Sau 50 năm, giới y học Mỹ lần đầu công bố nguyên nhân cái chết bí ẩn của Lý Tiểu Long
Thứ ba, 05/12/2023 17:44

Phát hiện của các nhà nghiên cứu khác xa với những gì người ta từng đồn đoán về cái chết của ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long, bao gồm tin đồn ông bị bọn xã hội đen ám sát, bị người tình ghen tuông đầu độc hay nạn nhân của một lời nguyền...

Siêu sao võ thuật kiêm ngôi sao Hollywood Lý Tiểu Long (tên tiếng Anh là Lee Bruce) qua đời ở tuổi 32 vào mùa hè năm 1973 ở Hong Kong, Trung Quốc. Khám nghiệm tử thi vào thời điểm đó cho thấy, Lý Tiểu Long chết vì phù não (chất lỏng tích tụ xung quanh não, dẫn đến tăng áp lực) - nguyên nhân mà các bác sĩ hiện nay cho rằng là do uống quá nhiều nước.

Các nhà nghiên cứu viết trong Tạp chí Thận lâm sàng: "Chúng tôi đề xuất rằng việc thận không có khả năng bài tiết lượng nước dư thừa đã giết chết Lý Tiểu Long. Trớ trêu thay, câu nói "Hãy trở thành Nước" hay "Hãy là nước, bạn của tôi" là một trong những danh ngôn nổi tiếng nhất của ông, nhưng lượng nước dư thừa dường như cuối cùng đã giết chết ông ấy."

Sau 50 năm, giới y học Mỹ lần đầu công bố nguyên nhân cái chết bí ẩn của Lý Tiểu Long - Ảnh 1.

Lý Tiểu Long có thể đã chết vì uống quá nhiều nước

Vào thời điểm đó, các bác sĩ tin rằng chứng sưng não là do thuốc giảm đau, nhưng 50 năm sau cái chết của biểu tượng "Long tranh hổ đấu (Enter the Dragon)", nghiên cứu cho thấy ông có thể chết vì hạ natri máu (nồng độ natri trong máu thấp), có thể do cơ thể có quá nhiều nước hoặc chất lỏng.

Phát hiện của các nhà nghiên cứu khác xa với những gì người ta từng đồn đoán về cái chết của ông, bao gồm tin đồn ông bị bọn xã hội đen ám sát, bị người tình ghen tuông đầu độc, nạn nhân của một lời nguyền và chết vì say nắng.

Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, có nhiều yếu tố nguy cơ gây hạ natri máu, bao gồm uống nhiều chất lỏng. Chẳng hạn, các yếu tố có thể làm tăng cơn khát như sử dụng cần sa và các yếu tố làm suy yếu khả năng bài tiết nước của thận như sử dụng thuốc theo toa, uống rượu. Lý Tiểu Long bị nghi ngờ dùng cần sa và có tiền sử chấn thương thận hoặc lượng chất hòa tan thấp.

Vợ của Lý Tiểu Long - bà Linda, đã từng đề cập đến chế độ ăn kiêng dựa trên chất lỏng của ông ấy là "nước ép cà rốt và táo".

Hay người viết tiểu sử của Lý Tiểu Long, Matthew Polly, liên tục đề cập đến việc Lý Tiểu Long uống nước vào ngày ông qua đời và ngay trước khi ông bị ốm nặng.

Sau 50 năm, giới y học Mỹ lần đầu công bố nguyên nhân cái chết bí ẩn của Lý Tiểu Long - Ảnh 2.

Uống quá nhiều nước và chất lỏng có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Lý Tiểu Long

"Tôi nghĩ chúng tôi có chút nước… điều đó có lẽ khiến anh ấy hơi mệt và khát. Sau vài ngụm, anh ấy có vẻ hơi chóng mặt… Ngay sau khi chuẩn bị ngất xỉu, Lee Bruce kêu đau đầu", Polly viết trong cuốn sách.

