Liên quan đến các phương án thu phí phương tiện được Bộ Giao thông vận tải đưa ra thời gian quan, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, một quyết định quan trọng mà liên quan đến nhân dân đều phải lấy ý kiến của nhân dân, sẽ quyết định thông qua Quốc hội và Chính phủ.
Sẽ lấy ý kiến người dân
Về lo ngại của nhiều người trước tình trạng phí chồng phí lên phương tiện giao thông, bên lề Hội nghị trực tuyến về công tác an toàn giao thông quý I/2012 với lãnh đạo 63 tỉnh, thành cả nước Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: “Một chủ trương nào cũng có hai mặt của nó, chúng ta thấy rằng ở một đất nước mà quá nhiều phương tiện trong khi tai nạn giao thông tăng như vậy, chúng ta phải có những biện pháp hữu hiệu để giảm thiểu tai nạn, kể cả đó là một thông lệ của quốc tế trong kinh nghiệm quản lý nhà nước”.
“Chính vì vậy mà chúng tôi đang lấy ý kiến các Bộ ngành liên quan, quyết định cuối cùng vẫn là Quốc hội”, ông Phúc khẳng định.
Sẽ lấy ý kiến người dân trước khi thực hiện thu phí phương tiện giao thông đường bộ.
Đưa quan điểm về những ý kiến cho rằng phí lưu hành phương tiện không thích hợp với thu ở các địa phương nhất là vùng sâu vùng xa làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân, ông Phúc cho hay, một quyết định quan trọng mà liên quan đến nhân dân đều phải lấy ý kiến của nhân dân, tất cả những biện pháp đưa ra đều phục vụ nhân dân, lo cho tính mạng và tài sản của người dân. Vì vậy, quyết định thế nào sẽ thông qua Quốc hội và Chính phủ.
Đánh giá về thực trạng giao thông của nước ta hiện nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thời gian quan tai nạn giao thông có giảm, mhưng kết quả này chưa bền vững. Vì vậy, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn giao thông.
Theo ông Phúc, Nhà nước phải có giải pháp tổ chức lại hệ thống giao thông của mình, đặc biệt là khi diện tích mặt đường chưa được tăng lên, thì việc tổ chức lại công tác quản lý nhà nước về an toàn giao thông cần được đặt ra, với các biện pháp như phân luồng, phân làn lòng đường, vỉa hè… Trên tinh thần ai vi phạm phải xử lý nghiêm, cơ sở nào vi phạm phải bị đình chỉ.
“Các địa phương phải có kế hoạch rất cụ thể để xây dựng các công trình giao thông tĩnh ở trên địa bàn của mình, đặc biệt là Hà Nội và TP. HCM và các đô thị lớn, để giảm ùn tắc và giảm tai nạn giao thông”, ông Phúc nói.
Ngoài ra, ông Phúc cho biết, thời gian tới Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội để có những quy phạm pháp luật theo hướng tăng chế tài xử phạt, giảm phương tiện cá nhân…
“Các công việc này rất quan trọng vì ảnh hưởng đến tính mạng của nhân dân, các biện pháp phải đồng bộ và cụ thể mới có hy vọng năm an toàn giao thông quốc gia sẽ thành công, mhư mong mỏi của Đảng, Quốc hội và nhân dân”, ông Phúc kết luận.
Đúng là có nhiều loại phí
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia thừa nhận: “Câu chuyện phí và lên phí hiện nay đúng là có rất nhiều loại phí, giá ô tô của Việt Nam cũng cao hơn rất nhiều lần các nước sản xuất ra xe, vì các loại phí đẩy giá xe cao lên”.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.
Tuy nhiên, ông Hiệp cho rằng, hiện nay cả nước có 37 triệu phương tiện giao thông, và tiếp tục gia tăng qua các năm, nên cần có biện pháp để hạn chế sự gia tăng phương tiện. Trong các giải pháp đưa ra, có việc ban hành Quỹ bảo trì và sắp tới sẽ thu phí hạn chế phương tiện cá nhân.
“Mỗi một phí một mục tiêu khác nhau, như Quỹ bảo trì đường bộ đưa ra vì hiện nay đường bộ đầu tư rất lớn và để duy trì bảo dưỡng đường bộ, đảm vân hành an toàn thì kinh phí bằng 2/3 kinh phí đầu tư xây mới. Hiện nay nhà nước không có tiền, đầu tư cho bảo trì đường bộ có 17 triệu/1km, số này chưa đủ trả lương cho công nhân chứ chưa nói đến vật liệu, rõ ràng người tham gia giao thông phải có trách nhiệm đống phí bảo trì…”, ông Hiệp thẳng thắn thừa nhận.
Còn về phí hạn chế phương tiện cá nhân, ông Hiệp nhận định, là đánh đúng vào khu vực cần hạn chế phương tiện, đó là đối tượng sử dụng ô tô cá nhân.
Ông Hiệp cũng cho rằng, trước mắt phí vào trung tâm thành phố, phí hạn chế phương tiện cá nhân thì ở những chỗ cần thiết vẫn phải làm và phải làm ngay.
“Nếu không tiến hành ngay, với tốc độ hiện nay thì 3 năm nữa Hà Nội và TP. HCM sẽ không còn chỗ để để xe, chứ không nói là để đi, đấy là điều chắc chắn. Đáng nhẽ phải thu cách đây 10 năm rồi, nếu thu cách đây 10 năm thì tình trạng ùn tắc đã không như thế này”, ông Hiệp khẳng định.
Ngoài ra, theo ông Hiệp, các đô thị phải có lộ trình giảm xe máy, riêng Hà Nội và TP. HCM chắc chắn sẽ có lộ trình cấm hẳn xe máy. Một quốc gia phát triển phải vậy và người dân cũng phải chia sẻ. Đồng thời với đó là phát triển đồng bộ hạ tầng vận tải hành khách công cộng, đảm bảo cho người dân có phương tiện đi lại.
“Đây là chiến lược lâu dài, và phải làm từ 10 tới 15 năm nữa phải cấm xe máy. Cái này phải có lộ trình và thông báo trước cho người dân”, ông Hiệp khảng định.