Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết số người sử dụng tem phiếu lương thực hằng tháng ở nước này tăng từ mức 17 triệu năm 2000 lên 44 triệu năm 2011. Tỉ lệ dân số nước Mỹ nhận tem phiếu lương thực là 15%, tức khoảng 50 triệu người. Căn cứ vào số liệu của Cục Điều tra Dân số Mỹ, trong số 22 triệu người Mỹ có bằng thạc sĩ trở lên vào năm 2010, khoảng 360.000 người nhận một loại trợ cấp nào đó.
Thực tế kinh khủng
Tiến sĩ Melissa Bruninga-Matteau, 43 tuổi, trợ giảng tại Trường Đại học Cộng đồng Yavapai ở Prescott, bang Arizona - Mỹ, là một người phụ thuộc vào tem phiếu lương thực và chương trình hỗ trợ về y tế. Bà nói không ít người nhận trợ cấp có trình độ học vấn như bà do bằng cấp cao không giúp họ thoát khỏi tình trạng khó khăn về tài chính.
Bà tâm sự: “Tôi cảm thấy thật kinh khủng khi một người đứng trên bục giảng trường đại học lại sống bằng trợ cấp”. Trước đây, bà chưa bao giờ hình dung được cảnh một người giảng dạy ở đại học lại nhận khoản lương bổng thấp đến mức không thể trang trải cho cuộc sống. Mỗi tháng, bà lãnh 900 USD nhưng phải chi 750 USD để thuê nhà. Mỗi tuần, bà chi 49 USD cho khoản tiền xăng để đến trường.
Thế nhưng, bà không phải là trường hợp cá biệt. Elliott Stegall, 51 tuổi, giảng viên tiếng Anh, cũng nhận trợ cấp lương thực. Ông kể: “Lần đầu tiên đi làm đơn, tôi cảm thấy như mình đến từ một đất nước nghèo nàn nào đó. Bên cạnh tôi đầy những người thuộc mọi nền văn hóa và sắc tộc”.
Ông Stegall hiện là nghiên cứu sinh về điện ảnh tại Đại học bang Florida. Ông đã giảng dạy ở 3 trường trong hơn 14 năm. Vợ ông đang theo chương trình đào tạothạc sĩ trên mạng về tội phạm học. Họ nhận tem phiếu lương thực, được hỗ trợ về y tế từ chương trình trợ giúp phụ nữ và trẻ vị thành niên (WIC).
Nhiều người có bằng cấp cao ở nhiều bang khác nhau cũng sống bằng trợ cấp của chính phủ liên bang. Một số người đang phải vất vả trả lãi khoản vay nợ thời sinh viên và trang trải các khoản chi phí căn bản của cuộc sống. Một số khác còn phải nuôi sống gia đình và nuôi con cái ăn học với đồng lương thấp. Một số còn phải cố “giật gấu vá vai” bằng cách phục vụ bàn hoặc bán tạp phẩm bên cạnh sinh viên của mình.
Báo The Chronicle of Hisher Education cho biết, những người Mỹ không qua đại học nhiều khả năng nhận tem phiếu lương thực hơn những người tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, tỉ lệ những người có bằng đại học nhận tem phiếu lương thực hoặc loại trợ cấp khác đã tăng hơn gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến 2010. Cụ thể, số người có bằng thạc sĩ nhận tem phiếu và loại trợ cấp khác tăng từ 101.682 lên 293.029 người, trong khi số người có bằng tiến sĩ nhận trợ cấp tăng từ 9.776 lên 33.655 người.
Đối với những người có trình độ học vấn cao phải nhận trợ cấp, sự xấu hổ đã khiến họ che giấu. “Người ta không muốn hình ảnh và tên tuổi của mình được nêu lên liên quan đến vấn đề này” - cựu giáo sư Karen L. Kelsky nói. Bà điều hành quỹ trợ giúp các nghiên cứu sinh và tiến sĩ gặp khó khăn về tài chính, hầu hết là phụ nữ có con nhỏ. Bà kể: “Thời còn là giáo sư, tôi không hề có ý nghĩ một tiến sĩ sẽ có ngày phải đi nhận tem phiếu lương thực”.
Thanh niên Italy làm tại các nông trại để kiếm ăn
Trong bối cảnh thất nghiệp tràn lan do kinh tế khó khăn, ngày càng nhiều thanh niên Italy tình nguyện đến làm việc tại các nông trại để đổi lấy bữa ăn và chỗ ở hằng ngày, theo tin tức từ đài phát thanh PRI (Mỹ) hôm 24/9.
Tỉ lệ thất nghiệp tại Italy hiện đã vượt mức 10% và trong tổng số người không có việc làm, có đến 35 % là thanh niên dưới 25 tuổi.
Vì vậy, ngày càng có nhiều bạn trẻ Italy chuyển hướng về làm việc tại các trang trại ở nông thôn, nơi có thể đảm bảo bữa ăn hằng ngày, cũng như chỗ nương thân cho họ.
Tại một trang trại ở vùng Emilia-Romagna, phía bắc nước Italy, có 6 nhân công trẻ làm việc không lương.
Họ là tình nguyện viên thuộc tổ chức phi lợi nhuận Cơ hội toàn cầu tại nông trại (WWOOF).
“Ý tưởng của tổ chức là giúp những nông dân. Công việc chăn nuôi gia súc tại các trang trại rất nặng nhọc. Mà hầu hết các nông dân Italy không có nhiều tiền để thuê mướn nhân công. Vì thế ý tưởng dùng công sức để đổi lấy thức ăn và chỗ ở cho các tình nguyện viên ra đời”, bà Bridget Matthews, người điều hành WWOOF tại Italy giải thích.
Cơn khủng hoảng nợ công và tỉ lệ thất nghiệp tăng cao tại châu Âu hiện đang thúc đẩy đà tăng trưởng của WWOOF, vốn có chi nhánh tại hơn 50 quốc gia sau 40 năm thành lập.
Kể từ năm 2008, số lượng người tham gia WWOOF tại Italy đã tăng gần gấp đôi, từ 2.200 lên 4.300 tình nguyện viên.
Aaron Martin, 25 tuổi và mới tốt nghiệp cử nhân kinh tế hồi tháng 2, đến từ thành phố Florence, hiện đang làm việc tại một nông trại trồng rau bông cải vì không thể tìm được việc làm.
“Tấm bằng này hoàn toàn vô giá trị. Khi có bằng cử nhân thì nhà tuyển dụng lại yêu cầu bằng thạc sĩ và đòi hỏi bạn phải có năm năm kinh nghiệm”, anh Martin cho hay.
Khi được hỏi về tình trạng thất nghiệp tăng cao trong nước, Thứ trưởng Bộ Lao động Italy Michel Martone cảm thán: “Bạn không thể giải quyết một vấn đề đã tồn tại từ 40 năm nay chỉ trong 10 tháng”.
Chính quyền Thủ tướng Mario Monti đã tiến hành nhiều biện pháp mạnh nhằm cứu kinh tế Italy khỏi sụp đổ, bao gồm giảm thuế cho các doanh nghiệp chịu thuê lao động trẻ.
Ông Martone cho rằng chính phủ đang đi đúng hướng trong việc tìm giải pháp giải quyết vấn nạn trên.