Ước mơ lấp lánh của cô bé không tay mang nghị lực phi thường

Nỗi sợ hãi bao trùm khi thông tin về việc vợ anh Đinh Đeng sinh hạ một “con ma không tay” nhanh chóng lan truyền đi khắp buôn làng...

Nỗi hoang mang ngày đứa trẻ chào đời

Anh Đinh Đeng và chị Đinh Thị En (SN 1976, vợ anh Đeng) cũng giống như bao đôi trai gái người Ba Na khác. Họ sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Tây Nguyên, thủa nhỏ, họ theo cha mẹ bám rừng, bám rẫy để no cái bụng. Họ lớn lên khỏe mạnh và cũng đến tuổi trai đi tìm vợ, gái đi kiếm chồng. Khi anh Đeng 20 tuổi, anh đã để ý đến En một cô gái đang độ đôi tám trong buôn. Sự cảm mến bắt đầu từ những ánh mắt, rồi họ tìm đến với nhau, trao nhau tình yêu thương.

Kết quả của tình yêu đẹp ấy là một đám cưới nho nhỏ được tổ chức trong sự vui mừng của cả hai bên gia đình. Họ càng vui hơn khi không lâu sau đó một năm, En sinh hạ được một cậu con trai đầu lòng hoàn toàn khỏe mạnh. 3 năm sau, anh Đeng và vợ tính đến chuyện sinh tiếp cho cậu con trai lớn một người em. Ngày biết tin En đậu thai, cả gia đình đã hết sức vui mừng chờ đón đứa trẻ ra đời.

Sau hơn 9 tháng, vào một đêm mưa gió chị En bỗng trở dạ. Bà mụ trong làng nhanh chóng được gọi tới, anh Đeng ở ngoài bồn chồn chờ đợi. Khi bà mụ bế đứa bé gái còn đỏ hỏn đang cất tiếng khóc, bà kinh hãi khi không thấy đôi tay của cô bé đâu. Chị En thấy biểu hiện nói không lên lời của bà mụ thì cúi xuống nhìn con, chị sợ hãi thét lên một tiếng và ngất xỉu. Anh Đeng chạy vào, nhận ra sự khác thường của đứa con mới sinh thì vô cùng hoang mang. Không biết làm gì, anh đội mưa gió chạy đi kể cho bà con, họ hàng để tìm kiếm câu trả lời và sự chia sẻ.

Nhiều người đến nhìn thấy con của Đeng và nói rằng vợ anh đã sinh ra “con ma không tay”. Cũng có nhiều người nói rằng gia đình anh Đeng bị Yàng phạt nên mới có chuyện sinh ra đứa bé kỳ di như vậy. Theo đó, có những ý kiến độc ác cho rằng nên bỏ đứa bé vì có thể nếu đứa bé là ma sẽ mang lại xui xẻo cho cả buôn làng hoặc mang lại tai họa cho chính người thân. Những ý nghĩ ấy cứ dày vò vợ chồng anh nhiều ngày tháng sau đó. Chị En nhiều đêm chỉ biết khóc ròng thương cho đứa bé vừa sinh ra đã chịu bất hạnh như vậy, anh Đeng cũng thức trắng tìm đến rượu để giải sầu.

Đã có lúc vợ chồng anh Đeng nghĩ rằng, đứa con gái không tay của mình chắc sẽ không sống nổi, hoặc nếu có sống thì nó cũng sẽ nằm chỉ một chỗ cả đời mà thôi. Mặc dù vậy, chưa lúc nào vợ chồng anh nghĩ sẽ bỏ đứa con tội nghiệp của mình. Nhìn đứa con không tay đói sữa, lúc cười, lúc khóc như bao đứa trẻ bình thường, chị En lại dịu dàng chăm sóc. Còn anh Đeng sau những chuỗi ngày buồn chán cũng tìm hiểu và biết được rằng con mình chỉ bị tàn tật chứ không phải “ma”, cũng không phải bị Yàng trách phạt gì cả. “Con mình đã kém người ta đôi bàn tay thì mình phải bù lại bằng tình thương thôi”, Đeng chia sẻ.

Nghị lực của cô bé không tay

Cô bé thiếu may mắn sau đó được đặt tên là Đinh Thị H’Lonh, H’Lonh lớn lên trong sự đùm bọc yêu thương của những người thân trong gia đình. Cô bé vẫn phát triển như những đứa trẻ khác, duy chỉ thiếu đôi tay nên cuộc sống sinh hoạt của em gặp muôn vàn khó khăn. Thời gian đầu, tất cả mọi sinh hoạt của em đều do bố mẹ và người anh trai Đinh Ol giúp đỡ. Ngôi nhà nhỏ giữa buôn làng vẫn ngập tràn tiếng cười đùa, H’Lonh lấy đó làm vốn liếng để đối mặt với sự kỳ thị, trêu chọc của những người ác ý. Nỗi buồn, mặc cảm của trẻ thơ luôn được vỗ về bằng sự thương yêu của người thân.

