Giám khảo cần phải “đóng vai ác”?
Với những khán giả theo dõi các cuộc thi trên truyền hình phiên bản quốc tế, không khó để nhận ra rằng sự sắc sảo, thậm chí cay nghiệt của giám khảo đóng góp lớn như thế nào tới sự thành công của cuộc thi. Hẳn người ta vẫn nhớ vẫn phẫn nộ và thậm chí là... căm ghét trước những lời nhận xét thẳng thắn và có phần cay nghiệt của Simon Cowell dành cho các thí sinh.
Lê Hoàng là giám khảo thành công hiếm hoi trong làng showbiz Việt
Vị giám khảo khó tính này từng rất thẳng thắn: “Khi bạn bắt đầu hát, điều đầu tiên xẹt qua tâm trí tôi là âm thanh của bạn phát ra nghe giống như ai đó đang hát trên một chiếc tàu giữa biển khơi. Và đến nửa chừng bài hát, tôi đã tưởng tượng rằng con tàu đang chìm.” Hoặc: “Giọng của cô nghe như Dolly Parton đang bị ngạt khí hê-li.” Hay: “Thay vì đứng trên sân khấu của American Idol, bạn giống như đang ở một nông trại vậy, bạn hát như kiểu đang chuẩn bị thắt dây thòng lọng vào mũi một con bò vậy.”
Dĩ nhiên, khi nghe những nhận xét kiểu đó sẽ không ít người bị sốc, nhiều thí sinh thậm chí đã phát khóc trước sự nhận xét cay độc của Cowell dành cho mình và điều đó thực sự tạo nên sự phẫn nộ cho các khán giả. Tuy nhiên, nhờ những sự nhận xét thẳng thắn đó của Cowell hay những lời nhận xét dí dỏm của các vị giám khảo khác, các cuộc thi mới trở nên hấp dẫn và được quan tâm nhiều hơn. Cái được nhất của các thí sinh (như một vài người đã từng thừa nhận) có lẽ chính là họ được học những bài học đắt giá và dùng nó để hoàn thiện bản thân mình.
Ở Việt Nam, giám khảo thành công nhất và từng giành được khá nhiều thiện cảm của khán giả lại chính là một người đanh đá nhất – Đạo diễn Lê Hoàng. Rất nhiều người không ưa cái kiểu châm chọc và có phần ác ý của mình. Tuy nhiên, Lê Hoàng là người “có bản sắc” nhất trong số các vị giám khảo và điều đó giúp ông nhận được sự ủng hộ của khán giả.
Ba vị giám khảo của Vietnam's got talent
Dĩ nhiên, để được yêu thích với vai trò giám khảo không có nghĩa là cứ phải “đóng vai ác” mà phải nói thẳng và quan trọng nhất là nói đúng, khen ra khen mà chê ra chê. Tuy vậy, giám khảo không phải là thiên tài, họ có thể chê sai và họ thậm chí đã phải nói lời xin lỗi như trường hợp của chính Cowell đã phải nói xin lỗi Susan Boyle sau phần thi tuyệt hay của cô. Nhưng điều đó không làm hình ảnh của Cowell xấu đi mà nó chỉ khiến mọi người thấy ông thật sự là người cầu thị.
Nói như Lê Hoàng: Mình chấm thí sinh nghĩa là thiên hạ chấm mình nên “gồng lên” chê bậy là không được.
Vietnam’s got talent: Giám khảo “chưa biết chê”
Phương châm mà rất nhiều giám khảo sử dụng chính là: “Đừng nổi giận với những gì chúng tôi nói. Hãy tự nhìn lại và tập luyện thêm”. Điều đó cho thấy rằng một vì giám khảo tốt là một vị giám khảo ngoài khen ra còn phải biết... chê thật sự sắc sảo. Tuy nhiên, ở ba gương mặt ngồi trên ghế nóng Vietnam’s got talent, chưa ai làm được điều đó.
