Bí đao còn gọi là bí xanh, bí phấn... là một loại quả dùng như rau tươi và làm mứt rất thông dụng. Trong thành phần của bí đao phần lớn là nước, không chứa lipid. Cứ 100g bí đao có 0,4g protid, 2,4g glucid, 19 mg canxi, 12 mg photpho, 0,3 mg sắt và nhiều loại vitamin như Caroten, B1, B2, B3, C...
Theo y học cổ truyền, bí đao vị ngọt nhạt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải nhiệt và làm tan đờm, làm mát ruột và hết khát, lợi tiểu, làm hết phù, giải độc và giảm béo. Thường được dùng để chữa các chứng bệnh lý hô hấp có ho và khạc đờm do nhiệt, bệnh đái đường, phù do bệnh thận, bệnh gan, phù khi mang thai...
Ngoài cách dùng làm rau ăn, bí đao còn được chế biến thành nước giải khát như "Trà bí đao"..., trong điều kiện nóng bức của mùa hè, giải khát bằng nước bí đao có thể phòng chống bệnh tật hiệu quả.
Mặc dù có nhiều tính năng và công dụng đối với sức khỏe nhưng chúng ta phải biết cách sử dụng và ăn bí đao như thế nào cho đúng cách, nếu không sẽ mang lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của bạn và gia đình.
Bí đao sống có tính xà phòng rất cao, ngày xưa ở các làng dệt vải người ta thường lợi dụng tính chất này của bí đao dùng nước bí đao sống để tẩy trắng vải thay cho thuốc tẩy. Vì thế nếu bạn ăn sống bí đao hoặc uống nước bí đao sống được xay như sinh tố để mong làm đẹp thì không nên vì tính chất xà phòng của bí đao sống sẽ gây bệnh cho hệ thống tiêu hóa của bạn.
Tuy nhiên bí đao khi được nấu với rượu làm cao bí đao hoặc được đun chín kỹ thì tính xà phòng gần như mất hết nên thường xuyên ăn bí đao nấu kỹ hay uống nước bí đao luộc thì được.
Nên nhớ, trong các món rau sống người Việt mà ông bà ta ăn, không có món bí đao sống.
Vì vậy, để có được món ăn ngon và đảm bảo cho sức khỏe, bạn hãy chế biến những món từ bí đao cho gia đình một cách ngon và khoa học nhất!