Mặc dù thắng kiện trong hai vụ án hành chính nhưng đã hơn hai năm nay, ông Lê Ân vẫn chưa được UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu (bên thua kiện) thi hành án.
|
Ông Lê Ân- đại diện Hội đồng thanh lý ngân hàng Thương mại CP Vũng Tàu-VCSB
Cả hai vụ kiện hành chính này đều xuất phát từ 15-16 năm trước, khi ngân hàng Thương mại CP Vũng Tàu (VCSB) chưa bị giải thể và ông Lê Ân (Chủ tịch HĐQT VCSB) chưa vướng vòng lao lý.
Nhà đất bị “xẻ” cho doanh nghiệp khác
Trình bày với phóng viên, ông Lê Ân cho biết, vào năm 1995, VCSB cho Công ty Bình Giã vay vốn để công ty này trả nợ cho đơn vị thi công đường Trần Phú. Hai năm sau, tại văn bản gửi Ngân hàng nhà nước (NHNN) Bà Rịa Vũng Tàu và VCSB, Công ty Bình Giã đã tự nguyện giao toàn bộ tài sản thế chấp cho ngân hàng VCSB nhằm trừ vốn, lãi nợ vay.
Sau đó, VCSB đã làm các thủ tục để được sở hữu tài sản và sử dụng trên 20.000m2 đất tại 141 Bình Giã, TP.Vũng Tàu và nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cho khu đất này. Thậm chí, tháng 5/1998, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu còn có văn bản cho phép VCSB lập dự án khu du lịch tại 141 Bình Giã.
Tuy nhiên, khi dự án chưa kịp thực hiện thì vào năm 1999, NHNN bất ngờ đặt VCSB vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, yêu cầu VCSB phải chuyển toàn bộ tài sản (gồm tài sản thu hồi nợ, tài sản hình thành bằng nguồn vốn điều lệ, tài sản khách hàng thế chấp đảm bảo nợ vay chưa đến hạn trả nợ…) cho tổ kiểm soát đặc biệt của NHNN để quản lý.
Sau đó, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến yêu cầu các đơn vị liên quan làm thủ tục chấm dứt pháp nhân của VCSB; Giao Ngân hàng ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tiếp nhận VCSB theo phương án nhận chuyển giao toàn bộ tài sản, dư nợ cho vay, hồ sơ, tài sản thế chấp, cầm cố của khách hàng.
Cùng thời điểm này, ông Lê Ân bị CQĐT khởi tố, bắt giam vì cho rằng có hành vi chiếm đoạt tài sản trong việc lập ngân hàng, huy động vốn… Toàn bộ tài sản của VCSB tại 141 Bình Giã bị kê biên, cấm chuyển dịch để bảo đảm thi hành án.
Năm 2003, Tòa phúc thẩm đã kết án ông Ân 12 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định” và tuyên tài sản tại 141 Bình Giã được phát mãi để thu hồi nợ vay.
Đến đầu năm 2008, khi ông Ân chấp hành xong hình phạt thì NHNN Việt Nam có văn bản cho VCSB được nhận lại tài sản dư nợ từ Vietcombank Vũng Tàu. Sau đó, Vietcombank Vũng Tàu thực hiện giải chấp tài sản tại 141 Bình Giã, trả lại cho VCSB theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh.
Tuy nhiên, trên thực tế, diện tích đất tại 141 Bình Giã đã bị “xẻ thịt” từ 6 năm trước. Cụ thể, năm 2002, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã có quyết định thu hồi hơn 15.700m2 đất trong tổng số hơn 20.000m2 đất tại 141 Bình Giã giao cho Công ty Bình Minh sử dụng để thực hiện dự án đầu tư. Đến năm 2007, cơ quan này tiếp tục có quyết định thu hồi gần 4.600 m2 đất còn lại giao UBND TP.Vũng Tàu xây dựng trường học.
Bức xúc trước việc UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thu hồi toàn bộ đất của VCSB tại 141 Bình Giã, Hội đồng thanh lý giải thể VCSB (do ông Lê Ân làm đại diện) đã khởi kiện UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, yêu cầu hủy hai quyết định thu hồi đất nêu trên.
Bản án phúc thẩm số 19/2015/HC-PT đã chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy quyết định thu hồi 4.600 m2 tại số 141 Bình Giã; buộc UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thực hiện thủ tục công nhận quyền sử dụng đất cho VCSB đối với diện tích trên.
Đối với diện tích đã giao cho Cty Bình Minh, Tòa buộc UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu bồi hoàn cho VCSB 15.700 m2 loại đất làm mặt bằng để xây dựng, sản xuất kinh doanh (thuộc đất phi nông nghiệp) theo khung giá đất của UBND tỉnh tại thời điểm thi hành án.
Mất đất khi đang trong tù
Đối với vụ kiện thứ 2, ông Lê Ân khởi kiện UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vì cho rằng cơ quan này đã ban hành quyết định “chồng” lên bản án của tòa, gây thiệt hại cho VCSB 12.000m2 đất tại đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 3, TP.Vũng Tàu.
