Con sông linh thiêng của mảnh đất cái nôi Hindu giáo
Trong truyền thống văn hóa tâm linh của Ấn Độ, sông Hằng (Gangā) được xem là hình ảnh thiêng liêng, tiềm ẩn một sức mạnh nội tại, một khả năng siêu việt và một suối nguồn cảm xúc vô tận mà con người thường mơ ước đến. Đối với Hindu giáo, dòng sông này là nơi lưu xuất các nhánh sông thiêng, là một vị nữ thần có khả năng tịnh hóa mọi sự ô nhiễm của đời sống trần tục, và nó cũng được ví như một bà mẹ với thần lực diệu kỳ mà các bộ thánh kinh Vệ-đà hằng tôn vinh và ca ngợi.
Mỗi khi bình minh lên, tất cả những sinh hoạt tôn giáo nơi đây như bừng dậy, sôi động và nhộn nhịp. Các đạo sĩ Hindu ra bến sông rung chuông và nâng cao những cây đèn lửa hướng về phía mặt trời đang mọc, miệng lâm râm tụng kinh, dân chúng đổ xuống sông tắm, kẻ đốt nến, người dâng hoa, lại có những người ngồi theo tư thế Yoga dọc theo những hàng tâng cấp, từng đàn chim bay lượn trên bầu trời mờ ảo, du khách phương xa đáp thuyền dạo sông, thả đèn trên dòng nước và ngắm bình minh đang lên bên kia bờ sông.
Chính bởi lòng kính cẩn với sông Hằng, vào mỗi dịp hành hương, các tín đồ đạo Hindu lại đổ về thành phố Balanai, mảnh đất linh thiêng bên sông để thực hiện nghi lễ hỏa táng cho người chết. Xác chết sẽ được bọc quấn cẩn thận trong những lớp vải đỏ hoặc trắng, đưa lên giàn hỏa táng bằng củi. Người thân vây quanh cất vang lời cầu nguyện cho linh hồn sớm siêu thoát. Họ không khóc lóc, đau xót, vật vã bởi theo quan niệm của người Ấn Độ, thi thể sau khi thiêu thành tro cốt được rải khắp mặt sông sẽ khiến linh hồn được thanh lọc, được rũ bỏ những tội lỗi xưa, thoát khỏi bể khổ tái sinh luân hồi và sớm siêu thoát tới cõi vĩnh hằng.
Và người Ấn cũng chết chóc thương tâm từ đây
Cung cấp 40% lượng nước ngọt cho hơn 1 tỷ dân Ấn Độ nhưng dòng nước sông Hằng, con sông linh thiêng bậc nhất trong đạo Hindu cũng là nguyên nhân gây ra cái chết của 1/3 dân số quốc gia này. Dọc theo 2 bên bờ sông Hằng là 29 thành phố lớn với dân số trên 100.000 người, 23 khu đô thị với khoảng 50.000 – 100.000 dân và 48 đô thị nhỏ, thuộc 11 tiểu bang. Con sông hứng chịu gần 3 tỷ lít nước thải mỗi ngày, chỉ một nửa số đó có trải qua khâu xử lý trước khi đổ vào sông. Con sông ô nhiễm đến mức nó không đủ điều kiện để sử dụng trong ngành công nghiệp chứ chưa nói đến sinh hoạt hay ăn uống.
Những năm gần đây, do nhu cầu hỏa táng ngày càng gia tăng, giá củi được “đôn” lên với mức đắt đỏ lạ thường. Nhiều gia đình nghèo khó bèn nghĩ ra cách thức hỏa thiêu một phần thi thể rồi đem thả trôi sông. Thậm chí, không ít tử thi được giữ nguyên vẹn, gói ghém trong tấm vải liệm và thả trôi sông. Những người được giữ nguyên thân thể và bồng bềnh giữa dòng nước sông Hằng thường là trẻ em, các bậc hiền triết hoặc bệnh nhân chết do trúng độc. Chẳng còn xa lạ nữa mùi tử thi bốc lên giữa những ngày oi bức của mùa hè, hay những cái xác phân hủy nửa chừng đang bị đám kền kền hiên ngang "gặm nhấm", khách du lịch nào cũng “lạnh người” mỗi khi đi thuyền dạo chơi trên con sông thần thánh.
Người Ấn Độ lại sử dụng chính nước sông ngập ngụa rác này để tắm và hành lễ. Vào mùa lễ hội, có khoảng 70 triệu dân Ấn Độ sẽ đắm mình xuống dòng nước sông Hằng trong một vài tuần. Họ lần lượt mắc các bệnh da liễu, đường ruột và bệnh về mắt.
Hình ảnh con sông linh thiêng đang bị đầu độc bởi chính con người và tín ngưỡng, vô tình mang hình hài một lằn ranh mong manh của sống chết.