Phần 1 – Em đến với rừng
Ngày... Tháng... Năm...
Hôm nay trời mưa lớn, cha không lên rẫy được, thế là mình lại được vui chơi cùng cha ở nhà, thích quá! Lần nào cũng vậy, cứ khi trời mưa là cha lại nhóm lửa nướng thứ gì đó để hai cha con vừa ăn vừa ngắm mưa.
Ngoài kia tiếng mưa hòa với tiếng gió hút ngọn cây rừng tạo nên bản hòa âm thật điêu luyện. Nhìn qua khung cửa, từng vạt nước trắng xóa cứ quyện vào mảng xanh ngút ngàn vẽ nên bức tranh tuyệt đẹp. Bên bếp lửa ấm cúng, cha nướng cho mình củ sắn lùi thơm nức mũi, vừa ăn vừa nghe cha kể đủ thứ chuyện trên đời.
Rồi cha kể chuyện ngày xưa, từ hồi mình còn bé tí cơ. Lúc đó cha vất vả lắm mới đưa được mình đến với thiên nhiên kỳ diệu này. Qua những câu chuyện cha kể mình thấy được ý chí và nghị lực phi thường của cha, ẩn chứa trong đó là tình thương bao la mà cha đã giành cho mình.
Cha kể, hồi xưa lúc chưa đến với rừng, cha sống cùng với đám người gọi là người văn minh, cách nơi này mấy ngày đường. Nhưng rồi cha không chịu được cuộc sống khổ cực và hơi lập dị của đám người văn minh, không chịu được sự tàn khốc của chiến tranh mà những người văn minh đó gây ra, nên cha đã quyết tâm đi tìm một cuộc sống mới, tìm một vùng trời bình yên.
Cha bảo cái chiến tranh nó đáng sợ lắm, nó làm cho con người trở lên ác hơn con thú dữ trong rừng. Chiến tranh tức là hai đám đông người đánh nhau chí mạng, họ tìm mọi cách để bắt, để tù đày, để giết người chống lại mình. Cha đã chứng kiến cảnh người ta đến đốt nhà, giết chết người thân của mình. Cha đã không thể chịu đựng được cảnh đau thương đó.
Vì sao lại có chiến tranh? Cha giải thích rằng có lẽ do cách sống của người văn minh là sống tập trung thành bầy quá đông, nên sinh ra thiếu thốn vật chất, rồi sinh ra tranh giành của nhau. Đầu tiên là tranh cướp những cái vụn vặt, rồi đến cái lớn hơn, rồi lôi kéo nhau dần thành đám đông, đám đông thiệt là đông đánh nhau đến chết gọi là chiến tranh.
Sống bầy đàn đông bất tiện lắm, kể cả không đến mức chiến tranh thì trong cuộc sống họ cũng đầy mâu thuẫn và giành giật. Mình không tưởng tượng được cảnh trên một khu đất chỉ rộng bằng ngọn đồi nhỏ nhưng có cả nghìn người sống chen chúc nhau.Trong cuộc sống đông đúc đó, người ta phải tìm mọi cách để tồn tại, người lương thiện thì làm việc quần quật, kẻ thì lại đi ăn cướp, kẻ khác thì đi lừa đảo, kẻ có điều kiện lại đi bóc lột, sống trên sức lao động của người khác... Sống chật chội như vậy nên không tránh khỏi sự va chạm và kèn cựa. Chuyện soi mói nhau, cạnh khóe nói xấu nhau, cãi vã chửi bới nhau... như cơm bữa, khiến cuộc sống trở nên ngột ngạt, ngoại trừ những người đã quen tai.
Cũng vì quá đông nên họ khai thác thiên nhiên kiệt quệ. Họ sống nhờ thiên nhiên nhưng sẵn sàng quay lưng tàn phá thiên nhiên. Họ chặt cây, họ phá rừng, họ xả thải, họ phủ hóa chất, họ đào bới xới lộn đất đai để rồi thiên nhiên không chịu đựng được nữa bèn vật lại họ. Thế nên môi trường ngày càng trở nên ôi nhiễm, khói bụi mịt mù, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai hoành hành, hạn hán chán rồi quay ra lũ lụt. Đường sau trận lụt đột ngột trở thành sông, còn sông đến mùa hạn cạn khô đáy lại bỗng dưng muốn... thành đường.
Vậy đó, cuộc sống bí bách đã khiến cha phải dùng kế “tẩu vi thượng sách”. Nhưng đâu phải cứ muốn đi là được, phải năm lần bảy lượt xui xẻo, cha cứ trốn đi thì họ lại tìm bắt về, thật là ích kỷ và kỳ cục! Cuối cùng thì ý chí và nghị lực của cha cũng đã chiến thắng, cha đã vượt mọi chướng ngại vật để đưa mình đến với rừng.
Ở đây cuộc sống của cha con mình hòa quyện cùng thiên nhiên, được núi rừng nuôi dưỡng và che chở, không phải bon chen giành giật, không sợ ai cướp bóc, không sợ lừa lọc, không sợ bóc lột, không sợ chèn ép, không bị soi mói kèn cựa, không sợ môi trường độc hại... Chỉ sợ mỗi lâm tặc!
Câu chuyện cha kể làm mình thật cảm động, cảm ơn cha đã vì con làm tất cả để giờ đây cha con mình được sống hạnh phúc ở nơi này.