Trong số 14 tấm vé vào vòng chung kết, có 9 tiết mục thuộc thể loại hát đơn/nhóm/acapela gồm Võ Trọng Phúc, nhóm Dòng Thời Gian, Vũ Song Vũ, Đinh Ngọc Hoàng, Nguyễn Thị Thanh Trúc, nhóm Mộc, Vũ Đình Tri Giao, Nguyễn Phương Anh và Nguyễn Hương Thảo. Điều này làm mọi người nghi ngại, Got Talent có phải là một cuộc thi hát không chuyên.
Tuy nhiên, cũng giống như cách giải thích của giám khảo Thúy Hạnh ở một show gần đây, thì với quyền năng tuyệt đối của khán giả trong việc bình chọn tiết mục đi tiếp thì việc có quá nhiều tài năng ca hát bước vào chung kết cũng không có gì lạ. Giám khảo hay ban tổ chức không có ý đồ sắp xếp hay can thiệp vào sự yêu mến, ngưỡng mộ của khán giả. Vì thế, việc ca hát nhiều, điều đó chứng tỏ, khán giả cũng yêu thích ca hát hơn hẳn so với các tài năng nghệ thuật khác.
Ca hát liệu có chiếm vị trí quán quân Got Talent
Những phiên bản Got Talent trên thế giới cũng rơi vào tình thế rất quen này, ca hát chiếm số lượng áp đảo. American’s Got Talent mùa thứ 4, có đến 6/10 tiết mục lọt vào chung kết thuộc thể loại ca hát và trải qua 6 mùa thi từ năm 2006 đến nay, có đến 5 người chiến thắng chung cuộc bằng các tiết mục hát, đó là: cô gái trẻ Bianca Ryan (mùa thứ nhất), giọng hát opera Neal E. Boyd (mùa thứ ba),nam ca sỹ nhạc đồng quê Kevin Sinner (mùa thứ tư), nghệ sỹ hát nhạc Blues/Soul Michael Grimm (mùa thứ năm) và tài năng nhạc Jazz - Landau Eugene Murphy, Jr. (mùa thứ sáu).
Còn ở Britain’s Got Talent, qua 5 mùa thực hiện, đã có đến 2 tiết mục hát giành được ngôi vị cao nhất. Trong đó, hiện tượng opera Sunsan Boyle dừng chân ở vị trí á quân ở mùa thứ 3 (2009). Ở phiên bản Got Talent của các nước khác, các tiết mục ca hát cũng gây được nhiều hiệu ứng hơn cả. Điển hình là cậu bé Mông Cổ với phần biểu diễn ca khúc Mother in the dream tại China's Got Talent hay Susan Boyle phiên bản nam Choi Song Bong tại Hàn Quốc…
Không giống như những sân thi đấu truyền hình thực tế khác là tìm kiếm vào đào tạo tài năng trở thành chuyên nghiệp như Vietnam Idol, VN’s Next Top Model… Got Talent chỉ là một cơ hội để khơi dậy niềm đam mê nghệ thuật và tạo cơ hội cho những người không chuyên được bước lên sân khấu để cống hiến tài năng của mình.
BTC cũng cho biết, tại vòng bán kết, BTC chỉ có quyền tư vấn chứ không có quyền can thiệp vào các tiết mục và sự lựa chọn của thí sinh, thí sinh phải tự lựa chọn các tiết mục cho mình trong khả năng của họ. Và ngay cả việc sắp xếp các thí sinh vào bảng thi đấu ở bán kết, cũng dựa trên nhiều yếu tố mà phụ thuộc phần lớn vào sự sắp xếp của thí sinh.
Got Talent mở rộng cơ hội cho những người không chuyên
Trước dư luận về việc có hay không ý đồ sắp xếp những bảng tử thần ở vòng bán kết, ban tổ chức Got Talent cũng lần đầu tiên hồi đáp “Có một số người đặt câu hỏi là liệu có phải Ban tổ chức (BTC) đã cố tình tạo nên một bảng tử thần như bán kết 4 để thu hút sự quan tâm sau 3 tuần bán kết tương đối ổn thỏa và kết quả dễ đoán? Và chính vì sự sắp xếp đó mà nhiều thí sinh của tuần 4 bị loại oan uổng, như trường hợp của Nguyễn Đặng Đăng Khoa, nhóm Mix và Nguyễn Ngọc Gia Bảo, Trần Hoàng Hà…? Tuy nhiên, trong thực tế, ngay sau khi các giám khảo tuyển chọn 49 tiết mục vào bán kết, BTC đã tiến hành sắp xếp các tiết mục theo tuần dựa trên sự phân bổ đều các thể loại cho từng tuần và dựa trên thời gian – lịch học hoặc làm việc của thí sinh để đảm bảo họ có thể có 10 ngày tập trung luyện tập và biểu diễn tại vòng bán kết. Việc sắp lịch này được hoàn tất trước khi vòng bán kết bắt đầu vào ngày 4/3/2012”.
Một bất ngờ nữa với khán giả Got Talent khi BTC tiết lộ, Got Talent hiện là chương trình truyền hình thực tế có lượng người xem (rating) cao nhất so với các chương trình khác của VTV3 trong ba năm 2010, 2011 và 2012.