Chưa hết, người đàn bà này còn tự xưng có thể chữa bách bệnh và đoán trước tương lai. Đối tượng Bùi Thị Hưởng (SN 1976, ngụ thôn Bắc Cường, thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) bịp bợm như vậy mà mỗi ngày vẫn có đến hàng trăm con bệnh đến lạy “thánh mẫu” để được chữa trị.
Bà bán rau giả điên trước khi tự xưng “thánh mẫu”
Đóng vai những người hiếm muộn, chúng tôi tìm đến nhà bà Hưởng để ghi nhận thủ đoạn bịp bợm của đối tượng này. Bước đến cổng, đập vào mắt khách là cảnh tượng các loại rau củ quả được phơi la liệt trước sân, bên cạnh những chiếc nồi khổng lồ đang đun nấu nghi ngút khói. Bên trong gian nhà, vài chục người đang chen chúc ngồi nhưng tuyệt nhiên im lặng, không một tiếng động, chỉ duy một người phụ nữ trạc 40 tuổi là đang ngồi gật gù, nửa hát, nửa đọc thơ. Trước khi bước đến thỉnh cầu và lấy phiếu chữa bệnh, chúng tôi được dặn dò phải gọi người phụ nữ đó bằng “mẫu” và xưng “con”. Trong đám khách, từ đứa trẻ ba tuổi đến cụ già 80, tất cả mọi người đều phải xưng hô như vậy.
Theo những hàng xóm, trước đây Hưởng làm nghề buôn bán rau, củ, quả, chồng là anh Nguyễn Văn Dư (SN 1974) hành nghề cắt tóc. Vợ chồng sinh được hai người con, một (SN 1992) đã đi làm, một (SN 1997) đang là học sinh lớp 11. Cả hai bên gia đình nội ngoại không hề có ai theo ngành y, ngay bản thân Hưởng cũng chưa bao giờ được đào tạo qua lớp y học nào. Một hôm tự nhiên Hưởng không bán rau nữa, đem hết hàng về phơi lên rồi sao đi sao lại trong ba ngày, ba đêm, sau đó cho vào nồi ninh thành nước uống. Kể từ hôm đó, thỉnh thoảng mọi người cứ thấy Hưởng vừa múa, vừa hát lại vừa đọc thơ giữa chợ. Được đưa vào bệnh viện tâm thần Phú Thọ khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán thần kinh Hưởng bình thường nên cho về. Cứ kéo dài như vậy đến gần một tháng, rồi một ngày Hưởng nghỉ chợ hẳn, ở nhà chữa bệnh.
Hưởng trở thành “thánh mẫu” được những người u mê tôn sùng từ đầu tháng 4 âm lịch. Từ đó đến nay đã gần nửa tháng, nhà Hưởng không lúc nào vắng người. Các con bệnh tìm đến đây đông đến mức phải lấy phiếu khám rồi hẹn lịch. Có người phải đợi đến ba bốn ngày mới được “mẫu” khám chữa.
“Mẫu” bịa chuyện có thể chữa tất cả các loại bệnh, từ câm, điếc, khèo chân tay đến đau đầu, đau bụng, vô sinh… Hưởng chỉ nghe người bệnh kể về tình trạng bệnh tật của mình rồi dùng tay đấm vào chỗ đau thật mạnh. Hưởng vừa đấm, vừa đọc thơ, nhưng nghe kĩ ra sẽ thấy thơ của Hưởng không vần, không nhịp, chẳng câu nào liên quan với câu nào.
Cuối cùng Hưởng sẽ “kê đơn thuốc” cho bệnh nhân đem về uống. Tất cả các loại bệnh đều được dùng chung một loại thuốc là thứ nước được ninh từ hỗn hợp các loại rau, củ, quả đã được phơi khô, trộn lẫn với muối, ớt, gừng, tỏi. Thuốc có màu đen ngòm vừa đắng vừa cay, vừa mặn. Nghe người bệnh than thở, Hưởng cười nhạt: “Thuốc đắng giã tật”.
Những người đến đây chữa bệnh tùy tâm dâng “lễ” (tiền) lên mẫu. Có người 50 - 100, có người 10 - 20 nghìn đồng. Giá “thuốc” thì cắt cổ, Hưởng bán với giá 100 nghìn đồng/ 3 chai loại nửa lít.
Hưởng còn tự xưng không chỉ có “tài chữa bệnh thần kì” mà còn có thể đoán trước tương lai người bệnh.
