Đó là bà Y Jũng (57 tuổi, ngụ xã Đak La, huyện Đăk Hà, Kon Tum). Bà Y Jũng nhập viện ngày 15/5 trong tình trạng sốc nhiễm trùng nặng, viêm hoại tử lan tỏa từ khớp gối xuống hết bàn chân phải, toàn bộ cẳng chân phải sưng nề, da đổi màu tím như quả sim, cẳng chân sưng đau, bệnh nhân kêu la dữ dội. Trước đó, bệnh nhân có biểu hiện sốt, sau đó cẳng chân phải bắt đầu bị sưng nề và lan ra khắp cẳng chân, khớp cổ chân và bàn chân.
Sau khi khám, xét nghiệm, bà Y Jũng được tiến hành phẫu thuật rạch giải áp và điều trị tích cực. Bà Y Jũng hiện đang nằm điều trị hồi sức tại Khoa Ngoại chấn thương, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, hiện tình trạng sốc giảm dần. Tuy nhiên tổn thương ở chân phải vẫn ngày càng nặng, chưa thoát khỏi tình trạng sốc và nhiễm khuẩn huyết, hoại tử toàn bộ da cẳng chân phải, da bong ra từng mảng như rộp do phỏng và chưa thấy dấu hiệu phục hồi.
Theo bác sĩ Hồ Ngọc Linh, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, “vi khuẩn ăn thịt người” thực chất là các ca nhiễm trùng huyết do khuẩn Aeromonas Hydrophila gây ra. Chúng gây hoại tử nhanh chóng nên được mệnh danh là “vi khuẩn ăn thịt người". Đây là bệnh ít gặp ở người nhưng nhiễm trùng huyết do Aeromonas Hydrophila là thể bệnh rất nặng. Trước đây, tỷ lệ tử vong có thể tới gần 100%. Ngày nay, nhờ những tiến bộ về hồi sức nên có thể hạn chế được phần nào tỷ lệ tử vong.
Bác sĩ Linh cũng khuyến cáo những người nếu có vết thương, bị xây xát thì không nên tiếp xúc với nguồn nước bẩn. Đối với người bắt buộc phải làm việc thường xuyên trong môi trường nước bẩn, tốt nhất nên có trang bị phòng hộ phù hợp. Nếu có dấu hiệu sưng nề, hoại tử ở vùng có vết thương sau khi tiếp xúc nước bẩn thì cần đến ngay cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Được biết, nhà bà Y Jũng rất nghèo, chồng chết sớm. Bà có 5 người con nhưng hoàn cảnh cũng rất khó khăn trong khi chi phí điều trị khá tốn kém.