Các nhà nghiên cứu cho biết thêm: "Để kết luận, chúng tôi đưa ra giả thuyết rằng Lý Tiểu Long chết vì một dạng rối loạn chức năng thận, cụ thể: Không có khả năng bài tiết đủ nước để duy trì cân bằng nội môi nước, chủ yếu là chức năng của ống thận".

Điều này có thể dẫn đến hạ natri máu, phù não và tử vong trong vòng vài giờ nếu lượng nước dư thừa không phù hợp với lượng nước bài tiết qua nước tiểu, phù hợp với mốc thời gian cái chết của Lý Tiểu Long.

Việc chúng ta có 60% là nước không bảo vệ chúng ta khỏi những hậu quả có thể gây chết người do uống nước với tốc độ nhanh hơn tốc độ bài tiết nước dư thừa của thận" - nhóm các nhà nghiên cứu nói thêm.

Lý Tiểu Long - Cao thủ Kungfu trở thành biểu tượng Hollywood

Lý Tiểu Long là diễn viên võ thuật, đạo diễn, nhà sản xuất điện ảnh người Mỹ gốc Hoa nổi tiếng vào những năm 1970, đồng thời là võ sư sáng lập võ phái Tiệt quyền đạo.

Ông sinh ra ở San Francisco năm 1940 nhưng lớn lên ở Hong Kong (Trung Quốc).

Lý bắt đầu xuất hiện trong các bộ phim khi còn nhỏ và học Kungfu khi từ thời thiếu niên. Cha mẹ Lý lo lắng khi con trai thường xuyên gây gổ trên đường phố và gửi Lý sang Mỹ sống năm 18 tuổi. Lý Tiểu Long thu hút sự chú ý của nhà sản xuất phim khi biểu diễn Kungfu tại cuộc thi karate ở Los Angeles. Ông được chọn vào vai phụ Kato trong The Green Hornet (1966-67).

Sau khi vật lộn để tìm việc làm, Lý quay trở lại Hong Kong năm 1971 và đóng vai chính trong hai bộ phim đã phá kỷ lục châu Á.

Tháng 5/1973, Lý Tiểu Long qua đời chỉ vài tuần trước khi phát hành phim Long tranh hổ đấu (Enter the Dragon). Trong lúc thực hiện phần hậu kỳ phim, ông ngã quỵ, lên cơn co thắt, rồi được đưa tới Bệnh viện Báp-tít Hong Kong ở khu Cửu Long Đường.

Bác sĩ chẩn đoán ông bị mắc chứng phù não và nhanh chóng ổn định tình trạng bệnh nhân bằng mannitol (thuốc thường được dùng để giảm sưng, giảm áp lực trong mắt hoặc xung quanh não).

Sau 50 năm, giới y học Mỹ lần đầu công bố nguyên nhân cái chết bí ẩn của Lý Tiểu Long - Ảnh 3.

Tang lễ Lý Tiểu Long ở Hong Kong - Ảnh: SCMP

Sau một thời gian ngắn nằm viện, Lý Tiểu Long ra viện và dường như sức khỏe hoàn toàn bình thường.

Tuy nhiên, tối 20/7/1973, tình trạng tương tự lại xảy ra. Thấy Lý Tiểu Long bị đau đầu nên diễn viên Đài Loan Đinh Phối đưa cho ông thuốc Equagesic (chứa aspirin có tác dụng giảm đau và meprobamate có tính an thần). Sau đó, đến giờ ăn tối nhưng Lý không thức dậy, Đinh Phối cùng Trâu Văn Hoài và các bác sĩ lập tức thực hiện hồi sức cấp cứu rồi đưa ngôi sao võ thuật đến bệnh viện Nữ hoàng Elizabeth. Khi tiếp nhận Lý, các bác sĩ tuyên bố bệnh nhân đã tử vong.

Doisongphapluat.nguoiduatin.vn

Nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/sau-50-nam-gioi-y-hoc-my-lan-au-cong-bo-nguyen-nhan-cai-chet-.. Nguồn: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/sau-50-nam-gioi-y-hoc-my-lan-au-cong-bo-nguyen-nhan-cai-chet-bi-an-cua-ly-tieu-long-a395186.html

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: Lý Tiểu Long , sao hoa ngữ