Tự cho mình là người được “thánh nhập” để chữa bệnh (ảnh minh họa)
“Chữa bệnh” quái đản
Tận mắt chứng kiến cảnh Hưởng “chữa bệnh” cho người già, con trẻ, mới thấy hết tính chất bịp bợm của đối tượng này; cũng như nhận thấy quả là còn rất nhiều người u mê, mê tín dị đoan.
Cách “chữa bệnh” của Hưởng là đấm thật mạnh vào chỗ đau của người bệnh, bất chấp đó là những “điểm tử” như đầu, cổ, mạng mỡ… Một cụ già khoảng 80 tuổi ngồi chờ ở đây từ sáng, cuối cùng đến gần trưa cũng được Hưởng gọi đến. Cụ bị đau các khớp xương, chân tay (căn bệnh thường gặp của người cao tuổi). Trước khi đến đây, cụ đã từng đi khám và uống thuốc của các bệnh viện lớn nhưng bệnh chỉ thuyên giảm được một thời gian rồi tái phát. Nghe tin ở đây có người “chữa bệnh thần kỳ”, cụ một mình lặn lội đến xin được chữa bệnh.
Sau một hồi kể lể về tình trạng bệnh tật của mình, cụ được Hưởng phán là “có hồn ma nhập trong người, cần phải đánh cho con ma ra khỏi người”. Nói là làm, Hưởng vừa đọc thơ vừa giơ tay đấm không thương tiếc lên đầu cụ, sau đó chuyển xuống chân tay. Khoảng 15 phút sau, Hưởng bán cho cụ 3 chai thuốc và dặn dò “chỉ được uống thuốc này chứ không được phép uống thêm bất cứ vị thuốc tây nào khác nữa nhé”.
Tiếp đến là một đứa trẻ khoảng chừng hai tuổi bị câm bẩm sinh. Em bé ngước đôi mắt ngây thơ lên nhìn “mẫu” nghe ngóng. Vừa nghe người mẹ kể tình trạng bệnh xong, Hưởng lập tức giơ tay bóp vào cổ bé, sau đó tát mạnh vào hai bên má làm đứa bé khóc thét lên. Chứng kiến cảnh đó, những người xung quanh không khỏi xót xa, nhưng vẫn cúi đầu nín lặng.
Đến tìm hiểu tại nhà Hưởng, câu chuyện chúng tôi được nghe nhiều nhất là một đứa bé hai tuổi được chữa cho khỏi bệnh câm, dù trước đó gia đình đã chạy chữa ở khắp các bệnh viện lớn nhỏ mà không khỏi. Xa lộ Pháp luật đã tìm về tận gia đình nêu trên để xác minh, và thấy rằng sự thật không như lời đồn thổi.
Đứa bé được nhắc trong câu chuyện là bé Lê Văn Tú (2 tuổi, ngụ xã Tân Tiến, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc). Mẹ của bé là chị Trần Thị Lâm (SN 1992) kể lại: “Cháu nhà tôi đã được hai tuổi mà vẫn chỉ nói bập bõm được vài từ. Gia đình lo lắng nên đã cho cháu đi khám ở nhiều bệnh viện, nhưng tất cả các bác sĩ đều chẩn đoán thanh quản của cháu không có vấn đề gì, chờ một thời gian cháu sẽ bình thưởng. Rồi một hôm, bà nội cháu đi chợ, nghe tin ở xã bên có người chữa bệnh rất hay nên vợ chồng tôi cho cháu ra đó chữa thử. Sau khi hỏi han tình hình bệnh tật, cô ấy lấy tay bóp cổ cháu, rồi tát mạnh vào hai bên mang tai khiến cháu khóc thét lên gọi mẹ ơi. Thế là người ta bịa chuyện con nhà tôi được chữa khỏi. Nhưng thực ra trước đó cháu cũng đã gọi được một số từ như vậy rồi”.
Tìm gặp ông Vũ Văn Cường, trưởng thôn Bắc Cường, được biết, ngay khi Hưởng bắt đầu có những hành vi vi phạm pháp luật, xã đã cử công an và một bác sĩ đến kiểm tra. Tuy nhiên do không phát hiện thấy trong nhà có “điện”, phủ (dấu hiệu của mê tín dị đoan); “thuốc” do Hưởng chế ra là rau củ quả chưa gây ảnh hưởng đến sức khỏe của ai, nên chưa có cơ sở xử lý. Đại diện chính quyền địa phương cho biết: “Chúng tôi vẫn theo dõi sát sao hoạt động tại nhà bà Hưởng, trước mắt tuyên truyền người dân không nên tin vào những trò mê tín dị đoan, những kiểu “chữa bệnh” kì quái kẻo tiền mất tật mang”.