Tết mà không ăn thì uổng lắm!

Nếu bên Ẩm Thực đua nhau trình bày món ăn, mới nhìn đã phát thèm, thì bên Sức Khỏe nói ngược vì không ngừng tập trung vào chuyện kiêng cử sao cho đừng bệnh!

Tất nhiên hễ bài viết về món ăn thì phải tả cho ngon, tả sao cứ như nghe cả mùi thơm trên trang báo, phải chụp ảnh sao cho thấy béo, thấy ngọt dù chỉ ăn được bằng mắt. Mặt khác, đã viết bài về chuyện bệnh hoạn đương nhiên phải cấm món này, tránh món nọ, nếu không còn biết viết gì về sức khỏe.

Bằng chứng là trên toa thuốc thường khi chỉ thấy lời dặn phải tránh món nào, mấy khi gặp được thầy thuốc khuyên nên ăn thêm món chi cho mau khỏe. Khổ hơn nữa cho người bệnh là nhiều khi đọc hết lá sớ của thầy thuốc quả thật không còn biết nên ăn gì để… sống!

Thực trạng này lại càng căng thẳng trong mùa lên khung báo Xuân. Trong khi món ngon đầy đường thì nhiều báo lại yêu cầu thầy thuốc viết bài chỉ cách ăn uống tiết độ sao cho đừng ngã bệnh.

Hậu quả là báo Xuân ngoài bìa đang hình trăm hoa đua sắc nhưng với trang sức khỏe bên trong thì tác giả vẫn “khó tính” như trước đó quanh năm. Có người thậm chí bỏ công tính ra calo chính xác cho ba ngày Tết trong khi người người ai nấy đều bận rộn với chuyện cúng ông bà, thăm người thân, đón khách quý... Biết là “làm báo nói láo ăn tiền” nhưng viết báo Xuân để chỉ cách đừng ăn Tết thì đúng là trái tai làm sao!

Trên thực tế, lời khuyên kiêng cử trong dịp Xuân về thường đúng về mặt lý thuyết. Lý do là vì không mấy ai ăn quá no trong ba ngày Tết, vì không mấy người có dịp ngồi vào bàn cơm cho đúng ba bữa. Trái lại thường chỉ là ăn vặt, nhà này ít miếng, nhà kia vài thìa. Đã vậy còn phải chạy “show” đáp lễ không thua ca sĩ siêu sao nên vô miếng nào tiêu miếng nấy.

Người chưa bệnh vì thế cứ yên tâm thưởng thức món ngon, bỏ chi cho uổng, miễn là đừng quên ăn Tết cũng như làm kinh tế, hễ có đầu vào phải lo ngay đầu ra, đừng để cung quá nhiều khi không có cách kích cầu.

Trà nhuận gan, lợi tiểu, nhuận trường vì thế cũng nên có trong nhà để tiếp hơi cho lá gan, trái thận, khung ruột … phải gồng gánh chuyện giải độc cho cơ thể. Với người đã bệnh, như tiểu đường, cao huyết áp ... thì mối nguy thường không vì món ăn, mà do quên uống thuốc! Và nhất là quên uống nước trong khi cơ thể trong mấy ngày hội hè rất dễ thất thoát nước… bọt! Vậy, nhớ uống thuốc, thậm chí tăng “đô” chút xíu sau khi hội ý với thầy thuốc, rồi yên tâm thưởng thức món ăn ngày Tết với con cháu, bạn bè.

Thêm vào đó, muốn món ăn ngon đừng trở thành món “độc” vì “phản ứng phụ” của bánh mứt, thịt mỡ dưa hành thì đừng quên tận dụng chiêu thức hóa giải có sẵn. Đó là niềm vui, nỗi lạc quan khi ngồi vào bàn cùng tri kỷ.

Món ngon đầy bàn mà vừa ăn vừa rầu vì nghe toàn tin bi quan về tiên lượng của nền kinh tế toàn cầu với khuynh hướng suy thoái thì có nhịn ăn đến đói meo cũng bệnh. Chi bằng cứ bình thản nhấm nháp ít miếng bánh chưng trong bầu không khí nồng ấm của gia đình tề tựu.

Đừng quên chỉ cần một chút nội tiết tố endorphine trong đêm giao thừa đã đủ để cơ thể biến chất đường từ mứt bí, chất béo từ thịt kho nước dừa mà không cần nghe lời khuyên trái tai các chuyên gia cấm ăn ngày Tết.

Ông bà ắt hẳn đã có lý do khi chêm vào tiếng Việt hai tiếng “ăn Tết” hay vô cùng. Đâu có ai khuyên uống Tết bao giờ. Thôi thì đừng quá chén để rồi có cớ nghỉ Tết đến rằm tháng giêng! Tết đến mà không được ăn cho ngon, ăn cho vui còn chi là Tết. Nên chọn ít miếng cho ngon để ăn cái Tết đích đáng ý nghĩa mừng Xuân.

Trong số mùa Xuân này, chắc chắn đã có nhiều lời chúc công thành danh toại, an khang khang thịnh vượng, vạn sự như ý ... Bước vào năm Quý Tỵ cầm tinh con rắn lại là biểu tượng của ngành y, nghĩ đi nghĩ lại không biết nói gì hơn là xin thân chúc độc giả có 365 ngày nào cũng như mùa Xuân vừa đến, và nhất là nếu có kiêng cử chỉ cần kiêng cho được một món. Đó là ít phải gặp … thầy thuốc. Nói vậy thôi chứ có qua có lại mới toại lòng nhau, thỉnh thoãng cũng nên đau yếu chút đỉnh để thầy thuốc cũng có mùa Xuân.

Xuân ơi, còn đợi gì nữa mà không vào nhà!