Thu nhập chưa chắc tăng theo lương tối thiểu

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc tăng lương tối thiểu có thể không giúp người lao động tăng thu nhập, trong khi doanh nghiệp sẽ chịu gánh nặng về các khoản bảo hiểm.

Hội đồng Tiền lương Quốc gia vừa thông qua phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2015. Theo đó, mức lương đề xuất trình Chính phủ sẽ tăng 300.000-400.000 đồng, tương đương 15,1% so với hiện nay. Quyết định cuối cùng sẽ được Chính phủ đưa ra trong thời gian tới. Lãnh đạo Tổng Liên đoàn lao động cho biết chưa thỏa mãn với mức tăng như trên, và trong thời gian tới sẽ tiếp tục có kiến nghị Thủ tướng xem xét. 

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, chủ một số doanh nghiệp da giày, dệt may cho biết mức lương thực trả cho công nhân hiện nay đều cao hơn lương tối thiểu vùng, dao động 3-4 triệu đồng mỗi tháng. Bởi vì thực tế, nếu trả mức thấp hơn, các doanh nghiệp sẽ khó tìm được nhân công.

Rất nhiều đơn vị hiện đã trả lương cao hơn lương tối thiểu. Khi Chính phủ tăng con số này thì chỉ có các khoản đóng phí bảo hiểm sẽ tăng lên. Nếu trong điều kiện kinh doanh khó khăn, rất có thể nhiều doanh nghiệp giảm lương nhân viên để bù đắp chi phí và số tiền người lao động được mang về vẫn không tăng”, lãnh đạo một công ty dịch vụ thuế tại Hà Nội cho hay. 

Khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tại 60 doanh nghiệp với 1.500 lao động cũng cho thấy mức lương bình quân đang chi trả là 3,8 triệu đồng mỗi tháng. Trong đó, vùng I đạt mức xấp xỉ 4,4 triệu đồng, vùng IV đạt mức 3,4 triệu. So với kết quả khảo sát năm 2013 thì tiền lương bình quân các vùng tăng từ 2-7%. Ngoài tiền lương, gần 60% người lao động còn bổ sung thu nhập bằng tiền lương làm thêm giờ với mức bình quân nhận được 664.000 đồng mỗi tháng. 

Tổng liên đoàn nhận định mức tiền lương thực tế đa số người lao động đã nhận cao hơn đáng kể so với mức lương tối thiểu vùng mà Chính phủ quy định. Lý giải về điều này, ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động cho biết, tình trạng rất phổ biến là trong hợp đồng lao động doanh nghiệp thường ký bằng hoặc nhỉnh mức tối thiểu không đáng kể để làm cơ sở tính mức đóng bảo hiểm. Tuy nhiên, thu nhập của người lao động gồm cả các khoản phụ cấp, tiền làm thêm giờ... lại cao hơn. 

Một chuyên gia tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ mối lo người lao động có thể không được lợi khi lương tăng. "Doanh nghiệp có thể lách luật bằng cách cắt giảm các khoản lương mềm, làm ngoài giờ để đảm bảo tổng lương trả cho người lao động không bị ảnh hưởng. Lương tăng lên quá mạnh thì giá cả có thể tăng theo do hiệu ứng tâm lý. Vì thế, dù tăng lương tối thiểu thêm 400.000 đồng nhưng người lao động chưa chắc đã được lợi, thu nhập có thể không cao hơn”, vị này nói.

Cũng thừa nhận có thể việc tăng lương tối thiểu không giúp đa số lao động tăng thêm thu nhập (gồm lương, tiền làm thêm ngoài giờ...) nhưng ông Chính cho rằng mức điều chỉnh lương tối thiểu là việc làm cần thiết để bảo vệ quyền lợi của họ. 

Mức lương này chỉ dành cho những người chưa qua đào tạo, làm công việc đơn giản nhất. Do đó, việc tăng lương chắc chắn sẽ giúp những đối tượng này có thu nhập cao hơn và làm cơ sở để doanh nghiệp xem xét với lao động khác”, ông nói.

