Tờ báo dẫn lời một quan chức tham gia chương trình không gian của Triều Tiên khẳng định: “Các nhà khoa học Triều Tiên sẽ không đầu hàng dù đã thất bại trong đợt phóng lần trước”. Choson Sinbo cho biết thêm đợt phóng mới cũng như vụ phóng vệ tinh thất bại đều nằm trong chương trình không gian 5 năm, bắt đầu từ năm 2012 với mục tiêu hỗ trợ phát triển kinh tế.
Người dân Hàn Quốc theo dõi vụ phóng tên lửa Unha-3 (Ảnh: AFP)
Ngày 13/4, tên lửa Unha-3 mang vệ tinh không gian phát nổ chỉ sau vài phút rời bệ phóng và các mảnh vỡ rơi xuống Hoàng Hải. Sau đó, đài SBS của Hàn Quốc đưa tin tàu chiến nước này đã vớt được một số mảnh vỡ và đang phân tích chúng. Có quan chức giấu tên cho hay Seoul sẽ không công khai kết quả tìm kiếm mảnh vỡ tên lửa Unha-3 để tránh bị Bình Nhưỡng kiếm cớ tấn công khiêu khích. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng để tránh căng thẳng, Hàn Quốc nên trả lại các mảnh vỡ nếu miền Bắc yêu cầu.
Tuy CHDCND Triều Tiên tuyên bố cuộc phóng vệ tinh vừa qua là nhằm mục đích hòa bình, nhưng Mỹ, Hàn Quốc và Nhật vẫn cáo buộc Unha-3 là tên lửa đạn đạo ngụy trang. Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Kwan-jin còn cho rằng nếu được phóng thành công, tên lửa này sẽ đạt tầm bắn tới 10.000 km, có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ, theo tờ Chosun Ilbo. Đến ngày 16/4, AFP dẫn lời Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak kêu gọi Triều Tiên từ bỏ chương trình phát triển tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, cảnh báo rằng nó có thể dẫn đến chạy đua vũ trang và sẽ khiến nước này sụp đổ. Bình Nhưỡng chưa có phản ứng về các tuyên bố trên.