WHO khuyên dùng máu của người sống sót để trị Ebola

WHO cho rằng máu của người từng bị Ebola là phương thuốc hiệu quả để giúp bệnh nhân chống lại tử thần.

Ngày 5/9, trong bối cảnh nhân loại đang đối mặt với đại dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử khiến hơn 2.000 người thiệt mạng, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến nghị sử dụng máu của những người thoát khỏi tử thần Ebola để điều trị cho các bệnh nhân khác.

Trong bối cảnh phải đến tháng 11 tới đây, các loại vaccine phòng ngừa Ebola mới có thể được triển khai ở những nước đang xảy ra đại dịch Ebola, WHO cho rằng giải pháp hiện thời là dùng máu của những người đã từng nhiễm Ebola.

Những người từng nhiễm Ebola sẽ sản sinh ra các kháng thể ở trong máu để có thể chiến đấu và tiêu diệt được loại virus nguy hiểm này. Về lý thuyết, những kháng thể này khi được đưa vào máu của người nhiễm bệnh sẽ giúp họ tăng cường đáng kể hệ miễn dịch để chống lại Ebola.

Mặc dù đưa ra khuyến nghị như vậy nhưng đến nay WHO vẫn chưa có một nghiên cứu quy mô lớn nào về hiệu quả thực sự của phương pháp này.

Đại dịch Ebola đã cướp đi sinh mạng của 2.000 người dân Tây Phi

Các nghiên cứu được tiến hành sau khi dịch Ebola bùng nổ ở Congo vào năm 1995 cho thấy 7 trên 8 bệnh nhân được áp dụng phương pháp truyền máu này đã sống sót.

Bác sĩ Marie Paule Kieny, Phó Tổng giám đốc WHO cho biết: “Chúng tôi nhất trí rằng các phương pháp truyền máu có thể được dùng để điều trị Ebola và tất cả các nỗ lực cần phải được thực hiện để giúp các nước có dịch thực hiện được phương pháp này”.

Bà Kieny nói: “Hiện có rất nhiều người đã sống sót sau khi nhiễm Ebola và đang khỏe mạnh. Họ có thể cho máu để giúp những người nhiễm bệnh chiến đấu với tử thần”.

Trong khi đó, khoảng 150 chuyên gia y tế quốc tế đã nhóm họp suốt 2 ngày qua để nghiên cứu cách thức thúc đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu các loại thuốc thử nghiệm để cung cấp cho các nước Tây Phi chống lại Ebola càng sớm càng tốt.