Tiêu khuôn mặt chỉ vì phá nốt ruồi

Vừa ly hôn, ông Sĩ được bạn nhậu “tư vấn”, gia đình tan vỡ là vì hai nốt ruồi xấu bằng ngón tay ở trên mặt.

Ông đã đi phá với hy vọng vợ sẽ trở về. Tuy nhiên, một nốt ruồi rơi và nốt còn lại biến chứng, ăn dần khuôn mặt. Giờ khuôn mặt ông chỉ còn là hai hốc mắt lồi lõm. Con mắt bên phải xuất hiện một cục bướu bằng quả chanh làm căng hết da trán. Riêng mũi trơ sống xương sụn, môi trên khuyết đi lộ hàm răng vàng hếu.

Vợ bỏ vì nốt ruồi xấu?

Ông Nguyễn Tấn Sĩ (50 tuổi, trú tỉnh Tây Ninh) là con thứ ba trong gia đình có năm anh em. Ngay từ nhỏ, ông đã được cha mẹ thương mến, nuông chiều. Trong khi, bạn bè cùng trang lứa phải cùng người thân đi làm mướn, kiếm đồng tiền đắp đổi qua ngày thì hàng ngày, ông vẫn long nhong. Lớn lên, ông cưới vợ, sinh được hai người con trai. Đáng nhẽ, một người chồng, người cha phải chăm lo, săn sóc, xây dựng hạnh phúc cho mái ấm của mình, tuy nhiên, với tính cố hữu ham chơi biếng làm nên ông vẫn thường để ba mẹ con ở nhà, còn mình thì gầy sòng nhậu.

Thời gian cứ thế trôi qua, lắm lúc, người vợ kéo ghế, ngồi bên cạnh, thủ thỉ khuyên chồng giảm uống rượu, tìm kiếm việc làm. Người chồng cũng ậm ừ, rồi sau đó, mọi chuyện lại đâu vào đấy. Buồn, ngẫm thương cho số phận của mình, vợ ông Sĩ đã nghĩ đến chuyện chia tay. Vì thương hai đứa con nên bà vẫn còn lần lữa mãi. Bà cũng nói tâm tư của mình với chồng nhưng đáp lại vẫn chỉ là sự thờ ơ.

Năm 2000, không chịu đựng nỗi cảnh sáng sớm chồng đã nhậu nhẹt, tối về lại bét nhè nên vợ ông Sĩ nước mắt ngắn dài gửi đơn ly hôn. Ngày ra tòa, ông Sĩ đến, người nồng nặc mùi rượu. Khi vị quan tòa giảng hòa, ông Sĩ chỉ cười cười bảo: “Nếu cô ấy muốn đi thì cứ đi, còn muốn ở thì cứ ở”. Điều hiển nhiên, bà nhất định chia tay. Lời tuyên của chủ tọa vừa dứt cũng là lúc hai đứa con khóc nấc líu ríu theo chân mẹ ra về.

Đến hôm sau, tỉnh dậy, người chồng mới chợt giật mình vì vợ và con đã khăn gói ra đi. Ông buồn, nhưng vì lòng tự tôn nên không đi tìm vợ để giảng hòa mà lại quên sầu bằng hơi men. Cứ thế, sáng ông uống, tối về nhà say và hôm sau vẫn còn liêu xiêu. Trong một lần ngồi nhậu sương sương, ông tâm sự với bạn bè rất buồn vì gia đình tan vỡ. Mọi người “phán” một câu xanh rờn: “Số mày lận đận có khi vì hai nốt ruồi bự chảng ở mặt đó”.

Từ trước đến nay, chưa bao giờ ông Sĩ nghĩ đến chuyện hai nốt ruồi bằng ngón tay ở sườn mũi và gần mắt là xấu. Thế nhưng, giờ bạn nhậu nhắc đến thì ông cũng ngẫm: “Có lẽ hai nốt ruồi này là xấu thật”. Trong bàn nhậu hôm đó, hai nốt ruồi của ông trở thành đề tài bàn tán xôm xụ. Mọi người khuyên ông nên đi phá để “cải tạo số phận”. Một người bảo: “Muốn rẻ thì đến các quán cắt tóc ấy”.