Lời nhận xét này không chỉ rút ra ở phần thi phát sóng tối ¼ mà là sự đúc kết cả một quá trình theo dõi cả cuộc thi. Không phải vô cớ mà liên tục có những bài báo lên tiếng về việc các vị giám khảo “thiếu muối” hay “diễn” quá nhiều. Có cảm tưởng như các vị giám khảo của Got talent không... “dám” chê thí sinh. Tất cả những lời chê (rất hiếm hoi) cũng chỉ chung chung và không thực sự quyết liệt mà thay vào đó là những lời khen ngợi “lấy được”.
Chỉ có tiết mục của nhóm Nghị Lực...
Trong cả 7 tiết mục được trình diễn ở đêm ¼ chỉ có Huy Tuấn - vị giám khảo được coi là khó tính và giàu kiến thức chuyên môn nhất thi thoảng đưa ra những nhận xét có tính phản biện, tuy nhiên, những nhận xét của anh cũng khá... hiền lành. Còn các vị giám khảo khác thì vẫn là điệp khúc “khen lấy được” quen thuộc.
Tiết mục hiếm hoi mà Huy Tuấn tỏ ra chưa hài lòng là tiết mục của Đinh Thiện Nhân với bài Time to say goodbye. Huy Tuấn nhận xét: “Sau sự ngạc nhiên mà tôi dành cho bạn, hôm nay tôi cảm thấy chưa thật sự thuyết phục. Âm thanh mà bạn phát ra không thật sự là opera. Khi hát opera tôi nghĩ là tất cả các âm thanh phải được mở, phát ra từ lồng ngực và cổ họng của bạn, còn tất cả các âm thanh bạn phát ra nó cứ ứ đọng ở đâu đó ở cổ họng mà thôi.”
Lập tức, hai vị giám khảo còn lại lên tiếng bênh vực thí sinh của mình. Thuý Hạnh cho rằng với một thí sinh không chuyên như Thiện Nhân như vậy là cũng được rồi. Còn giám khảo Thành Lộc thì... lãng mạn hơn khi cho rằng Thiện Nhân là “đoá hoa lạ trong số các thí sinh và cách ngân nga trong cổ họng của bạn rất lạ, không đụng hàng với ai hết.”
Chỉ một vài trong số 7 tiết mục phải nhận những lời nhận xét “không tích cực” là một con số đáng giật mình, nó cho người ta cảm tưởng rằng các thí sinh Vietnam’s got talent đều thực sự rất xuất sắc nhưng sự thật không phải vậy. Ngoài một vài tiết mục “xem được” và có ý nghĩa như của nhóm Nghị Lực hay nhóm Mộc thì tất cả các tiết mục biểu diễn còn lại đều chưa thực sự “vượt qua chính mình” chưa thực sự thuyết phục.
... và tiết mục của nhóm Mộc là khá thành công
Trong suốt chương trình, có khá nhiều những nhận xét rất “ngoại giao” kiểu như của Thuý Hạnh dành cho Hải Đăng: “Một phần trình diễn rất sôi động, rất thú vị trên sân khấu. Tôi thấy Hải Đăng hôm nay tự tin hơn ở phần thi vòng loại sân khấu rất nhiều”. Dĩ nhiên, các giám khảo có lý do để “ve vuốt” thí sinh, giúp họ tự tin hơn nhưng ở khía cạnh ngược lại, thí sinh cũng chẳng biết mình còn thiếu những gì để hoàn thiện.
Trong một bài phỏng vấn, Thuý Hạnh từng thừa nhận rằng văn hoá khép kín của Á đông ảnh hưởng khá nhiều đến sự hấp dẫn của chương trình. Hay nói một cách khác, sự “cả nể” theo kiểu “dĩ hoà vi quý”, “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” của các vị giám khảo cũng khiến chương trình mất đi sự hấp dẫn. Khán giả cứ thấy mọi thứ “nhẹ bẫng” đi như không, họ không được định hướng bất kỳ điều gì và chỉ bầu chọn theo cảm tính do đó tiếng nói của giám khảo cũng không còn nhiều trọng lượng. Còn các thí sinh cũng chẳng học hỏi được gì nhiều từ các vị giám khảo bởi gần như phần thi nào cũng được khen và những lời chê hiếm hoi nếu có cũng không đi vào trọng điểm cần... chê.
Vậy là... hòa cả làng, cả nhà cùng vui.