Tại sao ở Hà Nội nhiều ngõ nhỏ, thậm chí đi xe máy phải khoét tường mới vào được?

Ngày càng có nhiều con ngõ nhỏ xuất hiện ở các quận nội thành và thậm chí là ngoại thành Hà Nội. Tại sao lại như vậy?

Trên mạng xã hội mới đây lan truyền những hình ảnh được ghi lại tại một số ngõ nhỏ ở Hà Nội. Theo nguồn tin này chia sẻ thì: "Nhà 5 tỷ ở Bạch Mai, phải khoét tường mới vào được xe máy. Căn nhà đang gây sốt với mức giá vô cùng phải chăng chỉ 5 tỷ 2 cho diện tích đất lên đến 40m2 giữa trung tâm quận Hai Bà Trưng, đi bộ cũng có thể ra hồ Hoàn Kiếm.

Tuy lối vào hơi hẹp nhưng đã được các hộ dân cải tạo bằng cách khoét lõm tường để xe máy chui lọt (trong điều kiện không có gương). Được biết rất nhiều người đang đến hỏi mua, mọi người nhanh chân thì còn mà chậm chân thì vẫn ở đấy...". Hình ảnh này gây bàn tán xôn xao trên diễn đàn mạng.

Tại sao Hà Nội nhiều ngõ nhỏ?

Đây không phải là hình ảnh hiếm ở Hà Nội. Có những con ngõ nhỏ đến nỗi chỉ vừa một người đi lọt, vừa đi vừa luồn lách, vừa lom khom. Không chỉ vậy, những lối đi này còn sâu hun hút, chật chội và thiếu sáng.

Vậy tại sao Hà Nội lại có nhiều con ngõ nhỏ như thế? Nguyên nhân chính được các chuyên gia đưa gia là do dân số tăng nhanh và không đủ nguồn lực để quy hoạch, giải tỏa dân cư mở rộng đường.

Dân số tăng nhanh

Trước đây, những con ngõ nhỏ sâu hun hút chỉ tập trung ở 4 quận trung tâm Hà Nội là Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa và Hai Bà Trưng. Nhưng khoảng 20-30 năm trở lại đây, tình trạng này đã xuất hiện ở nhiều quận khác và cả huyện ven đô như Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm,... Nguyên nhân chính là do dân số tăng nhanh, trong đó có nhiều lao động đổ xô về Hà Nội để kiếm sống hay học tập.

Từ xa xưa, khi Hà Nội vẫn còn chưa phát triển như bây giờ, nhà dân thưa thớt, hầu như nhà nào cũng có vườn, một số có ao nên không gian thoáng đãng, đường xá vẫn rộng mở.

Nhưng do đô thị hóa, các ngôi làng biến thành phố phường, dân đông gấp cả chục lần. Cư dân nhường đất cho các dự án đô thị, chuyển sang làm nghề phi nông nghiệp.

Một yếu tố khác là đất trong làng được chia nhỏ cho con cái và bán cho người nơi khác đến, nhiều người xây nhà cho thuê. Các ngôi nhà vì thế nhỏ dần (thấp nhất là 30 m2 theo quy định của thành phố) và cao dần để tăng diện tích sử dụng. Đường sá trong làng vốn đã nhỏ, nay thêm chật chội do mật độ phương tiện lớn, xuất hiện các ngõ chỉ rộng 1-1,5 m, quanh co, gấp khúc do người dân tự tạo. Đất chật người đông, nhiều người còn chiếm dụng ngõ phố, lấn khoảng không làm nhà.

Chưa có quy định chiều rộng ngõ

Một lý do khác là bởi đất ở của người dân đã được cấp sổ đỏ, sinh sống ổn định nên thành phố không thể phá dỡ để làm đường ngõ to mà chỉ yêu cầu xây dựng nhà có khoảng lùi, không được lấn chiếm lối đi chung.

Hiện tiêu chuẩn quốc gia về đường đô thị không đề cập chiều rộng ngõ phố. Theo Bộ Xây dựng, việc này do địa phương xây dựng theo quy chế kiến trúc của từng nơi. TP Hà Nội đến nay chưa ban hành quy định chiều rộng cho ngõ phố mà chỉ đề cập việc tách thửa đất phải đảm bảo độ rộng cho ngõ mới hình thành.

Dù ngõ nhỏ chật chội nhưng nhiều người vẫn bám trụ

Có quan điểm cho rằng: "Giàu nhà quê không bằng ngồi lê Hà Nội", bởi thế từ xưa dù chật, dù bẩn người ta vẫn thích sống ở trong những con ngõ nhỏ như vậy. Đặc biệt, ở phố cổ những ngôi nhà, con ngõ sâu, chật hẹp cứ xuất hiện xen kẽ....

Người sống ở đây ngoài gần những tiện ích, sinh hoạt như trường học, tuyến phố chính... còn là khu vực dễ kiếm tiền. Vì thế, nhiều người vẫn thích sống ở những con ngõ này dù nó chật chội và có phần bẩn thỉu.

Nhưng chính việc kiếm tiền dễ, tiêu tiền nhanh, nhịp sống sầm uất, gấp gáp tại đây khiến cho những ai đã quen thì không muốn chuyển đi chỗ khác.