Năm 2012 lượng thí sinh đăng ký dự thi đại học các ngành thi khối C tiếp tục sụt giảm. Theo thống kê, lượng hồ sơ dự thi khối C năm nay chưa đến 5%.
|
Các trường đại học đầu ngành khối C cũng thông báo những kết quả không mấy khả quan về lượng thí sinh đăng ký dự thi khối này.
Sau khi kết thúc đợt nhận hồ sơ trực tiếp, Trường ĐH KHXH&NV TP. HCM, một trong những cơ sở đào tạo đầu ngành lĩnh vực khoa học xã hội, đã nhận được gần 900 hồ sơ.
Trong đó, hồ sơ dự thi khối D chiếm tỷ lệ nhiều nhất, khối C tại trường chỉ chiếm 34%. “Hot” nhất phải kể đến các ngành như Anh văn, Quan hệ quốc tế, Báo chí được các thí sinh đổ xô đăng ký dự thi.
Đáng báo động hơn, các ngành khối C của nhiều trường không thể tuyển đủ chỉ tiêu nguyện vọng 1, hầu hết phải nhận hồ sơ nguyện vọng 2. Điểm tuyển đầu vào khối C của một số ngành chỉ ở mức 13, 14 điểm.
Các khối như Triết học, Tâm lý bị tụt hạng thê thảm với điểm tuyển sinh từ 16 đến 18 điểm. Lo sợ không đảm bảo chỉ tiêu, các trường ngành xã hội còn phải đưa ra đầu vào bằng cả khối A để lôi kéo thí sinh.
Bên cạnh đó, nhiều ngành học khối C cũng đang dần bị đóng cửa hoặc thu hẹp chỉ tiêu tuyển sinh. Một số trường dân lập như Đại học Duy Tân, Đại học Đông Á (Đà Nẵng), năm 2010-2011 hầu như không mở được các ngành khối C do không có thí sinh dự thi.
Trước thực trạng đáng buồn này, không ít người tự hỏi: Tại sao khối C không còn thu hút thí sinh?. Nó bị thất sủng, bị bỏ rơi là do lỗi của người học, người dạy, hay hoàn cảnh xã hội.
Chưa biết câu trả lời sẽ như thế nào, chỉ biết rằng với thực trạng đăng ký nhỏ giọt hiện nay, một ngày không xa, chúng ta sẽ thiếu trầm trọng nguồn nhân lực cho ngành xã hội…
Học khối A, sẽ xin được việc thu nhập cao
Anh Nguyễn Thạc Thắng, tư vấn viên công ty Navigos Việt Nam cho rằng: “Những công việc được các công ty săn đầu người tìm kiếm chủ yếu là các nhóm ngành kỹ sư địa chất, kỹ sư môi trường, giám đốc marketing, giám đốc thương hiệu, giám đốc tài chính, giám đốc phát triển bán hàng vùng/miền, kỹ sư phần mềm, kỹ sư hệ thống.
Đặc biệt, nhóm ngành quản lý cao cấp tài chính, ngân hàng thường được mời chào với mức lương cao. Các vị trí này rất ít công việc thuộc khối xã hội. Chính vì thế, người trẻ sẽ tìm hiểu nhu cầu của xã hội để lựa chọn ngành nghề theo học cho mình. Điều này hoàn toàn phù hợp với tâm lý, bởi ai cũng mong muốn ra trường, tìm được công việc có thu nhập tốt”.
Khối C đang bị thất sủng (Ảnh minh họa)
Chỉ có 1/10 cơ hội việc làm
Anh Nguyễn Hùng Cường, Vinatest (tổ chức Khảo sát và đánh giá độc lập liên quan đến giáo dục, nhân sự) cho rằng: “Theo tôi việc học sinh đăng ký khối C sụt giảm có nhiều nguyên nhân.
Nhưng với những năm kinh nghiệm làm chuyên ngành tuyển dụng, tôi thấy cơ hội cho những người học ngành xã hội không nhiều. Nếu coi cơ hội việc làm là 10 thì có 6, 7 phần là thuộc về người học khối A. Khối C chỉ có 1 đến 2 cơ hội tìm được việc làm sau khi ra trường.
