Hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam đều có ít nhất là 1 sân bay dân sự, số tỉnh có đến 2 chắc chắn sẽ không nhiều. Và nước ta đang có một tỉnh sở hữu cùng lúc 2 sân bay dân sự - đó chính là Kiên Giang.
Kiên Giang là tỉnh ven biển, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh này có diện tích lớn nhất Tây Nam Bộ và lớn thứ hai ở Nam Bộ, chỉ sau tỉnh Bình Phước. Hiện tại, tỉnh Kiên Giang đang sở hữu 2 sân bay là Sân bay Rạch Giá, cách trung tâm thành phố Rạch Giá 7km về phía Đông và Sân bay quốc tế Phú Quốc, nằm ở phía Nam đảo Phú Quốc. Đây là một điều thú vị và là điểm nhấn đáng chú ý mỗi khi chúng ta nhắc đến tỉnh Kiên Giang.
Kiên giang là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long - phía Tây Nam của Tổ quốc với phía Bắc giáp Vương quốc Campuchia; phía Nam giáp tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu; phía Đông và Đông Nam giáp tỉnh An Giang; thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang; phía Tây giáp Vịnh Thái Lan.
Kiên Giang có 15 đơn vị hành chính cấp huyện, thị: Thành phố Rạch Giá, thành phố Hà Tiên, thành phố Phú Quốc, huyện Kiên Lương; huyện Hòn Đất, huyện Tân Hiệp, huyện Châu Thành, huyện Giồng Riềng, huyện Gò Quao, huyện An Biên, huyện An Minh, huyện Vĩnh Thuận, huyện Kiên Hải, huyện U Minh Thượng và huyện Giang Thành.
Tỉnh Kiên Giang có tổng diện tích tự nhiên là 6.348 km2, bờ biển hơn 200 km với hơn 137 hòn, đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là Phú Quốc diện tích 567 km2 và cũng là đảo lớn nhất Việt Nam. Kiên Giang được chia làm 4 vùng, gồm: Vùng Tứ giác Long Xuyên là vùng tập trung thoát lũ chính của tỉnh; Vùng Tây Sông Hậu là vùng chịu ảnh hưởng của lũ hàng năm; Vùng U Minh Thượng với địa hình thấp thường ngập lụt vào mùa mưa và vùng biển hải đảo. Dân số Kiên Giang là 1.751.760 người tính đến năm 2022, theo ước tính trung bình của Tổng cục Thống kê Việt Nam, đứng thứ 15 cả nước.
Sân bay Rạch Giá
Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc
Nằm trong vùng vịnh Thái Lan, gần với các nước Đông Nam Á như Campuchia, Thái Lan, Malaixia, Singapo, Kiên Giang có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc mở rộng giao lưu kinh tế với các nước trong khu vực, đồng thời đóng vai trò cầu nối các tỉnh miền Tây Nam Bộ với bên ngoài. Vị trí địa lý của Kiên Giang có tiềm năng lớn cho phát triển kinh tế - xã hội tổng hợp, là cửa ngõ hướng ra biển Tây của tỉnh cũng như của vùng đồng bằng sông Cửu Long, có điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển, đảo và giao lưu với các nước trong khu vực và quốc tế với các ngành mũi nhọn như du lịch, thương mại, dịch vụ công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản,…
Kiên Giang là tỉnh thu hút khách du lịch hàng đầu cả nước, đặc biệt là du lịch biển
Kiên Giang được coi là vùng đất có “rừng vàng biển bạc” với nhiều danh lam thắng cảnh như đảo Phú Quốc, Hà Tiên, quần đảo Nam Du, quần đảo Bà Lụa, rừng U Minh Thượng, Hòn Đất…rất thuận lợi để phát triển du lịch, đặc biệt là đảo Phú Quốc trong tương lai sẽ trở thành khu du lịch sinh thái cao cấp của cả nước và khu vực. Bên cạnh đó tỉnh còn có nhiều di tích văn hoá lịch sử lâu đời. Một nhà thơ đã ví Kiên Giang như Việt Nam thu nhỏ với “một ít hang sâu, động hiểm của Lạng Sơn, có ngọn núi chơi vơi giữa biển khơi của vịnh Hạ Long, có ít núi đá vôi của Ninh Bình, ít thạch thất sơn môn của Hương Tích, chùa chiền Bắc Ninh, lăng tẩm Thuận Hoá và một ít Đồ Sơn, Cửa Tùng, Nha Trang, Vũng Tàu, Long Hải…”
Kiên Giang có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng như: Hòn Chông, Hòn Trẹm, Hòn Phụ Tử, núi Mo So, bãi biển Mũi Nai, Thạch Động, Lăng Mạc Cửu, Đông Hồ, Hòn Đất, rừng U Minh, đảo Phú Quốc,… Với những ưu điểm và thế mạnh kể trên giúp Kiên Giang trở thành đầu tàu phát triển kinh tế, du lịch của khu vực miền Tây Nam Bộ.