Tennis & chuyện bán độ: Phong trào ở Việt Nam cũng có "mùi" (P4)

Trong làng quần vợt thế giới có nhiều vụ liên quan đến “bán độ” và ở Việt Nam nói chung cũng như TP.HCM nói riêng, việc bán độ, làm độ tại các giải quần vợt phong trào cũng xảy ra không ít.

Đóng kịch…

Trong một trận chung kết giải phong trào diễn ra ở Bình Tân, “gà” T. được cáp đứng “bao” cho một “đại gia” khu vực này đã “buông” cho một “đại gia” khác bởi nhiều lý do. Trước trận đấu “gà” này đã nhắn tin cho “đại gia” kia với nội dung: “Đánh thoải mái đi anh, anh vô địch rồi” bởi “gà” T. chơi chung và muốn “đại gia” này vô địch hơn là “đại gia” đứng chung với mình. Bên cạnh đó, một tay cá độ bên ngoài nói nhỏ với “gà” T. này: “Em thua 6-3 nha, sẽ có “cỏ” (tiền). Bước vào trận đấu thì “gà” này vẫn thi đấu một cách nhiệt tình hứa hẹn một trận chung kết hấp dẫn. Khi tỷ số đang là 2-2 thì “gà” T. tuy không đánh bóng hỏng, nhưng cũng không còn những pha bóng dứt điểm sở trường nữa, thay vào đó là ít di chuyển lấy bóng như chuyện thường thấy của các “gà bao” và thường đưa bóng vào tay cho “gà” đối phương dứt điểm. Và trận đấu kết thúc với tỷ số đúng như tay cá độ đã mua là 6-3. Trong khi đó “đại gia” đứng chung với “gà” T. vẫn không biết là mình bị “bán” nên xin lỗi “gà” T.: “Anh đánh hư nhiều quá.” Sau giải đó “gà” T. nhận được khá nhiều tiền từ giải thưởng hạng nhì, tiền lót tay từ “đại gia” đứng chung, tiền từ “đại gia” bên kia và tiền do tay cá độ bên ngoài đã hứa.

Tennis phong trào đầy rẫy những câu chuyện bán độ (Ảnh minh họa)

Bán cả “bầu” và “sếp”

Trường hợp vì tiền mà bán luôn cả ông “bầu” hay “sếp” của mình của các “gà” cũng được diễn ra liên tục. Trước đây tại một giải từ thiện diễn ra tại CLB quần vợt Metro Bình Phú (Q6), “gà” H. đã buông cho một “đại gia” ngành nhựa không được kín đáo cho lắm. Vì vậy, khi tỷ số đang là 0-3 thì “bầu” K., một chủ sân ở Tân Phú, người cũng quá rành những chuyện bán độ, đã lớn tiếng la mắng “gà” H. rồi bỏ cuộc luôn. Sau giải này thì “gà” H. không còn được nhặt bóng và dạy banh tại sân của “bầu” K. nữa. Trong khi đó, tại giải của một ngành được tổ chức tại Quận 11, cũng trong một trận chung kết, “gà” Tr. Bao “sếp” của cơ quan anh này vì tình cảm với bên đối phương và lời hứa tặng giải nhất cũng đã “buông” trận này. Tuy nhiên, do các “sếp” không biết nhiều về chuyện “bán độ”, cùng với việc “gà” này thi đấu kín đáo hơn cho nên không có sự nghi ngờ từ các “sếp”… Thường các “gà” bán độ thực hiện những chiêu kín đáo như là đưa bóng vào tay đối phương, không ép người yếu mà chỉ đánh người mạnh hơn hoặc tự đánh hỏng nếu bên kia yếu quá. “Gà” T. có lần kể : “Tại giải giành do Doanh nhân được tổ chức tại Khách sạn Đệ Nhất 2011, trong trận bán kết em buông cho anh V., nhưng đưa bóng vào tay mà anh V. không dứt điểm được , nên em toàn tự đánh hư hoặc giao bóng hỏng luôn cho nhanh.”

Đồng tiền có thể xoay vần kết quả trận đấu

 “Cò” bán độ… 
 

Đã có bán độ thì sẽ có “cò”. Tuy không có nhiều đất hoạt động cho các “cò” trong các giải quần vợt phong trào, nhưng các “đại gia” vẫn có thể cần họ trong những thời điểm quan trọng. Như “đại gia” B. luôn được “cò” L. tư vấn và thương lượng với các đối thủ xem trận nào nên mua và trận nào không cần mua. Hầu hết các giải được tổ chức tại khu vực Tân Phú mà có mặt “đại gia” này tham dự thì người ta đều thấy bóng dáng của “cò”. Tại giải được tổ chức vào đầu năm 2012, “đại gia” này nằm trong bảng khá xương. Sau khi để thua trận đầu tiên bắt buộc phải thắng hai trận đấu còn lại. Vì vậy, ở trận thứ hai của bảng, “cò” L. đã làm việc và ra giá 4 triệu cho trận đấu này. Tất nhiên hai “gà” của đối phương chấp nhận và ra về với mỗi người cầm 2 triệu. Tiếp tục tại vòng tứ kết, gặp phải một cặp khá mạnh là P. và Đ., “cò” L. điện thoại cho P. và nói: “Trận này anh lấy 8 chai (triệu) nha.” Với những gà có tiếng như vậy thì cái giá bằng với giải nhất của giải thì họ không cần phải suy nghĩ để trả lời “ok”. Bởi cho dù có thi đấu hết mình thì chưa chắc họ đoạt giải nhất. Vào đến trận bán kết thì “đại gia” B. lại gặp một cặp có TH.gv, “cò” L. nói: “Trận này em không làm vì em không thích thằng Th.gv, nếu em muốn làm thì cũng được thôi.”

Hiện nay, không chỉ các “gà” mới có thể làm độ, sắp xếp các trận đấu mà các “đại gia” dần dần cũng làm những chuyện này. Họ sắn sàng dàn xếp tỷ số trong bảng theo hướng tốt nhất cho họ. Nếu bạn nằm chung bảng với hai “đại gia” quen biết thì bạn phải thi đấu thật tốt nếu không muốn bị loại từ đầu…