Thi THPT quốc gia: Không tổ chức thi ở những điểm tai tiếng

Hà Nội sẽ không tổ chức thi tại các địa điểm nhiều năm trước gặp tai tiếng về kỷ luật phòng thi. Một số nhà quản lý vẫn băn khoăn về vấn đề thí sinh ảo, tâm lý thí sinh…

Ông Ngô Văn Chất, Trưởng Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục - Sở GD&ĐT Hà Nội, cho biết, thành phố có 27 điểm thi dành cho 11.672  thí sinh. Số còn lại trong 12.463 thí sinh chỉ thi để tốt nghiệp sẽ thi tại các cụm thi do các trường ĐH tổ chức. Ông Chất khẳng định, Hà Nội sẽ không có điểm thi nào “nhạy cảm” vì sẽ không tổ chức thi tại các địa điểm từng mang tiếng lỏng lẻo kỷ luật phòng thi.

Băn khoăn

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, trường đã sắp xếp phòng thi trên hệ thống phần mềm, xuất toàn bộ phiếu dự thi có ảnh để phát cho thí sinh vào 30/6 (trước đó, in giấy báo gửi các Sở GD&ĐT để phát cho thí sinh), nhưng vẫn đang đợi hồ sơ tuyển sinh của khối quân đội, công an, vì hết ngày 10/6 mới ngừng nhận hồ sơ của khối này. 

Thí sinh và phụ huynh xem bảng điểm thi tốt nghiệp tại trường
THPT Việt - Đức (Hà Nội) năm 2014. Ảnh: Ngọc Châu

Một nhà tuyển sinh ĐH phản ánh, nhiều thí sinh được miễn thi vì tàn tật, đoạt giải… nhưng trên hệ thống vẫn còn danh sách; phần mềm phải loại các thí sinh này ra khỏi danh sách mới hết ảo. Về điều này, ông Điền cho biết, phần mềm tuyển sinh của ngành GD&ĐT ngày càng hoàn thiện, hoạt động tương đối tốt. Ông nói rằng, nếu phần xét tuyển cũng tốt như thế thì không có gì phải lo; ĐH Bách khoa cũng chuẩn bị một phần mềm dự phòng.

Một nhà quản lý thi phản ánh, dù kỳ thi quốc gia chưa diễn ra, một số trường ĐH đã công bố các thí sinh trúng tuyển kỳ thi đánh giá năng lực vào trường khiến phụ huynh, học sinh ở địa phương xa trung tâm không khỏi hoang mang. Nhà quản lý này đề nghị ngành GD&ĐT có quy định rõ ràng: tự chủ nhưng phải tuân thủ những quy định chung để tránh gây nhiễu thông tin trong thời điểm sắp diễn ra kỳ thi như hiện nay.

Nghiêm-không nghiêm, ảnh hưởng toàn hệ thống

Ông Lê Văn Quý, Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên, cho biết, năm nay Điện Biên chỉ tổ chức thi cho những học sinh chỉ tốt nghiệp, không xét tuyển vào ĐH, CĐ. Những thí sinh xét tuyển vào ĐH, CĐ của Điện Biên sẽ vượt khoảng 165 km sang tỉnh bạn Sơn La, để dự thi ở cụm thi do ĐH Tây Bắc tổ chức. Ông Quý nói rằng, kỳ thi có thực sự thành công hay không là do thi cử có nghiêm túc hay không. Theo ông Quý, trước kia thi không nghiêm túc chỉ ảnh hưởng một địa phương; nay làm không nghiêm là ảnh hưởng 
toàn quốc.

Để chuẩn bị cho thí sinh, Bộ GD&ĐT đã công bố đề thi tham khảo  và Sở GD&ĐT đã cho thí sinh thi thử và kết quả tương đối khả quan, ông nói.

Học sinh vùng sâu vùng xa lo lắng

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt- Đức Hà Nội, cho biết, nhà trường không tổ chức ôn tập nhưng ông biết, học sinh tự ôn tập ở nhà, một số đến trung tâm, hoặc nhóm ôn tập nhỏ do các giáo viên tổ chức. Một nhà quản lý giáo dục ở Hà Nội cho hay, nhìn chung, lúc đầu, học sinh lo lắng vì chưa mường tượng đề thi thế nào dù hầu hết các trường đã cho thi thử các đề thi có nguồn từ Bộ và Sở GD&ĐT. Sau khi thi thử, học trò có tâm lý thoải mái hơn. Đó là đối với học sinh ở trung tâm, do không quá khó tiếp cận đề thi thử hoặc có hướng dẫn. Nhà quản lý này cho rằng, học sinh vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn chắc chắn lo lắng nhiều hơn.