Sinh viên khởi nghiệp: 6 kỹ năng cần trang bị để thành công
Thứ hai, 11/05/2020 14:03

Dưới đây là 6 kỹ năng sinh viên khởi nghiệp cần trang bị càng sớm càng tốt để không nhận lấy thất bại ngay từ những bước đầu tiên.

Trong thời đại 4.0, khởi nghiệp (startup) đang trở thành một làn sóng ngày càng lan rộng giữa cộng đồng người trẻ Việt Nam, bao gồm cả các bạn sinh viên còn ngồi trên ghế giảng đường. Không nhất thiết phải có một ý tưởng táo bạo hay số vốn khủng, nhiều sinh viên vẫn có thể hiện thực giấc mơ khởi nghiệp. Tuy nhiên, câu chuyện khởi nghiệp chưa bao giờ là “màu hồng”, và xây dựng cả một sự nghiệp từ hay bàn tay trắng là con đường vô cùng chông gai. Dưới đây là 6 kỹ năng sinh viên khởi nghiệp cần trang bị càng sớm càng tốt để không nhận lấy thất bại ngay từ những bước đầu tiên.

carreer-link-282-xahoi.com.vn-w600-h315

Kỹ năng nghiên cứu và phân tích thị trường

Không cần bàn cãi, đại học chính là khoảng thời gian bùng nổ của những ý tưởng sáng tạo. Nhưng liệu ý tưởng đó có đủ “mới” không? Hiện tại và trong tương lai, tính cạnh tranh của thị trường đó như thế nào? Cần số vốn bao nhiêu để hiện thức hóa nó?... Có vô số câu hỏi và vấn đề được đặt ra xoay quanh một ý định khởi nghiệp, đòi hỏi sinh viên cần có sự nghiên cứu và nhận định thị trường thật thấu đáo. Các bạn có thể rèn luyện khả năng nhìn nhận thị trường qua việc học tập tốt kiến thức trường lớp, siêng năng tự học tự đọc thêm, lập nhóm cùng bàn luận... Tuy nhiên chỉ vậy thì khó mà tiếp cận được gần với thực tế. Thế nên sinh viên cũng có thể tìm kiếm việc làm thêm tại các startup, hoặc tham gia các cuộc thi chuyên môn hoặc về khởi nghiệp để trực tiếp tiếp xúc với thực tế và học hỏi từ những người trong ngành.

Kỹ năng lãnh đạo và truyền cảm hứng

Đằng sau một doanh nghiệp thành công luôn có một nhà lãnh đạo tài ba. Đặc biệt khi đang xây dựng một công ty hoàn toàn mới, bạn thực sự cần mọi người hỗ trợ bạn và tin tưởng vào ý tưởng của bạn. Một người lãnh đạo thực thụ cần biết quan sát, phân phối công việc và nhìn nhận kịp thời để đưa ra những thay đổi linh hoạt trong hệ thống và nhân sự. Dù biết khởi nghiệp là con đường khó khăn và sẽ có nhiều lần bạn rơi vào tình trạng lao đao, nhưng hãy luôn mạnh mẽ, lạc quan để làm chỗ dựa tinh thần cho mọi người. Làm được điều đó, sẽ có nhiều người tôn trọng và muốn đi theo hỗ trợ bạn, tăng khả năng thu hút và giữ chân nhân tài của công ty bạn. Các bạn sinh viên có thể thực hành kỹ năng lãnh đạo ngay trong các hoạt động trên lớp, trong các câu lạc bộ hoặc dự án cho sinh viên...

Kỹ năng lập kế hoạch và quản lý rủi ro

Bắt đầu kinh doanh đồng nghĩa với việc bạn phải quản lý một loạt các công việc như quản lý các nguồn lực, thiết kế web, xây dựng các thủ tục chính sách... Kỹ năng lập kế hoạch rất quan trọng để đảm bảo bạn có thể đưa ra những kế hoạch khả thi và hướng toàn hệ thống làm việc theo mục tiêu của kế hoạch đã định. Tùy theo từng thời điểm phát triển, từ ý tưởng đến thực thi và vận hành mà bạn sẽ cần những kế hoạch khác nhau. Đồng thời, kinh doanh cũng là hoạt động đầy rủi ro, nên hãy chắc rằng bạn đã cố gắng dự trù được càng nhiều càng tốt những vấn đề có thể xảy ra và bình tĩnh xử lý chúng.

