Trong thực tế có không ít người tiêu dùng không thể nhận thức được vấn đề ngộ độc thực phẩm từ chính những loại rau quả trái vụ mà họ mua tiêu dùng hàng ngày.
Đối với các loài rau trái vụ: Tại các chợ, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng khi thấy các loại rau chỉ sinh trưởng và phát triển thuận lợi trong mùa hè (như rau muống, ngọn bí ngô, rau dền…) nhưng lại được bầy bán khá nhiều vào mùa đông, thậm chí còn non xanh hơn cả rau chính vụ. Đây chính là những loại rau mà người trồng trọt đã dùng quá nhiều thuốc kích thích tăng trưởng và thuốc bảo vệ thực vật để thúc cho rau phát triển. Trong các loài rau trái vụ như vậy sẽ tồn dư nhiều hóa chất độc hại gây tổn hại tới sức khỏe người tiêu dùng.
Đối với các loại măng tươi (như măng nứa, măng mai…) chỉ có rộ từ tháng 5 đến tháng 8 nhưng lại được bầy bán hầu như quanh năm. Đây chính là những loại măng mà các thương lái đã thu mua khi chính vụ và dùng hóa chất để bảo quản (trong đó có cả chất cực độc foocmol – một hóa chất dùng để bảo quản xác động, thực vật của các cơ quan nghiên cứu và trong công nghiệp chế biến đồ nhựa) nhằm tránh bị thối hỏng. Những loại măng này rất dễ bị mủn khi xào nấu và tồn dư nhiều độc tố.
Riêng đối với các loại măng khô, để bảo quản được lâu và khộng bị nấm mốc, một số tiểu thương đã dùng khói của bột lưu huỳnh (chất chủ yếu có trong diêm sinh) để sấy măng. Những loại măng khô này lại thường có mầu vàng nâu khá hấp dẫn người tiêu dùng, mặc dù là măng rất độc hại.
Đối với các loại quả trái vụ: Những loại quả trái mùa (điển hình là cam, quýt, mít, táo, lê…) thường được các tiểu thương thu mua khi còn xanh ở thời kỳ chính vụ, sau đó họ dùng các hóa chất bảo vệ thực vật (chủ yếu là thuốc diệt nấm và vi khuẩn) ở nồng độ cao để bảo quản. Đối với những loại quả này, mặc dù cuống quả bị héo nhưng mầu sắc vỏ quả lại sáng bóng hơn bình thường là do một số hóa chất bảo vệ thực vật có tính tẩy rửa làm sáng bóng vỏ ngoài của quả. Đối với các loại quả trái mùa được bảo quản bằng hóa chất độc hại, khi ăn thường không có mùi thơm đặc trưng và thường có vị ủng (phụ thuộc vào thời gian bảo quản dài hay ngắn).
Ngoài ra, một số loại quả khi bảo quản trong thời gian dài thì ruột quả bắt đầu bị thối hỏng nhưng vỏ ngoài vẫn giữ được mầu sắc bình thường. Trong những loại quả này, chủ yếu là các loại quả như cam, quýt, táo, lê… được nhập khẩu lậu từ Trung Quốc.
Từ thực tiễn đó, để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, mọi người cần hạn chế khi tiêu dùng các loại rau quả trái vụ. Bên cạnh đó, người tiêu dùng chỉ nên mua các loại rau quả chính vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng tại các cửa hàng có uy tín nhằm phòng tránh ngộ độc cho bản thân và gia đình.