Rau thịt tăng giá, thị trường đồ chơi ế ẩm

Trái ngược với sự tăng giá của thực phẩm. Tại hai miền Bắc Nam, thị trường đồ chơi trong những ngày này trầm lắng.

Xăng tăng giá, thực phẩm rục rịch tăng theo

Sau vài ngày tăng giá xăng, theo phản ánh của nhiều người dân, giá thực phẩm rau xanh trên địa bàn Hà Nội có xu hướng nhỉnh giá. Bác Bích Châu, người tiêu dùng tại chợ Cầu Giấy, Hà Nội cho biết:“Cầm 200.000 đồng đi chợ, tôi chỉ mua được vài lạng thịt cùng ít rau và vài quả lê. Đi chợ thời buổi xăng tăng giá như bị mất trộm vậy”.

Khảo sát tại các chợ thực phẩm trên địa bàn Hà Nội, đặc biệt là các chợ cóc, chợ vỉa hè, giá các mặt hàng thực phẩm nhích giá lên từng ngày. Cụ thể, nhiều loại rau xanh tăng từ 10-20% so với những ngày trước. Cụ thể, tại chợ Hôm, Thành Công, Hàng Da, Cầu Giấy,... rau muống tăng từ 5000 đồng/mớ nhỏ lên 7000 đồng/mớ. Rau mùng tơi mớ nhỏ có giá 6000 đồng (trước 4000 đồng/mớ), rau đay 5000 đồng, mướp loại nhỏ 8000 đồng. Rau bắp cải, cải xanh, cải thảo tăng từ 9.000 - 15.000 đồng/kg.

Ở cả hai miền, sau khi xăng tăng giá, giá rau tăng từ 10 - 20% (Ảnh: Hương Thu)

Giá thịt lợn trên địa bàn Hà Nội cũng tăng nhẹ, thịt lợn thăn 90.000 đồng tăng lên thành 110.000 đồng/kg, lợn mông, vai tăng từ 100.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg.

Theo bác Luyến – tiểu thương bán rau xanh tại chợ Đền Lừ cho hay, mấy ngày này, giá rau bán theo cân đã tăng nhiều rồi, nên việc tăng giá thực phẩm tới người tiêu dùng là điều dễ hiểu. Điệp khúc xăng tăng giá khiến thực phẩm tăng được hầu hết các tiểu thương lý giải mỗi khi khách hỏi.

Tương tự, sau đợt điều chỉnh giá xăng dầu, một số mặt hàng rau củ tại các chợ lẻ ở TP.HCM đã bắt đầu nhích dần lên. Tại các chợ lẻ ở TP.HCM, 3 ngày sau khi giá xăng tăng lên thì giá một số mặt hàng thực phẩm có sự tăng nhẹ. Ghi nhận tại chợ An Nhơn (Q.Gò Vấp) các tiểu thương cho biết mặt hàng rau là có sự tăng giá rõ rệt. Trong khi các loại củ, quả, thịt, cá vẫn giữ mức bình ổn như trước khi xăng tăng.

Chị Nguyễn Thị Lan cho biết:“Các loại củ như cà rốt, khoai tây vẫn giữ nguyên mức giá là 10.000 đồng/kg đối với loại thường và 20.000 đồng/kg đối với củ Đà Lạt, mướp đắng là 10.000 đồng/kg, cà chua ở mức 15.000 đồng/kg. Riêng một số loại rau có tăng nhẹ so với mấy ngày trước bởi một phần vì giá xăng và thời tiết nắng nóng. Mấy ngày ngay tôi lấy hàng thì chưa thấy tăng nhiều nhưng có vẻ đăng trên đà tăng giá”.

Giá thịt cũng nhích lên (Ảnh: Hương Thu)

Cụ thể, tại chợ An Nhơn, giá bắp cải từ 8.000 đồng lên 10.000 đồng/kg, cải ngọt từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng/kg, rau mùng tơi trước 10.000 đồng giờ lên 15.000 đồng/kg, dưa leo lên 15.000 đồng/kg so với trước kia là 20.000 đồng/kg.

Đang mua rau tại chợ, chị Lê Ngọc Hòa Oanh (Q.Gò Vấp) than:“Rau tăng vài nghìn đồng không lớn, nhưng cái gì cũng tăng một tý như vậy thành ra cộng dồn cả tháng cũng đáng kể. Trong khi đó, lương hai vợ chồng đâu có tăng, đành phải sử dụng chiêu tiết kiệm vậy”.