Do đó, ông Chính cho rằng việc tăng lương tối thiểu sẽ buộc đa số doanh nghiệp phải đóng góp nhiều hơn cho quỹ bảo hiể. "Điều này cũng là để đảm bảo cho cuộc sống sau này cho người lao động, chính sách hưu trí cũng rất quan trọng với một đất nước", ông cho hay.

Có cùng quan điểm, ông Phạm Huy Thông, Phó ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP HCM (Hepza) cho rằng việc nâng lương tối thiểu có ý nghĩa quan trọng nhất là tăng mức đóng góp vào quỹ bảo hiểm xã hội. 

Hiện có 1.100 doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý của Hepza. Mức lương thấp nhất hiện nay của các công ty này là khoảng 2,9-3 triệu đồng một người mỗi tháng, dành cho người chưa có kinh nghiệm. Do đó, theo ông Thông, kể cả khi tăng lên mức 3,1 triệu đồng thì khoản tiền người lao động được mang về có thể cũng không cao hơn bao nhiêu so với hiện nay.Trong khi, nếu tăng lương tối thiểu thì doanh nghiệp phải gánh thêm chi phí bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp và kinh phí công đoàn chiếm 24%, tức là ít nhất thêm khoảng 100.000 đồng mỗi tháng với một lao động thì khó mà đẩy được mức lương lên cao. 

Giám đốc một doanh nghiệp dệt may tại Hà Nội cho rằng chỉ nên tăng lương tối thiểu ở mức 10% để tạo động lực cho người lao động và hạn chế gánh nặng cho giới chủ. “Chúng tôi đang gặp rất nhiều khó khăn do thị trường bị thu hẹp, sức cạnh tranh lớn và nhiều khoản chi phí đầu vào bị ảnh hưởng. Khi tuyển công nhân, doanh nghiệp cũng phải mất chi phí đào tạo ban đầu. Đến khi họ làm được việc, chắc chắn mức lương sẽ được điều chỉnh", vị này nhấn mạnh. 

Vị này còn lo ngại, nếu mức tăng lương sốc quá có thể khiến nhà sản xuất phải cắt giảm nhân công, lại gia tăng tình trạng thất nghiệp.Tuy nhiên, ở góc độ cơ quan nhà nước, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng không nên lo lắng thất nghiệp tăng vì Chính phủ sẽ xem xét việc điều chỉnh lương sao cho phù hợp với mức độ tăng trưởng của nền kinh tế xã hội và cung - cầu trên thị trường lao động.

Với mức điều chỉnh như vậy, doanh nghiệp chắc chắn khó khăn hơn nhưng chưa đến mức phải cắt giảm nhân sự. Trong các yếu tố của quá trình sản xuất thì quan trọng nhất là nguồn nhân công. Muốn năng suất tăng, đời sống người lao động phải được đặt lên số một. Hơn nữa, mức độ tăng lương sẽ được công bố trước vài tháng để doanh nghiệp có thời gian tính toán, chuẩn bị”, ông Lợi nhận định. 

Về lo ngại lạm phát sẽ cao hơn khi tăng lương, ông Chính cho rằng không đáng lo. "Mấy năm trước chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, việc tăng lương cũng đáng ngại nhưng 2 năm gần đây, kiềm chế lạm phát được kiểm soát tốt hơn thì tôi nghĩ sẽ không ảnh hưởng nhiều", Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động cho hay. 

Do đó, theo Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ngoài tăng lương tối thiểu thì việc quan trọng hơn là đảm bảo tiền lương thực tế. "Nếu nâng mức lương trên danh nghĩa mà không kiềm chế được tốc độ lạm phát và đi đôi với duy trì mức tăng trưởng của nền kinh tế, đời sống của người lao động chắc chắn không được cải thiện", ông Lợi cho hay.