Kỹ năng quản lý tài chính

Đương nhiên, sinh viên khởi nghiệp cần phải có một khả năng tài chính nhất định tùy theo ý tưởng, mô hình và mục tiêu khởi nghiệp. Và khi đã có điều đó rồi, việc quản lý nguồn tiền bạc cũng là một vấn đề hết sức đau đầu, nhất là khi công ty của bạn còn non trẻ và ngân sách thì không dư dả gì. Doanh nhân nổi tiếng Doug Erwin, Phó chủ tịch Cơ quan Phát triển Kinh tế của miền Tây Nevada, khuyên rằng: “Bạn cần hiểu cách hoạt động của dòng tiền, hiểu các công cụ tài chính như báo cáo thu nhập, báo cáo tài chính và cách thức chúng được dùng để vận hành doanh nghiệp. Có rất nhiều công ty trung bình không hiểu cách thức tăng trưởng vốn hoạt động, vì vậy cần hiểu rõ về công cụ tài chính nào có thể giúp bạn phát triển công ty.” Có rất nhiều trường đại học dạy sinh viên những môn về kế toán và quản trị tài chính, cung cấp những kiến thức nền tảng không thể thiếu mà bạn có thể tham gia để phát triển kỹ năng này.

Kỹ năng xây dựng thương hiệu

Theo thống kê, số lượng Startup ở Việt Nam đứng thứ 3 Đông Nam Á và vượt qua con số 3000 vào năm 2017. Giữa một “biển” các ý tưởng như vậy, làm thế nào để bạn có thể trở nên nổi bật, thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư và khách hàng? Giai đoạn khởi nghiệp chính là thời điểm tốt nhất để bắt đầu xây dựng thương hiệu, song hành với việc phát triển sản phẩm, cho dù nguồn lực về tài chính cũng như nhân sự còn nhiều giới hạn. Quy trình không thể thiếu bao gồm: tên thương hiệu, thông điệp hấp dẫn, làm nổi bật được giá trị của của công ty; đầu tư vào logo, bộ nhận diện, những gì người ta nhìn thấy đầu tiên ở sản phẩm của bạn; duy trì và tăng độ nhận diện thương hiệu qua các hoạt động marketing và quảng cáo.

Kỹ năng kết nối

Bạn phải thành thạo giao tiếp bằng cả văn nói lẫn văn viết, cả bằng tiếng mẹ đẻ và ngoại ngữ (cơ bản nhất là tiếng Anh). Khả năng diễn đạt một cách tinh tế và thuyết phục sẽ mang lại cho bạn những bản hợp đồng của đối tác và cũng phát huy rất tốt trong quản lý nhân sự. Cơ hội để rèn luyện kỹ năng giao tiếp trong và ngoài trường thì vô số. Hãy tận dụng những điều nhỏ nhất từ viết email đến trình bày một bài thuyết trình để luyện tập nhé.

Và tất nhiên rằng trên hành trình gian nan này, bạn không thể thành công nếu cứ “đơn thương độc mã”. Phần lớn cơ hội đều bắt nguồn từ các mối quan hệ mà chúng ta vun đắp, không chỉ dừng ở qua lại xã giao mà trọng tâm là sự chân thành, tạo dựng được sự kết nối bền bỉ. Thông qua networking, bạn có thể tìm kiếm được những người đồng hành thông minh, nhiệt huyết mà không tốn nhiều chi phí và thời gian đó.

Là một sinh viên khởi nghiệp thì chuyện thất bại là điều khó tránh khỏi. Để có một bức tranh sự nghiệp đẹp, thì các bạn sinh viên cần vẽ từng chi tiết, đi từng bước nhỏ thật chắc chắn, và quyết tâm đi đến hết con đường. Chúc các bạn thành công!

HX (Theo Giadinhvietnam.com)

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: tìm kiếm việc làm , khởi nghiệp , Careerlink