Dù giá xăng lên nhưng nhiều tiểu thương tại chợ cho biết chỉ có mặt hàng rau nhích giá lên trong khi đó những thực phẩm khác như thịt lợn, thịt gà, thịt bò, hải sản vẫn trong giai đoạn bình ổn. Giá thịt gà công nghiệp ở mức 50.000 đồng/kg, thịt bò đùi giá 270.000 đồng/kg.

Thị trường đồ chơi Tết thiếu nhi trầm lắng

Mọi năm, dịp 1/6 luôn được xem là những ngày “nhặt được vàng” của các cửa hàng buôn bán đồ chơi trẻ em. Chỉ còn chưa đầy 1 tuần nữa là tới Tết thiếu nhi 1/6 nhưng thị trường đồ chơi dịp này nhìn chung khá ảm đảm ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Dạo qua thiên đường đồ chơi trẻ em ở Lương Văn Can, Hàng Mã, các trung tâm siêu thị, không khí mua bán dường như không có gì khác so với những ngày thường.

Những đồ chơi dân gian như diều hiện không còn hot tại thời điểm này nữa.
Giá một chiếc diều từ 20.000 đồng/chiếc (Ảnh: Lê Đức)

Lác đác cũng có phụ huynh đưa con em mình đi mua đồ chơi(Ảnh: Lê Đức)Chị Dương Ngần, chủ một cửa hàng đồ chơi ở phố Hàng Mã cho biết: “Bình thường cứ thời điểm này là cha mẹ tới mua đồ chơi cho con rất đông rồi vậy mà năm nay hàng tiêu thụ khá chậm. Nếu so sánh với năm ngoái, năm nay phải giảm tới 60% lượng người mua”.

Chị Ngần cho hay, giống như những năm trước, trước 1 tháng ngày Tết thiếu nhi, chị nhập thêm hơn 600 đồ chơi các loại để phục vụ thiên thần nhí. Đến cửa hàng chị, đồ chơi loại nào cũng có, từ những con thú nhồi bông, ô tô điện điều khiển từ xa, búp bê biết nói biết khóc đến những mô hình máy bay. Nhìn vào đống hàng đang chất đống lên trong cửa hàng, chị nói: “Ước là mai kia sẽ đông đúc trở lại”.

Không chỉ các cửa hàng đồ chơi trên các tuyến phố này mà ngay cả các cửa hàng đồ chơi cho trẻ nhỏ tại mấy trung tâm thương mại cũng rất thưa thớt khách.

Đồ chơi lắp ghép mọi năm cũng khá được nhiều bậc phụ huynh
ưa chuộng mua cho con (Ảnh: Lê Đức)

Ô tô rô bốt được xếp đầy kho nhưng người mua rất ít (Ảnh: Lê Đức)

Người bán thường xuyên ngắm đường phố vì ế khách (Ảnh: Lê Đức)

Dạo qua thiên đường đồ chơi, thị trường đồ chơi năm nay không có gì mới lạ, vẫn là các mặt hàng quen thuộc: Gấu bông, ô tô điều khiển từ xa, rô bốt, xe đạp, búp bê, các loại đồ chơi phát triển trí tuệ như ghép hình Lego, máy tính thông minh để bé học chữ, mảnh ghép hình nhựa made in Vietnam, các đồ chơi gỗ giúp trẻ phát huy tính sáng tạo và kích thích sự phát triển tư duy (những món đồ chơi gỗ như: bảng chữ cái màu sắc, bộ lắp ghép có giá từ 100.000 đồng - 400.000 đồng/bộ.

Nhìn chung, những món đồ chơi xuất xứ từ Việt Nam giá khá mềm, những món đồ chơi được nhập từ Mỹ, Anh khá đắt. Ví dụ: búp bê Babie có giá từ 500.000 đồng tới cả triệu đồng, đồ chơi rô bốt nhập khẩu từ Mỹ giá từ 800.000 đồng 1 con.