Hiện nay, các công ty có việc làm cho khối ngành xã hội rất ít. Những người học khối C muốn xin được việc thường phải học thêm một văn bằng nữa. Mặt khác, chương trình học khối C quá nặng khiến nhiều học sinh thấy phát sợ. Mẹ tôi cũng là giáo viên dạy Văn nhưng bản thân tôi vẫn chọn khối A để thi Đại học vì nó thực tế và không có quá nhiều bắt buộc.
Phụ huynh không thích con mình học khối C
Cô Đặng Thị Hương, giáo viên tại một trường THPT Phú Thọ chia sẻ: “Tôi cũng có con trai năm nay thi đại học. Hồ sơ dự thi của cháu là khối A tại trường Đại học Thủy Lợi. Việc chọn khối thi của học sinh được các trường THPT định hướng ngay từ đầu năm cấp 3.
Dù lúc đó, bản thân học sinh cũng chưa biết ưu thế của mình là khối nào, nhưng tôi thấy không ít trường khuyên các cháu nên đăng ký học phân ban A. Gia đình tôi rút kinh nghiệm từ con gái đầu học khối C (trường thi ít, cơ hội việc làm khó khăn) nên không khuyến khích những đứa sau theo học khối C”.
Phải thay đổi suy nghĩ “cùng sào mới thi vào”
GS Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội: “Sự sụt giảm về đầu vào khối C trong những năm gần đây được nhắc đến nhiều. Đây giống như là một mặc định bởi đầu ra của nhóm ngành xã hội thấp. Cách dạy, sách giáo khoa, chương trình của chúng ta lặp đi lặp lại, ít đổi mới làm giảm đi sự hứng thú trong học tập của học sinh.
Còn các em, với tâm lý sợ khó xin việc, ngành học kém hấp dẫn nên đã nảy sinh tâm lý ngại thi vào. Nếu không có gì thay đổi, sự sụt giảm này sẽ còn tiếp tục gia tăng. Đó là điều hết sức đáng lo ngại. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, thay đổi kịp thời, để khối C không còn lối suy nghĩ lệch lạc “cùng sào mới thi vào”.
Không thể trách thí sinh
PGS.TS Phạm Văn Chín, Phó Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định: “Tỉ lệ hồ sơ đăng ký dự thi khối C giảm sút liên quan đến thực tế sử dụng, đãi ngộ lao động cũng như chính sách tuyển sinh hiện nay của các trường có đầu vào khối C. Số trường, ngành tuyển sinh khối C đang có xu hướng giảm dần do thấy khó tuyển.
Chúng ta không thể trách thí sinh là tại sao chỉ đổ xô vào các khối khác mà lạnh nhạt với khối C trong khi chỉ tiêu khối C quá ít, lại thiếu hấp dẫn. Các ngành học hầu như không mang lại lợi ích thiết thực với đời sống cá nhân của họ như khó xin việc, lương thấp, cơ hội thăng tiến ít... Chính vì thế, mong muốn lựa chọn cho bản thân một ngành nghề phù hợp cũng là điều dễ hiểu, dễ thông cảm”.
Nếu đam mê vẫn có thể thành công
Bạn Nguyễn Huyền Trang, Từ Liêm, Hà Nội cho biết: “Đừng xem thường ngành nào cả, vì mỗi nghề có một đặc thù riêng. Quan trọng là bạn có năng khiếu và sở truờng về mảng tự nhiên hay xã hội.
Sở dĩ khối C ít người lựa chọn, vì nó rất kén người. Giống như không phải ai cũng được trời phú cho năng khiếu viết văn bay bổng hay là nhớ lịch sử một cách dễ dàng, mạch lạc. Theo tôi, việc cho rằng thi khối C đầu ra sẽ khó xin việc là hoàn toàn sai lầm.
Nếu thực sự có khả năng cộng với đam mê, bạn sẽ toả sáng dù ở bất cứ ngành nghề gì. Hiện nay, tôi thấy rất nhiều ngành từ khối C rất hay và là mơ ước của nhiều bạn trẻ như: Báo chí, Quan hệ công chúng, Luật".
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?