Bởi mọi định nghĩa cũng như mọi thước đo chuẩn cho việc tìm kiếm một Top Model thật sự đã bị phá hỏng. Phải chăng Vietnam’s Next Top Model đang mang đến một giấc mơ “không thật” về nghề người mẫu.
Chương trình truyền hình thực tế Vietnam’s Next Top Model mùa thứ hai đã kết thúc. Hoàng Thị Thuỳ giành danh hiệu quán quân là điều không thể bàn cãi bởi hơn bất cứ thí sinh nào, Hoàng Thị Thuỳ là cô gái chứng minh được khát khao cháy bỏng của mình với nghề mẫu. Nhưng chiến thắng của Hoàng Thị Thuỳ trong mùa thứ hai của Vietnam’s Next Top Model và trước đó là sự đăng quang của Khiếu Thị Huyền Trang đã mở ra một góc nhìn mới về nghề người mẫu cho Việt Nam.
Quán quân Vietnam's Next Top Model mùa thứ hai, Hoàng Thị Thuỳ chụp ảnh cùng siêu mẫu Tyra Banks. Theo như bà Quỳnh Trang, Giám đốc SX chương trình này cho biết thì chương trình muốn sẽ đưa đến một cái nhìn khác hơn về nghề người mẫu cho đông đảo công chúng. Nhưng cái nhìn mới thì hẳn Vietnam’s Next Top Model đã mang đến, nhưng phải chăng là cái nhìn méo mó về nghề người mẫu?
Giống như Khiếu Thị Huyền Trang đăng quang mùa đầu tiên, Hoàng Thị Thuỳ, thí sinh đăng quang mùa thi thứ hai đã cho thấy khá rõ gu chọn Top Model của chương trình này.
Bất cứ cô gái nào có khát khao trở thành người mẫu đều có thể trở thành Top Model trong chương trình Vietnam’s Next Top Model. Bất chấp các cô không ai đạt được những chỉ số hình thể cơ bản của một người mẫu cần có, chứ chưa nói đến là đạt được chỉ số lý tưởng của một siêu mẫu.
Vietnam’s Next Top Model đề cao ý chí của các cô gái. Mùa thứ nhất Khiếu Thị Huyền Trang, một cô gái rất thô về mặt hình thể, không có được tỷ lệ hình thể cân đối đăng quang, tất cả cũng được biện giải bằng lý do, chính sự bất lợi về hình thể đó sẽ khiến cho Vietnam’s Next Top Model phải nỗ lực rèn luyện bản thân mình hơn để chứng mình mình. Kịch bản mùa thứ hai cũng tương tự với sự đăng quang của Hoàng Thị Thùy.
Trong những ngày đầu tham gia cuộc thi người ta đã có thể thấy được ở Thuỳ một khát khao chiến thắng, một sự “tự tin” và cũng có thể chỉ là vờ tự tin quá cao vào mình. Nhưng cũng chính nhờ sự tự tin vào cái thân hình cò hương, những chân là chân (với chiều cao 1m76,5 nặng 42 kg), Hoàng Thị Thuỳ đã gây được cảm tình với các thành viên giám khảo, vốn cũng là những người có thừa sự cá tính, và cũng thiếu (hoặc không có) những vẻ đẹp thuần chủng.
Trao giải cho Hoàng Thị Thùy là xứng đáng, nhưng nó chỉ nên dừng ở một cuộc chơi. Bởi bản thân chương trình Next Top Model là một gameshow thứ thiệt ăn khách hiện nay trên thế giới. Cái làm chúng ta băn khoăn là khi nó đến Việt Nam, gameshow này không những ăn khách như phiên bản gốc mà còn trở thành một trong những cuộc thi người mẫu chuyên nghiệp nhằm phát hiện ra các gương mặt người mẫu Việt Nam sáng giá có thể đi diễn tại nước ngoài.
Tham vọng trên có là quá không khi ngay tại phiên bản gốc America’s Next Top Model, dù đã qua 18 mùa, nhưng làng người mẫu Mỹ nói riêng và làng người mẫu thế giới nói chung chưa có một siêu mẫu nào xuất thân từ cuộc thi này. Karl Lagerfeld, ông hoàng tại Channel đã thẳng thừng phê bình về hai chương trình America's Next Top Model và Project Runway (một chương trình tìm kiếm người mẫu tương tự Next Top Model): "Cái đống rác rưởi này chỉ đáng cười trong năm phút nếu bạn đang ở cạnh ai đó. Hoặc chẳng buồn cười tí nào nếu bạn ở một mình. Những cô gái trẻ kia sẽ chẳng bao giờ được như siêu mẫu Gemma Ward. Họ chả có ích gì cho ngành công nghiệp thời trang".
Gemma Ward là một người mẫu được phát hiện từ chương trình Australia's Search for a Supermodel, một chương trình truyền hinh thực tế ra đời trước và có kết cấu gần giống America's Next Top Model, phát sóng vào đầu năm 2003. Xin nhắc lại là Karl Lagerfeld đã từng tham gia chụp ảnh cho phiên bản America's Next Top Model ở Pháp. Thậm chí khá nhiều tạp chí thời trang danh tiếng đã đánh giá America's Next Top Model thật ra chả đào tạo được một người mẫu nào nên hồn cả.
