Xe buýt sẽ tăng giá gấp đôi?

Trước đề xuất tăng giá vé xe buýt, nhiều chuyên gia cho rằng, nên tăng chất lượng xe buýt trước khi tăng giá vé.

Mới đây, trong cuộc họp giữa UBND TP. Hà Nội và Tổng công ty vận tải Hà Nội Transerco, bà Lê Thị Loan, phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội đã đề nghị TP sớm cho tăng giá vé. Bởi theo bà Loan, giá vé hiện nay được ban hành từ năm 2005 đã quá lạc hậu. TP. Hà Nội cần điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình kinh tế chung. Hơn nữa, việc tăng giá vé sẽ đảm bảo chất lượng, giảm phần trợ giá của TP đối với ngành này.

Theo ông Nguyễn Phi Thường, tổng giám đốc Transerco, giá vé xe buýt hiện nay chỉ có 4000 đồng /lượt là quá rẻ. Bên cạnh đó, ông Thường cũng cho biết, kết quả điều tra xã hội học cho thấy, chất lượng dịch vụ xe buýt đã được cải thiện. 26% số người được hỏi đánh giá chất lượng dịch vụ xe buýt tốt, 65% đánh giá bình thường, 8% đánh giá kém và 1% đánh giá rất kém.

Thống kê là như vậy nhưng ông vị tổng giám đốc cũng phải thừa nhận, hiện nay xe buýt vẫn còn tệ nạn như móc túi, cướp giật. Trầm trọng hơn, nhiều lái xe, phụ xe còn thái độ vô lễ, thậm chí mắng chửi, hành hung hành khách tạo bức xúc trong dư luận.

Xe buýt vẫn là hung thần đối với nhiều hành khách

Thời gian qua, nhiều người dân trên cả nước bức xúc vì hàng loạt vụ việc lái xe buýt dở thói côn đồ với "thượng đế". Hay mới đây nhất, cũng tại Hà Nội, một hành khách đã bị hai "hùng thần" xe buýt số 27 "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" khiến chảy máu mắt và phải khâu 20 mũi. Đây là một số ít các vụ việc lớn đã lên mặt báo. Nhiều hành khách cho biết, việc lái xe chửi mắng, xúc phạm người dân là chuyện xảy ra như cơm bữa.

Trao đổi với PV, TS. Khuất Việt Hùng, chủ nhiệm bộ môn Quy hoạch và Quản lý GTVT (trường Đại học GTVT) cho rằng, việc nâng giá vé xe buýt là hợp lý nếu như họ đảm bảo các dịch vụ cũng sẽ tăng cùng. TS Hùng cho biết, hiện nay chất lượng dịch vụ xe buýt mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đạt chuẩn.

Nhiều hành khách vẫn còn tỏ ra bức xúc về chất lượng xe và dịch vụ. Chuyên gia này thừa nhận, giá vé xe buýt hiện nay đã lạc hậu. Tuy nhiên, cần phải cân nhắc giá vé theo hướng những đối tượng cần ưu tiên như học sinh sinh viên, người thu nhập thấp sẽ chịu mức tăng giá  rất ít.

TS. Khuất Việt Hùng khẳng định, chiến lược chung của TP. Hà Nội là nếu dịch vụ xe buýt đạt tiêu chuẩn từ tất cả trung tâm quận huyện nối với TP thì người dân sẽ dùng xe buýt thay xe máy. Tuy nhiên, để làm được điều này, giá vé xe buýt phải thấp, như thế mới có thể cạnh tranh được với xe máy.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam khẳng định, việc tăng giá vé thời điểm này sẽ tác động đến đời sống của người dân. Bởi những đối tượng sử dụng loại phương tiện này đại đa số là sinh viên và người thu nhập thấp. Theo ông Hùng, ngành kinh doanh xe buýt nên tìm giải pháp khác để bù lỗ chứ không nên đổ lên đầu dân những khó khăn đó.

Người dân "tẩy chay" xe buýt để đi xe máy?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN khẳng định, tăng giá vé  trong thời điểm hiện nay là không nên. Bởi theo ông Hùng, Nhà nước đang khuyến khích người dân đi loại phương tiện này. Vẫn biết xe buýt phải bù lỗ khá nhiều tuy nhiên tăng giá đợt này sẽ vấp phải phản ứng của dư luận.

Vị chuyên gia này cho biết thêm, việc tăng giá vé chỉ đơn thuần để giảm trợ giá cho ngành này là hoàn toàn không hợp lý.

Trong khi đó, các thành phố lớn đang trong giai đoạn chống ùn tắc, khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng. Giờ Hà Nội lại tăng giá xe buýt, dù chỉ tăng được 1- 2 nghìn đồng nhưng TP này sẽ phải trả giá đắt. Chắc chắn, người dân sẽ từ bỏ phương tiện công cộng để dùng phương tiện cá nhân của mình.