Trường Lê Hồng Phong nói gì về tiếng Pháp của Kỳ Duyên?

'Không phải từ câu chuyện của Kỳ Duyên, chúng tôi mới nhận ra điểm yếu về khả năng nghe, nói của học sinh. Song để khắc phục yếu điểm này không dễ'.

“Với môn tiếng Anh, phong trào dạy và học đã được thấm tới từng giáo viên và học sinh. Ngoài giảng dạy bình thường, nhà trường tăng cường dạy môn tự nhiên bằng tiếng Anh.

Những nội dung này thực hiện đã được 4-5 năm, sự tiến bộ của thầy trò đã nâng lên khá tốt.

Hàng năm, trường tổ chức các câu lạc bộ, dạ hội tiếng Anh, tạo không gian cho học sinh nghe nói. Trường còn cho HS thi thử trình độ tiếng Anh chuẩn châu Âu mức A2 và B1.

Đến nay, về cơ bản, thầy trò đã đáp ứng yêu cầu trong đề án Ngoại ngữ 2020 đặt ra.

Chưa hết, trường cũng thường xuyên mời tình nguyện viên và giáo viên nước ngoài về dạy tiếng Anh cho HS với mục đích xa hơn là trò có đủ kiến thức để vươn ra các trường hàng đầu thế giới”.

Tuy nhiên, ở các lớp chuyên Nga và chuyên Pháp lại là câu chuyện khác. Theo ông Vũ Đức Thọ, hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, hiện mỗi khối lớp 10, 11, 12 ở trường có 3 lớp chuyên Nga và chuyên Pháp.

“Không phải từ câu chuyện của Kỳ Duyên chúng tôi mới nhận ra điểm yếu về khả năng nghe, nói còn kém của học sinh. Song để khắc phục yếu điểm này không dễ” – ông Thọ giải thích.

Lý do là ở tỉnh lẻ, học sinh các môn chuyên Pháp, chuyên Nga ít có cơ hội tiếp xúc, giao tiếp và sử dụng các ngoại ngữ này.

Cô giáo Nguyễn Thị Dương Liễu, chủ nhiệm lớp 11 và 12 đồng thời là giáo viên dạy tiếng Pháp ở lớp của hoa hậu Kỳ Duyên cho biết thêm:

“Thời gian học trên lớp của học sinh chuyên Pháp không có nhiều, tuần chỉ vài tiết nên khó rèn nghe nói cho trò.

Học sinh vào lớp cũng xác định rõ mục tiêu là thi đại học. Do đó ngữ pháp và viết vẫn được chú trọng nhiều hơn.”

Theo cô Liễu: “Tình trạng nghe nói ngoại ngữ kém của trò không chỉ ở Nam Định mà còn ở nhiều tỉnh khác. Đó cũng là hạn chế khi điều kiện tiếp xúc người nước ngoài ít”.

Cô Liễu chia sẻ, cũng cần thông cảm cho Kỳ Duyên, mới ở tuổi 18, tâm lí trước đám đông có thể chưa được chuẩn bị tốt.

"Tôi tin em sẽ khắc phục dần kỹ năng này. Đa phần học sinh của tôi đều xác định sau này khi lên ĐH sẽ bù đắp vốn nghe nói còn hạn chế của mình” - cô Liễu nói.

Nam Định là một trong những địa phương điển hình về triển khai dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định Cao Xuân Hùng cũng thừa nhận thực tế: “Khả năng của học sinh với trước đây đã được nâng lên, nhưng để đáp ứng kỳ vọng của xã hội lại là chuyện khác".

Theo ông Hùng: Những chương trình lớn về nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ của ngành giáo dục như đề án Ngoại ngữ 2020 và việc xây dựng các trường học trọng điểm dạy tiếng Anh đã bước đầu mang lại chuyển biến tích cực tại Nam Định.

Ngoài kiến thức, học trò, thầy cô đã tự tin hơn trong giao tiếp.

Chia sẻ nỗi niềm của những nhà giáo gắn bó với các môn ngoại ngữ như tiếng Nga, tiếng Pháp, ông Hùng cho hay, việc ít có môi trường giao tiếp là một trở ngại khách quan cho học sinh.

“Vì vậy, luồng ý kiến cho rằng Kỳ Duyên nói tiếng Pháp kém sau khi xem bài nói của em tại Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội vừa qua là có cơ sở” – ông Hùng nói.

Tuy nhiên, “học phổ thông mà trò nói được và quan trọng là dám nói, sử dụng ngoại ngữ trước đám đông đã là điều quý rồi.

Tôi tin Kỳ Duyên sẽ nỗ lực rèn kỹ năng này cho tốt”- vị lãnh đạo ngành giáo dục của "đất học" Nam Định bày tỏ.