Hơi men chấp choáng, với hy vọng phá nốt ruồi xấu để vợ quay lại, trên đường về nhà, ông ghé vào một tiệm cắt tóc thanh nữ. Bà chủ tiệm bảo: “Hai mụn ruồi của anh có vận xấu, phá cũng đúng thôi”. Bà ra giá, mỗi cái phá 10 nghìn, hai cái tổng cộng 20 nghìn đồng. Ông Sĩ đồng ý, ngồi vào chiếc ghế dựa lưng vào phía sau, nằm ngửa để bà chủ bắt đầu “hành nghề”.

Hậu quả khôn lường

Ông Sĩ còn nhớ, bà chủ tiệm lấy kim băng gảy gảy quanh chân hai nốt ruồi sau đó lấy một dung dịch nhờn nhờn màu vàng bôi lên. Ông cho biết: “Lúc đó, ở hai nốt ruồi chỉ nhưng nhức như kiến cắn”. Trước khi ra về, bà chủ còn nói với theo: “Ông phải giữ không cho động nước hai ngày nha”. Làm theo lời của vị chủ quán, hai hôm sau đó, ông không động đến nước và cảm thấy hơi đau ở vết thương mới.

Thời gian trôi, nốt ruồi ở gần mắt rơi mất và nốt còn lại vẫn y nguyên, nổi đỏ, mẩn ngứa, đau rát. Ông cứ nghĩ, những triệu chứng này là điều bình thường nên cũng không để ý nhiều. Tuy nhiên, sau đó không lâu, nốt ruồi này bắt đầu có dấu hiệu ăn mòn dần vùng xung quanh. Lo sợ, ông tìm đến tiệm cắt tóc để hỏi. Bà chủ thấy vậy chỉ bảo: “Em chỉ biết làm chừng đó thôi. Nếu có gì thì em trả lại 20.000 nghìn cho anh”.

Ông Sĩ ra về và không thể ngờ, nốt ruồi ngày càng ăn dần khuôn mặt của mình: “Ban đầu, nó phá sóng mũi, rồi đến con mắt bên trái, đến con mắt bên phải”. Như chúng tôi chứng kiến, khuôn mặt ông Sĩ giờ chỉ còn là hai hốc mắt lồi lõm, mũi trơ sống xương sụn, môi trên khuyết đi lộ hàm răng vàng. Thậm chí, vết thương cũng ăn mòn vào nếu khiến những chiếc răng rơi rụng bớt. Phần con mắt bên phải xuất hiện một cục bướu bằng quả chanh làm căng hết da trán. Hai mắt ông Sĩ không thể nhìn thấy bất kì thứ gì.

Ông Sĩ cho biết, trong khoảng thời gian đầu khuôn mặt bị biến dạng, cũng muốn đến bệnh viện khám để chữa trị, nhưng vì túi rỗng, không tiền nên đành chịu. Cứ ngày nắng thì dịch ở vết thương lại chảy dài đau đớn khôn cùng. Trời mưa thì vết thương lại tê buốt. Không chịu đựng nỗi, ông nhờ người thân đi mua oxy già, bông y tế để sát trùng vết thương. Đồng thời, mua thuốc giảm đau để uống.

Cách đây vài năm, ông được đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh Tây Ninh khám. Tuy nhiên, do trường hợp của ông khá đặc biệt nên được chuyển viện lên bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Sau nửa tháng nằm viện, các bác sĩ chẩn đoán, vì phá nốt ruồi không đúng cách, từ u lành trở thành u ác, lở loét. Gia đình khó khăn, trong khi đó, nằm bệnh viện mỗi ngày mất gần hai triệu đồng không có đủ kinh phí nên sau đó ông xin được về nhà. Bây giờ, ở nhà, tiền mua bông y tế, thuốc bôi mỗi tháng cũng mất hết 5 triệu đồng.

Khuôn mặt dị dạng khiến nhiều người nhìn thấy phải hoảng sợ.

