Sáp nhập ngân hàng: Đâu phải chuyện cưỡng bức
Thứ sáu, 23/01/2015 09:01

Quá trình mua bán sáp nhập sẽ giúp thị trường tài chính lành mạnh, việc xử lý nợ xấu sẽ nhanh chóng hơn.

Quá trình mua bán sáp nhập ngân hàng sẽ giúp lành mạnh hệ thống tài chính. Ảnh minh họa

Quá trình mua bán sáp nhập ngân hàng sẽ giúp lành mạnh hệ thống tài chính. Ảnh minh họa

Thị trường mua bán sáp nhập (M&A) trong năm nay sẽ được cho là sôi động hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Đây là một trong các nội dung quan trọng của hội thảo kịch bản kinh tế VN 2015 “Hội nhập sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt” ngày 22/1. Câu hỏi đặt ra lúc này, việc ngân hàng (NH) lớn “ôm” NH nhỏ sẽ là cục nợ hay món hời? TS Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI) cho rằng cả hai bên cùng có lợi chứ không thể nói ai có lợi hơn ai. Đặc biệt quá trình M&A sẽ giúp thị trường tài chính lành mạnh, quá trình xử lý nợ xấu sẽ nhanh chóng hơn.

“Kết hôn” để lành mạnh hệ thống

.Phóng viên: Ngay từ đầu tháng 1 Chính phủ đã có yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các cơ quan tạo điều kiện thúc đẩy nhanh các phương án mua lại, sáp nhập NH dựa trên cơ sở tự nguyện, đúng pháp luật. Ông có thể cho biết thực trạng của những NH yếu kém hiện nay thế nào?

+ TS Lê Xuân Nghĩa: Trong câu chuyện về M&A, điều quan tâm chủ yếu nhất là các NH nhỏ. Vì không có khả năng tồn tại vững chắc và lâu dài nên phải sáp nhập. Còn chuyện NH yếu nợ xấu bao nhiêu thì tùy thuộc ở mỗi NH. Song với NH yếu kém thì tỉ lệ nợ xấu cũng đáng lo ngại. NHNN chủ trương sáp nhập cũng là để lành mạnh hệ thống tài chính và cũng là tạo điều kiện thuận lợi để nhanh chóng giải quyết nợ xấu dứt điểm.

Vậy sau khi sáp nhập, nhân sự của NH nhỏ sẽ được bố trí thế nào? Khi sáp nhập như vậy khoản nợ xấu sẽ giải quyết ra sao, thưa ông?

+ Nhân sự thì không thành vấn đề. Người ta sẽ căn cứ vào nhu cầu thực sự về nhân lực để bố trí sao cho phù hợp. Khi hai NH đã về một nhà thì nợ xấu sẽ được NH lớn xử lý tốt hơn rất nhiều. NH lớn có tiềm lực tài chính mạnh, khối lượng dự phòng rủi ro trích lập lớn hơn, khi áp dụng các chỉ tiêu an toàn ít bị đảo lộn hơn.

Trong quá trình sáp nhập, NHNN sẽ có các điều kiện đặt ra cho các NH nhỏ và tạo ra khung pháp lý cho NH lớn để ôm thêm các NH nhỏ nhưng không làm ảnh hưởng đến chuẩn mực an toàn của họ.

Không nên cho là cưỡng bức

Có ý kiến cho rằng việc sáp nhập NH chính là những cuộc cưỡng hôn, chứ bản thân các NH không muốn. Ông bình luận thế nào về vấn đề này?

+ Đây không phải là chuyện cưỡng bức gì cả mà là chúng ta không thể tiếp tục để tình trạng NH yếu kém như vậy. Nó có thể làm hệ thống tài chính bị rủi ro nếu có biến động. Đặc biệt làm ảnh hưởng nghiêm trọng rất nhiều đến lòng tin của người dân, nhất là người gửi tiền. Thực tế bản thân NH lớn không thích gì đi ôm thêm một NH nhỏ làm đảo lộn tiến trình cải cách của họ. NH nhỏ cũng không nên phàn nàn rằng “chúng tôi sẽ thế nào?”… Sáp nhập là có lợi cho cả hai bên.

Theo kế hoạch của NHNN, trong năm 2014 có 5-6 vụ M&A trong lĩnh vực NH. Tuy nhiên, cho đến cuối năm vẫn chưa có thương vụ nào được thực hiện thành công. Nghĩa là chúng ta đang phải dần đi đến “ép buộc”?

+ Giả sử nếu phải “ép buộc” cũng là vì không thể trì hoãn quá lâu tình trạng này nữa vì điều này có thể làm ảnh hưởng đến thị trường tiền tệ. NHNN nói nếu không tự nguyện sáp nhập, NHNN sẽ dùng biện pháp mạnh tay. Và nguyên tắc người ta không sáp nhập NH yếu vào với NH yếu mà phải là NH mạnh với NH yếu. Và đây là xu thế chung, là điều tốt để củng cố lại thanh khoản của hệ thống NH một cách vững chắc. Để áp dụng các chuẩn mực mới về quản trị, kế toán tài chính khi người ta tiến hành bước cuối cùng của chương trình tái cấu trúc về NH. Đó là việc làm mà NHNN có kế hoạch từ trước, được thể hiện trong đề án trình Chính phủ.

. Vậy ông có nghĩ rằng đến cuối 2015 chúng ta có thể hoàn thành kế hoạch sáp nhập?

+ Sáp nhập NH yếu vào NH mạnh thì làm rất nhanh. Các NH lớn sẽ tiến hành sáp nhập nên không có gì phải bàn nhiều hay phân chia thị phần hay gì cả. Đấy là cuộc sáp nhập mang tính nối toa tàu vào đoàn tàu để cả đoàn tàu chạy. Bản thân các NH lớn thì việc cộng vào một toa tàu không làm ảnh hưởng gì đến sự vận hành của đoàn tàu.

Xin cám ơn ông.

Kinh tế 2015 phải tăng lực chống đỡ các cú “sốc”

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết tại hội thảo kịch bản kinh tế VN 2015 với chủ đề “Hội nhập sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt” do Ban Kinh tế Trung ương và Thời báo Kinh Tế Việt Nam tổ chức ngày 22-1, tại TP.HCM.

Theo TS Võ Trí Thành, trong năm 2015 chính sách tiền tệ vẫn phải gánh nặng hỗ trợ phục hồi, các gói hỗ trợ sản xuất kinh doanh, xử lý nợ xấu, “trợ lực” trái phiếu Chính phủ dẫn đến méo mó, tăng rủi ro nợ xấu tương lai, khó rút lui các biện pháp can thiệp hành chính.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cần tạo dựng cơ chế, năng lực và trách nhiệm, giám sát tài chính, chu chuyển vốn, chuẩn bị kịch bản, công cụ phòng, chống xử lý những rủi ro có thể xảy ra đối với nền kinh tế.

TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, cho rằng nền kinh tế VN sẽ phục hồi dần tốc độ tăng trưởng, niềm tin của thị trường được củng cố và doanh nghiệp có triển vọng để phát triển bền vững hơn. GDP năm 2015 dự kiến tăng 6,2%. Để kỳ vọng những nỗ lực của Chính phủ trong việc đổi mới mạnh mẽ thể chế, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm sự vận hành của cơ chế thị trường và lành mạnh trong cạnh tranh.

Plo.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: sap nhap ngan hang , sap nhap , ngan h ang , tai chin , thi truong tai chinh , no xau , xu ly no xau ,