Sau đợt không khí lạnh rất hiếm gặp, mùa hè năm 2022 ở miền Bắc có dễ chịu hơn mọi năm?
Thứ tư, 18/05/2022 08:43

Dự báo năm nay, nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ xuất hiện muộn hơn so với trung bình nhiều năm, không gay gắt và kéo dài như năm 2020.

Nguyên nhân miền Bắc mát mẻ như mùa thu trong tháng 5

Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong 2 ngày 16-17/5, không khí lạnh đã ảnh hưởng đến Bắc Trung Bộ và hầu hết các nơi ở phía Tây Bắc Bộ. Ở vịnh Bắc Bộ đã có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to; phía Tây Bắc Bộ sáng nay còn có mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời mát, vùng núi có nơi chuyển lạnh với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 20-22 độ, vùng núi có nơi từ 17-19 độ.

Khu vực Hà Nội không mưa, trời mát với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 20-22 độ.

Trước đó, nhận định về đợt không khí lạnh hiếm gặp sẽ tràn xuống miền Bắc vào giữa tháng 5, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo khí hậu (Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia) cho hay, đợt không khí lạnh lần này có khả năng gây ra gió mạnh ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ khoảng cấp 6, đợt này tương tự đợt gió mạnh hồi tháng 5/2011. Như vậy, khoảng 10 năm hiện tượng lặp lại 1 lần.

Trưởng phòng Dự báo khí hậu cho hay, không khí lạnh ảnh hưởng đến miền Bắc nước ta trong tháng 5 không có gì đặc biệt vì năm nào cũng có, nhưng không khí lạnh gây ra gió mạnh cấp 6, 7 thì tương đối phức tạp, khoảng 10 năm mới có một đợt như vậy.

"Từ năm 1981, qua quan sát của chúng tôi có một số lần nhiệt độ ở Hà Nội đã xuống dưới 20 độ trong tháng 5", báo Vietnamnet dẫn lời ông Hưởng.

Cũng theo ông Hưởng, sau đợt không khí lạnh giữa tháng 5, miền Bắc có thể chịu thêm tác động của các đợt không khí lạnh yếu, gây mưa rào và giông ở Bắc Bộ và miền Trung.

Do tác động của không khí lạnh nên cuối tháng 5, đầu tháng 6, nhiệt độ thấp hơn trung bình nhiều năm; từ cuối tháng 6, trong tháng 7 và nửa đầu tháng 8 sẽ có thể xảy ra những đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt.

Phân tích rõ thêm về đợt không khí lạnh bất thường ở miền Bắc, trao đổi với báo Thanh niên, Th.S Lê Thị Xuân Lan, chuyên gia khí tượng, cho biết: Có 2 nguyên nhân chính gây nên đợt lạnh hiếm gặp này; thứ nhất là khối không khí lạnh từ phía bắc (Siberia, Nga) tràn xuống, thứ hai là áp thấp nóng Ấn - Miến hoạt động yếu và trễ.

Thông thường tháng 4 là thời điểm tranh chấp giữa áp thấp nóng Ấn - Miến và không khí lạnh. Mọi năm tháng 4 miền Bắc rất nóng nhưng năm nay không nóng nhiều, nên tạo điều kiện cho không khí lạnh về.

Bà Lan lưu ý người dân, vì đang là mùa nóng nên khi không khí lạnh về sẽ dễ dàng tạo ra các hiện tượng thời tiết cực đoan cục bộ ở một số nơi như: sấm sét, dông lốc, lốc xoáy, mưa đá…

Dự báo mùa hè năm 2022 nắng nóng sẽ không quá gay gắt

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra dự báo xu thế khí hậu thủy văn từ tháng 5 đến tháng 10/2022 cho thấy:

Khu vực Bắc Bộ từ tháng 5 - 7 và tháng 10/2022 nhiệt độ phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Từ tháng 8-9/2022, nhiệt độ phổ biến cao hơn từ 0,5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm.

Khu vực Trung Bộ nhiệt độ từ tháng 5 - 6 và tháng 10/2022 phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Từ tháng 7 - 9/2022 nhiệt độ phổ biến cao hơn từ 0,5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm, riêng tại khu vực bắc Trung Bộ nhiệt độ vào tháng 7.2022 xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tháng 5 - 6/2022 nhiệt độ phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Từ tháng 7 - 10/2022 nhiệt độ phổ biến cao hơn 0,5 độ C so với trung bình nhiều năm.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia cho biết nắng nóng như trung bình hàng năm thường bắt đầu từ giữa tháng 4 và đầu tháng 5 ở khu vực tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, sau đó mở rộng dần sang khu vực đông Bắc Bộ và các khu vực khác thuộc Trung bộ.

Dự báo năm nay nắng nóng tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xuất hiện muộn hơn so với trung bình, có cường độ không gay gắt và kéo dài như năm 2020.

Lý giải về vấn đề này trên báo Lao động, theo GS.TS Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cho rằng hiện nay dự báo đang ở giai đoạn cuối hiện tượng La Nina, hiện tượng này còn duy trì từ nay đến khoảng giữa năm 2022, sau đó sẽ chuyển dần sang trạng thái trung tính trong khoảng nửa cuối năm 2022.

"Thời tiết Việt Nam chịu ảnh hưởng của ENSO khá điển hình, đặc biệt là miền Trung và miền Nam. Vì thế, hy vọng thời tiết bình hòa hơn, mùa hè sẽ không quá gay gắt. Theo quy ước ở Việt Nam nhiệt độ cao nhất trong ngày vượt quá 35 độ C thì được gọi là nắng nóng, vượt quá 37 độ C là nắng nóng gay gắt, quá 39 độ C là đặc biệt gay gắt. Tháng 6, 7, 8 là giai đoạn cao điểm ở Bắc và Trung Bộ" - GS.TS Phan Văn Tân phân tích.

Ttvn.toquoc.vn

Nguồn: http://ttvn.toquoc.vn/sau-dot-khong-khi-lanh-rat-hiem-gap-mua-he-nam-2022-o-mien-bac-co-de-chiu-hon-.. Nguồn: http://ttvn.toquoc.vn/sau-dot-khong-khi-lanh-rat-hiem-gap-mua-he-nam-2022-o-mien-bac-co-de-chiu-hon-moi-nam-8202216521058551.htm

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Không khí lạnh , thời tiết , hà nội , miền bắc