Tiqui-Taca đã “hết thời”?

Barcelona vẫn sẽ vô địch La Liga mùa này. Và họ thậm chí vẫn có thể lật ngược tình thế trước AC Milan ở Champions League.

Nhưng Tiqui-Taca "hết thời" lại là chuyện khác, một câu chuyện độc lập với những kết quả thắng, bại "thường tình" của Barcelona trong từng trận đấu cụ thể.

XUỐNG TỪ CÁCH CHƠI ĐẾN HÌNH ẢNH

Về mặt nguyên lý, cách chơi Tiqui-Taca trước tiên là để đảm bảo một sự an toàn nhất định cho hàng phòng ngự. Bóng luôn ở trong chân mình thì đối phương tìm đâu ra được cơ hội ghi bàn?

Hồi Barcelona thắng Arsenal 3-1 ở vòng tứ kết Champions League 2010/11, đã xuất hiện kỷ lục hy hữu trong bóng đá đỉnh cao: Arsenal trở thành đội đầu tiên không có pha dứt điểm nào trong một trận đấu (kể từ khi hãng Opta thống kê số liệu này ở Champions League, bàn thua của Barca là do Busquets đá phản lưới nhà).

Đấy cũng là mùa bóng mà sau khi Barcelona ghi liên tiếp 31 bàn trên mọi trận địa, họ mới bị thủng lưới 1 bàn (do Espanyol ghi được). Thống kê khi ấy: trong 6 trận đấu liên tiếp tại La Liga, Barcelona chỉ để cho các đối thủ sút bóng tổng cộng 9 lần (Real Madrid có tên trong chuỗi trận ấy).

Bây giờ, Barcelona thủng lưới ở 21 trong 26 trận tại La Liga. Và chỉ qua 2/3 mùa bóng, Barcelona đã thủng lưới đến 30 bàn, hơn tổng số bàn thua của họ mùa trước. Đấy chính là chi tiết cốt lõi nói lên rằng kể cả khi đang thẳng tiến đến ngôi vô địch thì thứ bóng đá mà Barcelona thể hiện tại La Liga mùa này không còn là Tiqui-Taca "chính hiệu" nữa.

Các cầu thủ Barcelona không còn khả năng thực hiện lối chơi quen thuộc của họ ở mức độ hoàn hảo, hay chính lối chơi của Barcelona trong những ngày này không còn hoàn hảo? Tùy quan điểm. Nhưng cần lưu ý: Tiqui-Taca trong những ngày này đã là sản phẩm F3 so với Tiqui-Taca "chính chủ" thời Guardiola.

Ở trận thua AC Milan 0-2 vừa qua tại Champions League, Barcelona vẫn giữ bóng đến 73% và chuyền chính xác 91%. Nhưng các cầu thủ Barcelona chỉ thực hiện được tổng cộng 796 đường chuyền, ít hơn hẳn so với con số luôn ở mức trên, dưới 1.000 đường chuyền mỗi trận trong một thời gian dài trước đây của Barcelona, hoặc của đội tuyển TBN tại VCK EURO 2012 (xin nhắc lại: chúng ta đang nói về lối chơi Tiqui-Taca chứ không phải nói về Barcelona).

Rõ ràng, đã có những khác biệt lớn về tiết tấu, về tính đột biến, về giải pháp chuyền bóng giữa lối chơi mà Barcelona đang thể hiện trong những ngày này với lối chơi Tiqui-Taca của đội tuyển TBN hoặc Barcelona trong thời kỳ đỉnh cao. Và đấy chính là những khác biệt quan trọng làm cho Tiqui-Taca trong những ngày này trở nên tầm thường.

Tại EURO 2012, TBN mạnh mẽ đến nỗi làm cho đối thủ run sợ. Đội Pháp phải dùng đến 2 cầu thủ cho một vị trí hậu vệ phải, nhưng vẫn không cản được mũi tấn công từ vị trí hậu vệ trái của TBN. Tương tự, người ta nhớ đến trận chung kết Champions League 2011 không chỉ vì chiến thắng thuyết phục của Barcelona, mà còn vì hình ảnh run tay của HLV lỗi lạc Alex Ferguson.

Đấy là thời kỳ mà đối phương phải khiếp sợ, dù có thấy được nhược điểm trong lối chơi Tiqui-Taca vẫn không sao khắc chế. Tiqui-Taca trước đây thắng lợi rực rỡ còn vì hình ảnh, chứ không chỉ thắng ở chiến thuật. Bây giờ, Milan chỉ cần giữ bóng 27%, hoặc Real chỉ cần giữ bóng 28%, họ vẫn hoàn toàn yên tâm và bình tĩnh chiến thắng Barcelona.

VÌ THỜI GIAN HAY CON NGƯỜI?

Khi còn ở đỉnh cao của sự hoàn hảo thì cách chơi rực rỡ và hình ảnh bất khả chiến bại của lối chơi Tiqui-Taca là hai yếu tố đi liền với nhau, cái này làm cho cái kia đã mạnh lại càng thêm mạnh. Còn bây giờ, khi mà cách chơi của Barcelona không còn xuất sắc nữa thì hình ảnh đáng sợ cũng hoàn toàn tan biến, hay nói cách khác là hai yếu tố song hành vừa nêu lại kéo nhau cùng xuống cấp.

Chỉ cần bình tĩnh giữ vững trận địa trước kiểu đập nhả không còn phương hướng, mục tiêu rõ rệt của Barcelona, các đội mạnh như Real hoặc Milan đều có thể thắng. Vấn đề đặt ra: kỷ nguyên rực rỡ nhất của Tiqui-Taca đang khép lại vì thời gian hay con người? Câu trả lời: cả hai.

Tất nhiên là Iniesta, Xavi, Puyol, Fabregas, Pique, Busquets, thậm chí cả Messi, đều không thể cứ ngự trị mãi ở đỉnh cao phong độ. Nhưng ngoài cái quy luật quen thuộc ấy, chúng ta cũng đã phân tích nhiều lần: trước đây người ta cũng đã thấy rõ nhược điểm của cách chơi Tiqui-Taca nhưng không thể khắc chế, chứ đấy không phải là cách chơi "vô đối".

Với giới chuyên môn ở đẳng cấp cao thì tất nhiên việc đề ra phương án chiến thắng Tiqui-Taca chỉ có thể ngày càng trở nên dễ dàng, chứ không thể ngày càng khó hơn. Và khi gánh nặng tuổi tác trên vai các ngôi sao Barcelona bắt đầu phát huy tác dụng thì cách chơi của họ dễ dàng sụp đổ.

Dấu hiệu "hết thời" của Tiqui-Taca đã xuất hiện từ cuối mùa trước, khi Barcelona tấn công mãi mà không thắng nổi Chelsea ở Champions League. Đến khi Tito Vilanova thế chỗ Guardiola và Barcelona khởi đầu hành trình bảo vệ ngôi vương ở La Liga bằng 6 trận thắng liên tiếp, thì ít ai lưu ý dấu hiệu thứ hai dự báo sự lung lay của Tiqui-taca: Barcelona thủng lưới ở 4/6 trận ấy (và sau đó lại thủng lưới 4 bàn trong trận thắng Deportivo).

Sau khi Barcelona thất thủ trên sân Milan thì chẳng ai còn ngạc nhiên khi Real phá tan Tiqui-Taca trong 2 trận đấu liên tiếp. Đấy là dấu hiệu thứ ba khẳng định kỷ nguyên rực rỡ của Tiqui-Taca đã khép lại. Sẽ còn những dấu hiệu khác nữa?