Ông trời lấy đi đôi tay của H’Lonh nhưng lại ban cho em một đôi chân cực kỳ khéo léo. Đôi chân nhỏ bé ấy đã gánh vác cả nhiệm vụ của đôi tay. Khi H’Lonh 7 tuổi, nhận thức của cô bé giàu nghị lực này bắt đầu lớn dần lên. Sợ mình là gánh nặng cho người thân, H’Lonh bắt đầu tự làm những việc đơn giản bằng đôi chân. Ban đầu, đôi chân vốn chỉ dùng để đi lại bắt đầu kiêm thêm việc mặc áo, chải đầu, đánh răng... Những việc đó H’Lonh phải trải qua quá trình rèn luyện kiên trì mới làm được. Cũng may, chỉ vài tháng sau đó cô bé đã có thể tự làm mọi việc mà không cần nhờ đến bất kỳ sự giúp đỡ nào.

Không chỉ vậy, H’Lonh còn bắt đầu tập làm các việc nhà, từ việc dùng cổ kẹp cây chổi quét nhà, nhóm lửa nấu cơm, đến việc rửa chén đĩa, thậm chí cả công việc đồng áng như lên nương bẻ bắp... tất cả mọi việc H’Lonh làm đều không thua kém một người có đủ đôi bàn tay lành lặn. Nhìn cô bé như vậy, anh Đinh Eng và vợ quên hẳn những chuyện buồn lúc H’Lonh mới chào đời.

Một bước ngoặt đối với Khi H’lonh khi cô bé lên 8 tuổi, trong một buổi trưa H’Lonh thấy anh trai của mình đang làm bài tập về nhà. Cô bé tiến lại gần, mượn bút, vở của anh và dùng chân viết một số chữ cái khá thành thạo. Thấy con gái cũng có hứng thú với những con chữ và sách vở, anh Đinh Eng sau đó đã cho cô bé đến trường. Ở trường, H’Lonh luôn chủ động hòa đồng với các bạn. Cho nên, mỗi ngày được đến trường đối với cô bé đều là niềm vui.

Thiếu đôi tay, nhưng bù lại với sự chăm chỉ và lòng quyết tâm của mình H’Lonh không những không thua kém mà em còn giỏi giang hơn nhiều bạn bè cùng trang lứa.

Thầy Nguyễn Văn Tuy (giáo viên chủ nhiệm cấp 1 của H’Lonh) kể lại ấn tượng lần đầu gặp cô bé: “Khi nhìn thấy cơ thể H’Lonh không được lành lặn như học sinh bình thường, tôi đã hơi ái ngại vì có thể khi đến trường cô bé có thể bị mặc cảm với bạn bè. Tuy nhiên, với nghị lực và tinh thần ham học, khoảng cách với chúng bạn đã bị xóa nhòa, không ai còn kỳ thị với H’Lonh, thậm chí nhiều học sinh còn lấy H’Lonh làm tấm gương vì cô bé vừa học giỏi, lại chăm ngoan”. Trong suốt thời gian học tiểu học, năm nào H’Lonh cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi. Hiện giờ cô bé đang là học sinh lớp 6 trường THCS bán trú xã Đăk Smar (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai).

Chị Nguyễn Thị Phương, cán bộ xã Đăk Smar cho biết, năm nào H’Lonh cũng nhận được học bổng trẻ em nghèo vượt khó của tỉnh Gia Lai. Năm 2013, H’Lonh đã được nhận thêm học bổng Việt-Nhật. Biết đến cô bé không may mắn nhưng giàu nghị lực này, nhiều nhà hảo tâm đã đến hoặc liên hệ xin em về nuôi để cho em một cuộc sống, một sự chăm sóc tốt hơn. Tuy nhiên, đối với H’Lonh, sự yêu thương đùm bọc của gia đình là không thể tách rời và gia đình của H’Long với em cũng như vậy.

Chia sẻ về ước mơ của mình, H’Lonh bộc bạch: “Em sẽ cố gắng học để sau này trở thành cô giáo dạy lại cho học sinh như cô giáo em bây giờ”.

Rời xã Đăk Smar, hình ảnh cô bé thiếu đôi bàn tay khiến những người khách không khỏi suy nghĩ: Trong xã hội hiện nay, nhiều người may mắn sinh ra với cơ thể lành lặn, điều kiện sống tốt nhưng lại dễ dàng sa ngã. Họ từ bỏ mục đích sống của mình đi vào những con đường lệch lạc khiến người ta không khỏi tiếc nuối. Cô bé tật nguyền H’Lonh luôn vượt lên sự mặc cảm vì nỗi đau khiếm khuyết cơ thể, vượt qua hoàn cảnh khó khăn để theo đuổi ước mơ là một tấm gương sáng để chúng ta học hỏi.