Thi quốc gia: Phải thay đổi ngay cách dạy và học

Liên quan kỳ thi quốc gia, nhiều chuyên gia cho rằng, một đề thi làm hai nhiệm vụ vừa tốt nghiệp THPT, vừa làm cơ sở tuyển sinh đại học là hoàn toàn có thể.

Một đề thi hai nhiệm vụ…

Theo PGS.TS Ngô Minh Oanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục (Đại học Sư phạm TPHCM) việc ra đề thi quốc gia có phần khác so với các đề thi trước đây là trong đề thi thường có câu phân hóa học sinh trung bình, khá và giỏi nhưng bây giờ, đề thi là để phân hóa học sinh tốt nghiệp THPT và học sinh đậu ĐH. 

Vì thế, ngoài việc đề thi đòi hỏi phải kiểm tra được kiến thức còn phải kiểm tra được năng lực, tư duy, phân tích, khả năng sáng tạo của học sinh. Từ đó, căn cứ vào số điểm của bài thi có thể phân loại được thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT hay đậu ĐH.

Tuy nhiên, một vấn đề khiến ông Oanh băn khoăn là sẽ có sự chênh lệch điểm bài thi giữa các thí sinh dự thi ở cụm thi do trường ĐH chủ trì và cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì bởi các trường ĐH với kinh nghiệm tuyển sinh trong nhiều năm có khả năng coi thi và chấm thi sẽ nghiêm túc, phương pháp chặt chẽ trong khi các sở GD&ĐT địa phương có thể vẫn theo hình thức thi tốt nghiệp THPT như những năm trước đây. Đồng thời, PGS Oanh cũng dự đoán tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm nay khả năng sẽ thấp hơn năm trước do các khâu coi thi, chấm thi chặt chẽ hơn.

Một giáo viên về hưu tại TPHCM (người từng nhiều năm tham gia ra đề thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, CĐ môn Văn) chia sẻ, thực sự đề thi đánh giá thí sinh ở bốn mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo phân hóa trình độ thí sinh là hoàn toàn có thể đáp ứng được và có thể nói là đã thực hiện ở một vài năm gần đây. 

Hướng dẫn chứ không làm thay

Nói về các phương án thi mà Bộ GD&ĐT đưa ra, ông Nguyễn Văn Vân- Nhà giáo ưu tú, Hiệu trưởng trường THPT Marie Curie TPHCM cho biết, các phương án này chỉ khác nhau ở phần ngọn, riêng phần gốc thì giống nhau, tức là phải thay đổi ngay cách dạy, phương pháp học… của cả thầy và trò. 

“Tuy nhiên, phương án 1 có thể xem là ít xáo trộn và gần với cách thi truyền thống nhất, trong khi hai phương án còn lại, cả giáo viên lẫn học sinh chưa kịp thay đổi được mà cần phải có thời gian, vì thế, chọn phương án 1 là hợp lý”, ông Vân nói.

Theo Hiệu trưởng trường THPT Marie Curie TPHCM Nguyễn Văn Vân, cách dạy truyền thống của ta là giáo viên dạy kiến thức, sau đó củng cố bằng cách dò bài hoặc kiểm tra… 

Còn dạy cho học sinh phù hợp với cách thi như hiện nay, giáo viên chỉ là người nói lên vấn đề, khuynh hướng để học sinh góp ý, giải quyết vấn đề đó và quan trọng là phải chỉ cho học sinh phương pháp làm bài như thế nào. “Vì thế, chủ trương của trường là hướng dẫn các em mở khóa chứ không mở giùm khóa cho các em như trước đây nữa”, ông Vân nói.