Ngay sau khi phát hiện có ổ dịch cúm gia cầm ở huyện Thạnh Trị, Sở đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp tích cực với địa phương tiến hành các biện pháp phòng chống dịch khẩn cấp và hiện đã khống chế được ổ dịch trên địa bàn xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị.
Xử lý đàn gà bị nhiễm dịch
Tuy nhiên, mới đây ổ dịch mới vừa phát sinh xảy ra ở ấp Hòa Thượng, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên. Dịch đã làm 90 con gà bị ốm, 90 con gà chết trên tổng đàn 400 con. Chi cục Thú y đã phối hợp với chính quyền địa phương tiêu hủy đàn gà nói trên và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch cần thiết.
Điều đáng quan ngại là, do thời tiết diễn biến phức tạp, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, ý thức phòng chống dịch của người dân chưa cao, chưa kiểm soát tốt đàn vịt chạy đồng, virus vẫn còn lưu hành trong đàn heo, bò, chăn nuôi kém an toàn sinh học, tỷ lệ tiêm phòng vacxin thấp, công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ còn hạn chế nên tình hình dịch bệnh trên địa bàn hiện có nguy cơ bùng phát rất cao.
Cúm gia cầm có thể bùng phát mạnh nếu không kịp thời phòng ngừa
Trước tình hình trên tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch chủ động triển khai công tác phòng chống dịch, nâng cao nhận thức người dân tuân thủ các quy định về tiêm phòng, tiêu độc sát trùng chuồng trại, cam kết thực hiện “5 không”: Không dấu dịch, không mua bán gia súc gia cầm và sản phẩm gia súc gia cầm mắc bệnh, không bán chạy gia súc mắc bệnh, không thả rông, vận chuyển gia súc gia cầm mắc bệnh ra khỏi vùng dịch và không vứt xác gia súc gia cầm mắc bệnh bừa bãi.
Trong năm 2011, tỉnh Sóc Trăng xảy ra 2 đợt dịch cúm gia cầm ở địa bàn 5 xã và dịch lở mồm long móng chỉ xuất hiện tại 3 xã của 3 huyện Kế Sách, Long Phú và Cù Lao Dung. Tổng số gà mắc bệnh trên 4.300 con và được tiêu hủy gần như toàn bộ.