Từ vụ án mạng Đan Phượng đến việc tránh những nỗi đau thảm sát mang tên “thừa kế”

Liên tiếp những vụ thảm sát xảy ra từ việc tranh chấp quyền lợi thừa kế, từ những mâu thuẫn nhỏ tích tụ trong gia đình thời gian gần đây khiến dư luận bàng hoàng. Để tránh những nỗi đau thảm sát mang tên “thừa kế”, dưới đây là điều các gia đình nên làm.

Thảm sát chỉ vì mâu thuẫn nhỏ

Những ngày này, xã hội vẫn đang hết sức kinh hoàng trước vụ thảm sát ở Đan Phượng, Hà Nội. Chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ do tranh chấp đất đai, người anh lạnh lùng sát hại cả gia đình người em trai. Vụ thảm sát đã khiến 4 người đã tử vong, trong đó có một bé gái 1 tuổi.

Trước đó cũng xảy ra không ít những vụ anh em ruột vì mâu thuẫn đất đai mà sát hại nhau, để lại những hậu quả gây ám ảnh trong vài năm trở lại đây. Tháng 9/ 2018, Toà án Nhân dân thành phố Cần Thơ tuyên bị cáo Nguyễn Văn Thơ (42 tuổi, ngụ huyện Phong Điền) 12 năm tù về tội giết người. Thơ và người anh ruột của mình trước đó thường xảy ra cãi nhau vì tranh chấp đất.

Cha mẹ Thơ có sang nhượng cho anh 2.500 m2 đất ruộng, với giá 150 triệu đồng. Thơ trả trước 60 triệu đồng, phần tiền còn lại sẽ trả hết khi làm xong thủ tục sang nhượng. Anh trai không đồng ý vì giá chuyển nhượng thấp và đòi bán cho người khác với giá cao hơn. Hai bên liên tục mâu thuẫn, trong một lần đi uống rượu về, Thơ qua nhà nói chuyện với anh trai và xảy ra ẩu đả. Trong lúc ẩu đả, Thơ lấy dao đâm anh ruột bị thương nặng và tử vong trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Tranh chấp đất đai ở Đan Phượng đã cướp đi sinh mạng của 4 người.

Trao đổi với Phóng viên Báo Gia đình và Xã hội trước những vấn đề này, TS Mã Ngọc Thể - Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý và Giáo dục phát triển cộng đồng Khai Tâm cho rằng, qua những vụ việc này cho thấy bộc lộ những xung đột lợi ích giữa các cá nhân trong cuộc sống. Xã hội càng hiện đại bao nhiêu thì càng gây ra những áp lực đối với con người. Lễ nghĩa, đạo đức và kỹ năng sống bị xáo trộn dẫn đến các giá trị đạo đức ít được̣ tôn trọng. Sự bon chen về danh lợi và tiền bạc, vật chất sẽ được đẩy lên thành giá trị hàng đầu. Môi trường giáo dục gia đình không còn được duy trì lễ giáo như: "tôn sư, trọng đạo", "kính trên nhường dưới"....

Từ sự bất nhất trong giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, kỷ cương pháp luật bị coi nhẹ đã làm nảy sinh những suy nghĩ, lối sống tiêu cực, tha hóa. Như vậy, việc tranh giành, cạnh tranh sẽ tạo ra những bất đồng quan điểm, mâu thuẫn cá nhân xảy ra thường xuyên. Nếu không được giải quyết kịp thời sẽ dẫn đến xâm hại lẫn nhau và có thể cướp đoạt tính mạng mà không gợi một chút tình thương.

Đồng quan điểm, chuyên gia tâm lý Hoàng Dương Bình - Trung tâm Tư vấn tâm lý và Thiền định trị liệu Hoàng Nhân nhấn mạnh, thảm sát mà nhất là người trong nhà, trong họ giết hại lẫn nhau là điều đau đớn, bi thương và là tai họa trước hết của chính gia đình và dòng họ ấy. Ở đây, tất cả đều có một nguyên do, đó là các ức chế không được giải tỏa, mà ức chế ấy hình thành từ đâu? Từ chính những ham muốn, có những ham muốn tốt và ham muốn xấu nhưng đã là ham muốn thì xấu và tốt đều không hài hòa. Càng ham muốn càng ức chế và con người ta mất khả năng nhìn nhận bản chất sự vật, sự việc. Một khi bên trong ức chế mà có các tác nhân bên ngoài kích hoạt thì tất yếu xô xát, cự cãi, tranh giành hoặc chém giết sẽ xảy ra.

Như trường hợp vụ thảm sát ở Đan Phượng, Hà Nội, người anh trai đã quá trọng lợi ích vật chất, xem nhẹ tình cảm gia đình dẫn đến coi thường pháp luật. Sự tương tác giữa các yếu tố tiêu cực trong môi trường sống với tâm lý tiêu cực bên trong thúc đẩy, khi gặp tình huống tranh chấp đất đai, người anh trai quyết định phải giết người để giải toả các bức xúc tâm lý.

Để không xảy ra nỗi đau mang tên "thừa kế"?

TS Mã Ngọc Thể cho rằng, theo tâm lý thông thường thì cha mẹ thường sống với con trai lớn và để của cải ưu tiên cho con trưởng. Do đó đã tạo tâm lý bất mãn khi việc việc phân chia này bị hoán đổi. Mâu thuẫn càng gia tăng hơn nếu sự phân chia tài sản cho con cái không công bằng, không có sự đồng thuận của tất cả các thành viên gia đình. Nếu mâu thuẫn này không được giải quyết triệt để sẽ dẫn đến tranh đoạt tài sản và chém giết lẫn nhau để đòi quyền lợi cho bản thân.

Hiện nay quan niệm thừa kế của đa số người dân Việt Nam thiếu công bằng. Thường thì anh được ưu tiên hơn em hoặc ngược lại; có người không được chia; cách chia tài sản không rõ ràng; chia tài sản bằng miệng rồi thay đổi… Do đó, việc phân chia tài sản khi lập di chúc cần có sự tư vấn pháp luật của các luật sư, có sự đồng thuận của các bên trong việc nhận diện các quyền lợi của mình trong bản di chúc.

"Khi làm tốt việc đó sẽ tránh được các hậu họa đáng tiếc về sau. Để việc lập di chúc đúng pháp luật và tốt đẹp thì gia đình cần họp gia đình đầy đủ đối với những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất và những người đủ tuổi trưởng thành, có năng lực hiểu biết pháp luật chứng kiến để tránh hiểu lầm, tranh cãi đối với họ" – TS Mã Ngọc Thể nhấn mạnh.

Bi kịch của một gia đình đều có nguyên nhân cộng hưởng. Để tháo những "ngòi nổ" này, trong chính mỗi gia đình, dòng họ thường có những người cao cả, có uy tín giúp tương tác, chuyển hóa từ xa những thảm họa ấy. Và thực tế, nhiều gia đình, dòng họ rất thành công trong câu chuyện ấy. Mỗi thành viên gia đình cũng cần đặt tình thân, sự yêu thương chia sẻ trách nhiệm, quyền lợi với nhau.