Theo đơn khởi kiện, ông Nguyễn Văn Điển sử dụng diện tích 12.012m2 đất tại phường 3. Năm 1967, ông Điển cho gia đình bà Lê Thị Cường mượn diện tích đất này trồng cây ngắn ngày. Năm 1976, ông Điển đòi lại, gia đình bà Cường đã trả 7.492 m2; còn 4.520 m2 khi nào thu hoạch hoa lợi xong, bà Cường sẽ trả. Khi chết, ông Điển để lại diện tích đất này cho con là bà Nguyễn Thị Vịnh.
Năm 1992, bà Vịnh chuyển nhượng đất cùng hoa lợi cho ông Lê Ân. Tuy nhiên, do lúc đó, bà Vịnh đang cho bà Cường mượn hơn 4.500m2 nên mới chỉ giao cho ông Lê Ân khoảng 7.500 m2 đất.
Tháng 1/1994, việc tranh chấp phần đất cho mượn này đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tài giải quyết bằng Quyết định số 71/QĐ.UBND, chấp nhận thỏa thuận phân chia lô đất theo hướng: bà Cường được quyền sử dụng 30% diện tích (1.350 m2); bà Vịnh được quyền sử dụng 70% diện tích phần (3.150 m2).
Năm 2000, Ủy ban Thẩm phán TAND Tối cao đã có Quyết định giám đốc thẩm hủy toàn bộ bản án phúc thẩm bản sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án hành chính. Trong đó nêu rõ: “Quyết định số 71/QĐ.UBND của UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu là quyết định của cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại tiếp theo và là quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng có hiệu lực thi hành”.
Bất ngờ 4 năm sau (2004), UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu lại ra Quyết định số 2581 “hủy bỏ, thay thế quyết định số 71/QĐ.UBT” và đưa ra hướng giải quyết lại vụ tranh chấp đất trước đây giữa bà Vịnh và bà Cường theo hướng: công nhận cho bà Cường được tiếp tục sử dụng gần 4.500 m2”.
Do lúc này, ông Lê Ân đang chấp hành án phạt tù nên không biết và không nhận được quyết định số 2581 trên. Vì vậy, ngay sau khi ra tù, ông Lê Ân đã khởi kiện UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, yêu cầu hủy Quyết định số 2581.
Tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Ân, tuyên hủy Quyết định 2581. Sau đó, do UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu kháng cáo nhưng đại diện cơ quan này vắng mặt tại phiên tòa nên năm 2013, Tòa cấp phúc thẩm đã có Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và bản án sơ thẩm có hiệu lực.
Đến bao giờ mới được thi hành?
Kể từ khi thắng kiện, ông Lê Ân liên tục có đơn đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thi hành theo phán quyết của Tòa. Tháng 10/2016, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã buộc phải ra các Quyết định thi hành án hành chính, buộc UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện thủ tục công nhận quyền sử dụng đất cho VCSB đối với diện tích hơn 4.600 m2 tại 141 (nay là 198) Bình Giã; bồi hoàn cho VCSB trị giá 15.700 m2 đất theo loại đất làm mặt bằng để xây dựng, sản xuất kinh doanh (thuộc đất phi nông nghiệp) theo khung giá.
Tuy nhiên, cho đến nay, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vẫn “án binh bất động”.
Theo ông Lê Ân, với nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phải tích cực thực hiện các thủ tục để sớm giải thể pháp nhân VCSB nhưng không hiểu tại sao cơ quan này lại chậm trễ, không thực hiện dứt điểm những phán quyết về việc xử lý tài sản nêu tại các bản án. Không những vậy, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu còn ra Quyết định giao tài sản, đất đai của VCSB cho đơn vị khác sử dụng, gây khó khăn cho việc thanh lý VCSB và gây thiệt hại cho VCSB.
Bức xúc, ông Lê Ân tiếp tục có đơn gửi đến một số cơ quan đề nghị chỉ đạo, yêu cầu UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thực hiện nghiêm chỉnh hai bản án hành chính đã có hiệu lực theo đúng thủ tục quy định tại Nghị định 71/2016/CP (về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính và biện pháp xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án).
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Cẩn trọng với dịch vụ đọc trộm tin nhắn trên mạng xã hội: Chiêu trò lừa đảo mới, đã có nạn nhân mất hàng trăm triệu đồng
- Những trường hợp không được hưởng thừa kế nhà đất theo quy định mới nhất, ai cũng nên nắm rõ
- 5 trường hợp vượt đèn đỏ không bị CSGT xử phạt
- Từ 2025, bằng lái xe bị trừ hết điểm thì phải làm sao để được lái xe tiếp tục?
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%
- Chân dung Tổng Giám đốc 8x đầu tiên của Google Việt Nam, là nữ tướng của loạt doanh nghiệp lớn