Tăng giá vé, xe buýt có làm khách hài lòng?

Liên ngành giao thông và tài chính vừa trình lãnh đạo thành phố Hà Nội đề án tăng giá vé xe buýt. Tuy nhiên, điều làm nhiều người quan tâm là sau khi được phép tăng giá vé, xe buýt liệu có khắc phục được những khiếm khuyết hiện nay để làm khách hài lòng.

Tăng giá vé là cần thiết

Tại cuộc họp với lãnh đạo UBND Hà Nội mới đây, cho rằng giá vé xe buýt hiện nay được áp dụng từ năm 2005 nên cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, đồng thời nâng cao chất lượng và giảm phần trợ giá, đại diện Sở Giao thông vận tải và Sở Tài chính đã kiến nghị lãnh đạo thành phố này cho phép tăng giá vé xe buýt.

Theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, giá vé xe buýt dự tính sẽ được điều chỉnh từ 5.000-7.000 đồng tùy từng cự ly. Đối với vé tháng, mức vé cho học sinh, sinh viên tăng lên 45.000 đồng, những người khác là 90.000 đồng. Mức vé liên tuyến với học sinh, sinh viên là 90.000 đồng, những người khác là 145.000 đồng.

Hiện giá vé xe buýt được áp dụng tại Hà Nội là 3.000 đồng đối với tuyến dưới 25 km, 4.000 đồng với các tuyến 25-30 km và 5.000 đồng với các tuyến dài hơn 30 km. Mức vé tháng một tuyến dành cho học sinh, sinh viên là 25.000 đồng, liên tuyến là 50.000 đồng, những người khác lần lượt là 50.000 đồng và 80.000 đồng.

Theo kết quả khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trong hơn 5.000 người dân được hỏi có tới một nửa số người đồng tình với phương án tăng giá vé, tuy nhiên bên cạnh đó phải tăng chất lượng dịch vụ. Mức tăng 2.000 đồng được đông đảo người dân chấp thuận.

Khách chạy nháo nhào khi xe buýt về bến. (Ảnh: Ngọc Lân)

Theo công bố của JICA tại dự án Trahud2, khoảng 60% người được điều tra cho rằng nếu tăng giá vé thì phải tăng tốc độ xe buýt và tăng xe mới, 40% người dân yêu cầu mở rộng mạng lưới và cung cấp thông tin về xe buýt. Kết quả điều tra cũng cho thấy, 44% người dân đồng ý tăng giá vé từ 1.000 đến 2.500 đồng, trong đó phần lớn chấp thuận tăng ở mức 2.000 đồng.

Khảo sát của đơn vị này cũng ghi nhận tới 20% người đi xe phàn nàn về xe buýt quá tải, 11% không hài lòng thái độ của lái phụ xe và an ninh trên xe buýt, 10% chê tốc độ xe chạy.

Khách đi xe buýt sẽ hài lòng sau khi giá xe buýt tăng?!

Có thể thấy rằng, những năm qua, nhờ được nhà nước trợ giá nhiều nên giá vé xe buýt ở nước ta đang thấp hơn các nước trong khu vực. Việc tăng giá vé lên 5.000 – 7.000 đồng trong thời điểm hiện tại cũng là hợp lý để bớt phần trợ giá và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xe buýt có nguồn vốn tái đầu tư, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và phục vụ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hàng loạt những yếu kém hiện nay của ngành xe buýt như bỏ bến, cảnh chen lấn trên xe buýt, thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt liệu có được cải thiện sau khi giá vé tăng?

Hiện nay, điều làm nhiều người không hài lòng nhất mỗi khi sử dụng phương tiện vận tải công cộng duy nhất của Thủ đô này là thường xuyên bị bỏ bến vào các giờ cao điểm. Hiện nay, vào các khung giờ cao điểm như đầu giờ sáng, trưa, chiều khi học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng tan trường ùa ra các bến xe buýt để bắt xe về nhà thì cảnh chen lấn xảy ra thường xuyên.

Để trở về nhà, nhiều người phải đứng chờ hàng tiếng mới chen được lên xe buýt. Số người đi xe buýt vào các khung giờ cao điểm đông nên các tuyến buýt chỉ mở cửa được một, hai bến đầu đã chật ních người, các bến sau hầu như không đón thêm được khách nên dẫn đến cảnh bỏ bến và khách đi xe ở các bến sau cứ phải dài cổ chờ xe.

Cũng chính vì tình trạng quá tải nên xe buýt thường phải "nhồi" rất nhiều khách trong giờ cao điểm. Theo quy định, mỗi chuyến buýt chỉ chở từ 50-70 khách nhưng vào các khung giờ cao điểm, hầu hết xe buýt đều “nhồi” tới 100 khách. Cảnh chen lấn trên xe buýt cực nhọc đến nỗi nhiều người khi đã lên được xe rồi đưa được tay lên ngực rồi muốn cho tay xuống gãi ngứa cũng không thể. Cũng từ đây nạn trộm cắp trên xe buýt, bến xe buýt được dịp lộng hành gây bức bối cho hành khách.

Còn nữa, hiện nay thái độ phục vụ của các nhân viên lái phụ, xe buýt cũng khiến khách đi xe hết sức bức xúc. Hình ảnh phụ xe bất lịch sự, coi thường khách, không cho khách đi xe buýt vì không có tiền lẻ, tranh ghế ngối với khách… diễn ra như cơm bữa. Thậm chí, nhiều lái phụ xe buýt còn “cửa quyền” đến nỗi bắt hành khách quỳ xuống xin lỗi trước mặt hàng chục người khách vì đi nhầm xe…

Tự đánh giá về hoạt động của xe buýt, Tổng Công ty vận tải Hà Nội cho biết, chất lượng dịch vụ xe buýt đã được cải thiện hơn, tuy nhiên do mạng lưới giao thông Thủ đô quá tải cho nên thời gian chuyến đi bị kéo dài, chất lượng dịch vụ bị ảnh hưởng nhất là trong giờ cao điểm.

Theo đơn vị này, thời gian chuyến đi của hành khách năm 2011 tăng trên 40% so với năm 2005 do tốc độ lưu thông của xe giảm và thời gian chờ đợi kéo dài. Do ùn tắc nhất là trong các giờ cao điểm, trên các trục hành lang chính, xe buýt thường xuyên bị muộn giờ từ 10-15 phút, thậm chí có những lượt xe bị muộn tới 30 phút. Mặt khác do tần suất phục vụ của nhiều tuyến giờ cao điểm còn thấp nên khách thường phải chờ đợi lâu. Giờ cao điểm khách tăng đột biến gấp 1,5-2 lần sức chứa của xe.

Hơn nữa, do khả năng tiếp cận của xe buýt còn kém: Theo điều tra khảo sát 38% khách đi xe buýt hiện nay phải đi bộ trên 500 m để đến điểm dừng xe buýt. Thậm chí một số khu vực trong nội thành vẫn trắng xe buýt, nhất là các khu dân cư nằm sâu, ngõ hẹp như: Ngõ chợ Văn Chương, Nguyễn Ngọc Nại,… Một số vùng xa trung tâm thành phố (sau mở rộng) còn chưa có xe buýt... nên việc phục vụ của phương tiện công cộng này với khách hàng cũng chưa được như kỳ vọng.

Hy vọng rằng, nếu đề án tăng giá vé xe buýt được lãnh đạo thành phố Hà Nội phê duyệt, các đơn vị xe buýt của Thủ đô sẽ cải thiện được hình ảnh, nâng cao chất lượng phục vụ... để đáp ứng được mong mỏi của những người thường xuyên phải sử dụng phương tiện này.