Nhiều cửa hàng bán đồ chơi nhập ô tô, xe máy về bán nhưng vẫn không hút khách (Ảnh: Lê Đức)

Bác Nga - người bán cho hay: thời điểm này rất ế ẩm(Ảnh: Lê Đức)

Hàng hóa rất nhiều nhưng người mua thưa thớt (Ảnh: Lê Đức)

Người bán trông chờ vào những ngày tới, người mua sẽ đông (Ảnh: Lê Đức)

Giá cả của các mặt hàng đồ chơi dịp Tết thiếu nhi năm nay cũng không có nhiều thay đổi, vẫn đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng từ bình dân đến cao cấp. Với thú nhồi bông dành cho bé gái có giá từ 120.000 đồng – 550.000 đồng tùy từng cỡ to nhỏ, rô bốt từ 100.000 đồng tới cả triệu đồng.

Đón đầu thị trường quà cho trẻ em, nhiều loại sách thiếu nhi, giày dép, túi cặp, quần áo được nhiều nhà sản xuất tung ra những mẫu mã mới lạ. Tại một cửa hàng chuyên bán đồ trẻ em trên phố Bà Triệu, nhân viên bán hàng cho biết, cửa hàng vừa sản xuất một lượng hàng lớn quần áo, giày dép cho bé nhân dịp ngày đặc biệt này với kiểu dáng đẹp, giá cả hợp lý nên đã bán hết chỉ trong vòng vài ngày.

Nhiều phụ huynh còn cầu kỳ đặt cho con quần áo từ nước ngoài về. Chị Hương – chủ shop xách tay trên phố Nguyễn Văn Tố cho biết: “thời điểm này, rất nhiều phụ huynh order hàng cho con mình. Đa số là những nhãn hiệu Hm, Gap, Polo với giá từ 500.000 đồng tới 1 triệu đồng 1 sản phẩm”.

Sát tết thiếu nhi, các khu vực bán đồ chơi ở TP.HCM vẫn vắng khách. Các cửa hàng là cảnh nhân viên, chủ quán đi ra, đi vào hoặc bấm điện thoại chơi.

Buổi chiều 25/5, tại một cửa hàng trên đường Hai Bà Trưng, hai nhân viên nam ngồi trước cửa chỉ để nhìn xe chạy. Phía trong, những con thú thổi hơi, rô bốt, người máy, xe ô tô bong bóng.... đủ màu sắc, kiểu dáng nhưng không thấy ai lại hỏi.

Hai nhân viên nam bán hàng trên đường Hai Bà Trưng chán nản
vì không có khách ghé(Ảnh: Hương Thu)

Các tiệm bán đồ chơi thiếu nhi trên đường đều rất vắng khách (Ảnh: Hương Thu)Anh Lê Minh Tùng, nhân viên cho biết: “Từ vài năm nay rồi, các cửa hàng đồ chơi thiếu nhi ở đây mọc lên nhiều nên bán khó khăn. Hơn nữa hình như trẻ em bây giờ không thích mấy đồ chơi này lắm, chỉ thích sản phẩm công nghệ nên càng ít khách mua”.

Chị Ngọc Lan, chủ một gian hàng thú bán đồ chơi mẹ và bé trên đường Võ Thị Sáu (quận 3) cho hay, mọi năm, thời điểm này người mua khá nhiều nhưng hai năm nay đổ lại khách rất vắng. “Dù là quốc tế thiếu nhi thì cũng như ngày thường thôi, ế khách lắm. Giờ người ta mua qua mạng là chính thôi. Năm nay ước lượng khách không đông như các năm trước, cửa hàng đã giảm mạnh lượng nhập, cũng không mua thêm những món đồ chơi mới, độc đáo nữa”, chị Lan than thở.

Chị Ngọc Lan cho biết, không dám nhập thêm hàng vì bán ế ẩm,
giảm doanh thu (Ảnh: Hương Thu)

Đây cũng là tình cảnh của các cửa hàng chuyên doanh đồ chơi trẻ em trên đường Hai Bà Trưng (quận 1), Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận)... Một trong những nguyên nhân khiến chợ đồ chơi thiếu nhi ngày càng vắng khách là mẫu mã không mới và phần lớn là đồ Trung Quốc. Còn đồ chơi dành cho trẻ em của Việt Nam mẫu mã đơn điệu nhưng giá lại cao nên không hút khách, bà Hoàng Thị Lý chủ một gian hàng trên đường Phan Đình Phùng nhận xét.