Sữa bột đóng hộp được xúc bằng... xẻng

Ông Trịnh Quý Phổ - Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, nhiều nhà máy sữa công nhân vẫn dùng xẻng để xúc sữa đóng hộp, gây nguy cơ mất VSATTP.

Tại Hội thảo “Sản xuất thực phẩm an toàn trong xây dựng và Phát triển thương hiệu bền vững” do Bộ Công thương tổ chức ngày 11/6, ông Trịnh Quý Phổ - Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam cho biết, để đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, nhiều Nhà máy sữa đã đầu tư công nghệ và trang thiết bị tiên tiến, hiện đại cũng như nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu.

Tuy nhiên, qua quá trình tham quan hoạt động của các nhà máy, ông Phổ phát hiện vẫn còn những đơn vị phớt lờ quy định này. Điển hình, một số nhà máy sữa không đầu tư dây chuyền chế biến khép kín, cho công nhân dùng xẻng để xúc sữa, đóng hộp, gây nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm cao.

Ông Phổ cũng cho hay, hiện nhiều Công ty sữa muốn đăng ký trở thành Hội viên của Hiệp hội song Hội mới chỉ tiếp nhận 8 đơn vị đảm bảo được những quy chuẩn đề ra.

Còn theo ông Bùi Trường Thắng, phó vụ trưởng vụ Công nghiệp nhẹ (bộ Công thương), do nguyên liệu có nhiều loại phải nhập khẩu kể cả các nguyên liệu chính, nên chất lượng nguyên liệu chưa được kiểm soát và quản lý chặt chẽ ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm.

“Không ít doanh nghiệp làm ăn chộp giật công bố chất lượng sản phẩm trên bao bì thì tốt nhưng thực tế lại kém” - ông Thắng nói.

Đầu tư cho công nghệ để đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng là một điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt.

Theo ông Thắng, công nghệ giữ vai trò tương đối quyết định với việc đảm bảo an toàn cho các sản phẩm công nghiệp thực phẩm.

Tuy nhiên, để đầu tư công nghệ cao chỉ những doanh nghiệp lớn, vốn nhiều mới có thể “mạnh tay”. Với những doanh nghiệp nhỏ hơn, cần có cơ chế chính sách để họ có thể vay vốn trung hoặc dài hạn với lãi suất ưu đãi để đầu tư.

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) khẳng định, ngành chế biến thực phẩm chiếm tỷ lệ đáng kể sản lượng đầu ra của ngành công nghiệp Việt Nam. Lượng tiêu thụ thực phẩm hàng năm luôn chiếm 15% GDP.

Đây cũng là ngành có hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ tham gia với tính cạnh tranh cao. Tuy nhiên, theo theo dõi của Cục Quản lý cạnh tranh thì các hành vi cạnh tranh trong ngành này chủ yếu tập trung ở các hành vi không lành mạnh như: Gây rối hoạt động doanh nghiệp khác, quảng cáo cạnh ranh không lành mạnh, chỉ dẫn gây nhầm lẫn, nhái thương hiệu sản phẩm…

Vì vậy, tăng cường tuân thủ pháp luật, nâng cao tinh thần tố giác doanh nghiệp vi phạm luật cạnh tranh… chính là biện pháp hữu hiệu mà Cục Quản lý cạnh tranh khuyến nghị để các doanh nghiệp bảo vệ chính mình.