trưởng Lao động Mỹ
Trước thực tế có nhiều DN lớn như Samsung, Nokia, Microsoft xây dựng nhà máy ở VN, điều này cho thấy nhân công VN phải đảm bảo được các yêu cầu cơ bản khi làm việc trong các nhà máy tầm cỡ, ông Eric Biel cho rằng nếu hiện nay vẫn nhắc đến lợi thế LĐ là giá rẻ, cần cù, chịu khó,… thì không còn phù hợp. Phía Mỹ cũng có chút quan ngại khi sử dụng LĐ giá rẻ với nhiều vụ việc đã xảy ra ở Trung Quốc, Bangladesh,…
Đến nay, các chương trình đưa LĐ có kỹ năng sang Mỹ làm việc có thể do thỏa thuận trong các đàm phán về hiệp định thương mại và luôn có các quy định cụ thể. Việc làm cho người nước ngoài thường mang tính tạm thời (vài tháng), mùa vụ như nhân viên cứu hộ các khu nghỉ mát và LĐ phải qua quá trình kiểm tra gắt gao. Họ phải đạt được kỹ năng đến độ công việc đó không có người Mỹ làm được thì mới được tuyển.
Đến nay, Bộ Lao động Mỹ đã làm việc nhiều với Chính phủ và ngành nông nghiệp VN để thúc đẩy năng suất và thúc đẩy cách làm hay. “Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc lưu chuyển hàng hóa hơn là lưu chuyển con người. Việc đưa người đi LĐ tại các quốc gia khác cũng ẩn chứa nhiều thách thức chứ không phải là vấn đề đơn giản. Thực tế, có sự xâm hại người lao động, cả ở ngành nông nghiệp và việc này có xảy ra tại Mỹ”, ông Eric Biel cho biết và nhấn mạnh rằng: Không phát triển con người, chúng ta sẽ tụt hậu, bởi APEC quan tâm nhiều đến thương mại tự do. Tuy nhiên, nếu APEC chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế và xuất khẩu thì không đủ và không phải là sự ưu tiên đúng. Sự ưu tiên đúng đắn phải là phát triển nhân lực, tạo ra cơ hội cho con người và đào tạo tốt hơn cho con người. Điều này sẽ tác động nhiều đến Việt Nam, Philippines và Mỹ. Không phát triển con người, không chăm lo đào tạo, huấn luyện kỹ năng, chúng ta sẽ tụt hậu.