Theo báo New York Times, các quan chức Nhà Trắng khẳng định chính ông Obama là người ra quyết định yêu cầu ông Hagel nộp đơn từ chức hôm 21/11 sau các cuộc thảo luận căng thẳng giữa hai người trong suốt hai tuần trước đó.
Nguồn tin trên cho rằng ông Obama quyết định loại bỏ ông Hagel vì xác định cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) cần những kinh nghiệm và kỹ năng mà ông Hagel không có. Họ mô tả ông Hagel không có quan điểm rõ ràng về IS và thường tỏ ra thụ động.
Hãng tin NBC cũng dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ quả quyết rằng ông Hagel đã bị ép phải ra đi bởi Nhà Trắng không còn tin tưởng vào ông. Một quan chức Nhà Trắng đánh giá ông Hagel “không thể hoàn thành nhiệm vụ”.
Ông Obama và ông Hagel, một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, trở thành bạn bè do cả hai cùng có quan điểm chống chiến tranh Iraq. Ông Hagel được bổ nhiệm trong thời điểm Mỹ rút quân khỏi Afganistan và ngân sách Lầu Năm Góc sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên hiện tại Mỹ đang quay trở lại với chiến tranh. Khoảng 3.000 binh sĩ Mỹ đã được điều động đến Iraq để hỗ trợ quân đội nước này chống IS. Các nguồn tin trên cho biết ông Obama đánh giá ông Hagel không phù hợp để chỉ đạo chiến dịch của Mỹ ở Iraq và Syria.
Một số nguồn tin từ Đảng Cộng hòa cho biết ông Hagel từng bày tỏ sự thất vọng về chính sách của Mỹ đối với Iraq và Syria cũng như việc ông không tạo được ảnh hưởng đối với những quyết định của Nhà Trắng về vấn đề này.
Các quan chức Nhà Trắng cho biết ông Hagel cũng không hòa nhập được với đội ngũ thân cận của ông Obama. Ông thường im lặng trong các cuộc họp nội các và chỉ trao đổi trực tiếp với ông Obama khi tất cả mọi người đã rời phòng họp.
Họ cũng đánh giá ông Hagel không thể hiện được uy tín và vị thế của người lãnh đạo ở Lầu Năm Góc trong hai năm nắm quyền. Trong vài tháng vừa qua ông Hagel thường nhường vai trò trung tâm trong lĩnh vực quốc phòng cho Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey.
Các quan chức Nhà Trắng nhấn mạnh tướng Dempsey đã nhận được sự tin tưởng của Tổng thống Obama khi vạch ra chiến lược chống IS. Ông Hagel cũng không thể hiện được quan điểm rõ ràng về các chính sách của Mỹ trong các cuộc họp báo.
Trong những lần hop báo chung với tướng Dempsey và Ngoại trưởng John Kerry, ông Hagel thường tỏ ra bị lép vế. Dù vậy, báo Washington Post dẫn lời cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Vikram Singh cho rằng vấn đề lớn nhất của ông Hagel là ông lên nắm quyền trong thời điểm cực kỳ khó khăn.
“Đây là thời kỳ tồi tệ nhất trong 20 năm qua. Ông Hagel phải đối mặt với việc cắt giảm ngân sách, nguy cơ chính phủ bị đóng cửa và nhiều cuộc xung đột quốc tế. Ông ấy đã làm tốt chức năng của mình. Ông ấy chọn làm một chiến binh lặng lẽ trong khi người ta muốn một hoạt náo viên” - ông Singh khẳng định.
Bộ trưởng Hagel sẽ tiếp tục giữ chức vụ cho đến khi Tổng thống Obama đề cử một người mới thay thế và người này được Thượng viện Mỹ thông qua.