Vì sao nghề phi công lĩnh lương siêu 'khủng'?

Phi công luôn được coi là một trong những nghề “hái ra tiền”. Tuy vậy, lương “khủng” cũng luôn song hành với vô cùng nhiều những trách nhiệm, và quy định ngặt nghèo.

Lương “khủng”, tiêu chuẩn cũng… “khủng”

Ở hầu hết các quốc gia, tiêu chuẩn đào tạo và tuyển dụng phi công gần như là ngành nghề đòi hỏi gắt gao, nghiêm khắc nhất. Bên cạnh kiến thức, ứng cử viên còn phải có ngoại hình cân đối, ưa nhìn, không dị tật, tiếng Anh tốt và sức khỏe tuyệt vời.

Do phải làm việc với cường độ cao, nhiều áp lực và môi trường trên không liên tục, một phi công phải có thị lực tốt tuyệt đối, các chỉ số sức khỏe hoàn hảo và tâm lý vững vàng.

Học phí đắt đỏ

Phi công dường như không phải là nghề dành cho… con nhà nghèo, bởi mức học phí để đào tạo phi công là vô cùng đắt đỏ. Ngay tại Việt Nam, con số này dao động từ 1,4-2,4 tỷ đồng cho khóa học kéo dài khoảng 3 năm.

Kỳ nghỉ là chuyện... xa xỉ

Càng vào những ngày nghỉ lễ, ngành hàng không lại càng ăn nên làm ra nhờ lượng khách tăng vọt. Điều đó có vẻ nghe rất thú vị, nhưng chỉ là với những ông chủ hàng không mà thôi. Còn đối với các phi công, đó thực sự là những ngày mệt mỏi, vì họ sẽ phải gồng mình lên để làm việc giữa lúc đại bộ phận dân số đang nghỉ xả hơi.

Trừ những ngày làm việc và thời gian đi lại giữa những địa điểm khác nhau, số ngày nghỉ của phi công thực sự rất ít ỏi. Không nghỉ lễ, thậm chí ngày sinh nhật cũng bị lãng quên, cơ hội được sum vầy cùng gia đình đối với họ là rất quý giá.

Phi công giỏi dễ bị “nẫng” mất

Xét về mặt bằng chung, các hãng hàng không châu Á có mức chi trả cho phi công thấp hơn so với các hãng của Mỹ hoặc các nước châu Âu. Đã có nhiều trường hợp, các hãng hàng không châu Á bị tuột mất những phi công giỏi, giàu kinh nghiệm vào tay các hãng khác như Emirates, Etihad và China Airlines vì chế độ đãi ngộ thua kém.

Ở một “thị trường” nhỏ hơn là hàng không trong nước, các hãng vẫn không ngừng cạnh tranh nhau, đưa ra những mức lương hấp dẫn để “dụ” những phi công tốt nhất đầu quân cho mình.