Hy vọng mong manh

Trở về nhà, ông Sĩ lại chịu đựng những cơn đau buốt của vết thương. Ông bảo, với khuôn mặt dị dạng, trước đây, một lần ra khỏi đường, một số đứa trẻ nhìn thấy liền la hét thất sanh. Ông tự huyễn hoặc lòng: “Khuôn mặt mình chỉ có chút khác thường thôi”. Tuy nhiên, dùng tay lần mò thì khuôn mặt giờ đã không còn. Sự thật vẫn là sự thật. Cũng từ đó, ông không dám bước ra khỏi cửa. Đã mấy năm nay, ông ăn, nằm, ngủ, nghỉ chỉ trên chiếc võng bằng vài bố màu xanh cũ kĩ.

Ông bảo, trước đây, cũng từng nghĩ đến cái chết bởi lo lắng không biết tương lai của mình rồi sẽ ra sao. Thế nhưng, khi ngẫm lại, nếu mình ra đi, ắt hẳn cha đang bị bệnh, cùng người thân ắt hẳn sẽ rất đau lòng. Bên cạnh đó, lúc ở bệnh viện, trước khi ra về, bác sĩ cho biết, nếu có 150 triệu thì có thể phẫu thuật. Ông ngần ngại: “Ban đầu là phẫu thuật cắt khối u. Sau đó sẽ được đưa đến bệnh viện chấn thương chỉnh hình để chỉnh sửa lại khuôn mặt. Có lẽ, lúc đó, không lấy lại được khuôn mặt cũ nhưng cũng đỡ hơn thế này nhiều. Tôi cứ nuôi hy vọng, biết đâu, một ngày nào đó, có ai tốt bụng cho tiền, tôi phẫu thuật để sống tiếp thì sao”.

Giờ đây, chỉ ngồi một chỗ, sống trong bóng đêm, ông Sĩ được người cha già hơn 78 tuổi, tay chân run rẩy chăm sóc. Hàng ngày, cha ông phải tự mưu sinh bằng nghề sửa xe, gò hàn với cửa tiệm nho nhỏ ngay trước mặt nhà. Hai cha con cứ thế bám víu vào nhau mà sống. Ông Sĩ đắng lòng: “Tôi còn sống đến hôm nay phần lớn là nhờ ông cụ. Tôi nuôi hy vọng được chữa trị là để khi lành bệnh đền đáp lại công ơn dưỡng dục. Nhiều khi, tôi ước, thời gian trở lại, thì sẽ cố gắng làm ăn để gia đình không tan vỡ và cha mẹ cũng không phiền lòng”.

Khi hỏi về vợ con, giọng buồn hiu, ông Sĩ cho biết, đứa con lớn giờ đã lập gia đình, đứa con nhỏ nghỉ học, đi học nghề và vợ đã có chồng mới và sinh thêm hai đứa con. Từ ngày chia tay, cũng là lúc nghe ông bị đau ốm, người vợ chưa bao giờ về thăm, riêng hai đứa con vài năm về thăm một lần. Hai tay vân vê chiếc quần đùi ngắn, xỉn màu: “Từ lâu, tôi không nghe được thông tin về hai đứa con. Đến chuyện đứa con sau học nghề gì tôi cũng mù tăm”.

Ông bảo, trước đây, chỉ vì nhậu nhẹt, chơi bời nhiều nên gia đình mới tan vỡ. Thế nhưng, lúc đó, không bao giờ nghĩ tới lý do này mà bạn bè bảo là do nốt ruồi xấu thì cũng tưởng thật. Với hy vọng phá hai nốt ruồi này thì vợ con sẽ quay trở về. Tuy nhiên, ông cũng không ngờ, cũng vì điều này mà giờ đây trở thành một phế nhân với khuôn mặt khác thường. “Tôi nhớ hai đứa con lắm nhưng cũng không biết phải làm sao. Tôi chỉ mong, thỉnh thoảng, rãnh rỗi, hai đứa về thăm”, ông Sĩ buồn bã chia sẻ.