Nói vậy để thấy chúng ta cần hiểu sao cho đúng về phiên bản Next Top Model đang gây chú ý tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Nếu xét trên phương diện Vietnam’s Next Top Model là một cuộc thi tìm kiếm người mẫu Việt Nam thật sự và có hướng đến mục tiêu đưa người mẫu Việt ra nước ngoài làm nghề mẫu thì người ta thấy ngay sự “bối rối” trong ngay tiêu chí của cuộc thi.
Bởi tiêu chí cuộc thi đặt ra hiện nay là khuyến khích (và thực tế đã trao giải Top Model hai mùa liên tiếp cho hai thí sinh chưa bao giờ biết đến nghề mẫu) những thí sinh “mù tịt về nghề người mẫu” tham gia chương trình. Và trong rất nhiều những thông điệp mà chương trình đưa ra, người ta nhận thấy có thông điệp: Ai cũng có thể trở thành Top Model, dù đó là gái quê, thể hình lệch lạc hay có gu thẩm mỹ bằng không, hoặc kể cả là “mù tịt về thờ trang và nghề mẫu”.
Bà Thuý Nga, GĐ Elite, đơn vị đào tạo và giữ bản quyền các cuộc thi người mẫu, hoa hậu lớn nhất Việt Nam hiện nay khi nhìn vào dàn thí sinh diện Vietnam’s Next Top Model 2011 đã nhận xét: “Đa số hình thể các em đều khá thô, không cân đối và khuôn mặt cũng chưa thấy có ai gây được ấn tượng. Tố chất người mẫu tôi cũng chưa thấy ở em nào sự nổi bật để có thể phát triển nghề về sau này. Tuy nhiên, như tôi đã nói mỗi chương trình đều có tiêu chí riêng nên có thể tiêu chí của Vietnam’s Next Top Model không quá chú trọng vào những tiêu chí của người mẫu”.
Khi được hỏi liệu những tiêu chí mà Vietnam’s Next Top Model đang khuếch trương về nghề mẫu trong chương trình của mình có là “bất ổn” không so với các tiêu chí chung trong việc tìm kiếm một siêu mẫu thế giới. Bà Thuý Nga cho biết: “Ai cũng có quyền đưa ra tiêu chí cho cuộc chơi riêng của mình, ai phù hợp thì tham gia, không thích thì thôi. Nhưng nếu lấy là tiêu chí trên cho việc phát triển người mẫu thì tôi chưa thấy ở đâu có tiêu chí đó. Việc được gọi là Top Model là cực kỳ khó khăn. Chưa nói đến trình độ biểu diễn, chỉ riêng việc quy định chiếu cao tối thiểu cho siêu mẫu phải là 1m75 trở lên đã nói rõ tiêu chí của Top Model là gì.
Đã là người mẫu thì hình thể là tiêu chí quan trọng nhất. Lịch sử hình thành nghề người mẫu là khi các cửa hàng thời trang bế tắc trong việc quảng bá sản phẩm của họ với khách hàng. Để tiêu thụ sản phẩm được nhiều nhất, họ đã nghĩ ra việc thuê các cô gái có thể hình đẹp, cân đối mặc những bộ đồ của họ để khách mua hàng có thể tưởng tượng được luôn bộ đồ này khi mặc trên người sẽ thế nào. Như vậy người mẫu luôn cần cơ thể đẹp và cân đối để có thể mặc bộ đồ đẹp nhất và trình diễn sao cho người xem phải chú ý tới bộ đồ cô ta mặc trên người.
Trong bất kể nghề nào cũng đều có những cá nhân bằng nỗ lực của mình đã vượt qua được những khiếm khuyết khác để khẳng định mình, như trong nghề người mẫu có Kate Moss đã vượt qua được cản trở là hình thể khá nhỏ bé so với đồng nghiệp để khẳng định mình. Nhưng đó chỉ là những cá nhân rất đặc biệt và không thể nào lấy những cá nhân đặc biệt đó để làm định hướng cho nghề.
Tôi nghĩ rằng nghề người mẫu đã là một nghề rất phát triển ở các nước tiên tiến, vì vậy chúng ta cứ đi theo đúng con đường mà họ đã đi một cách nghiêm túc và bài bản thì chúng ta đã thành công rồi”.
Còn nếu xét trên phương diện một gameshow truyền hình, và nên xem Next Top Model là như thế. Bằng không nếu chương trình truyền hình thực tế này là một cuộc thi tìm kiếm người mẫu thực thụ, thì việc Khiếu Thị Huyền Trang và mới nhất là Hoàng Thị Thuỳ lên ngôi Top Model chẳng khác nào “cú tát” vào mặt giới chân dài. Bởi mọi định nghĩa, cũng như mọi thước đo chuẩn cho việc tìm kiếm một Top Model thật sự đã bị phá hỏng.
Trên phương diện một chương trình truyền hình thì việc ở mùa thứ hai Vietnam’s Next Top Model có Hoàng Thị Thuỳ là một điều may mắn cho chương trình. Bởi đã là trò chơi thì cần nhất người chơi phải có máu hiếu thắng. Càng có quyết tâm chiến thắng thì càng bộc lộ hết bản thân mình.
Và có được người chơi đam mê cũng là có được những thành công trong từng phần thử thách mà chương trình đưa ra. Đó cũng là cái mà chương trình này cần để thu hút khán giả. Và cũng chỉ nên cần vậy thôi. Thiết nghĩ ở thời điểm hiện tại Vietnam’s Next Top Model không nên mang đến một giấc mơ “không thật” về nghề người mẫu nữa mà hãy thành thật với chính mình.