“Rất ít người đòi tiền lãi khi bị chậm lương”

Nguyên Vụ trưởng vụ Tiền lương - Đặng Như Lợi cho hay, mặc dù có quy định từ lâu, nhưng trong thực tế, ít khi thấy người lao động đòi tiền lãi khi bị chậm lương.

Theo nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động, nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải trả lãi cho người lao động.

Khoản tiền này ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

Ông Đặng Như Lợi - nguyên Vụ trưởng vụ Tiền lương (Bộ LĐTB-XH) cho biết, quy định trên đã có từ lâu, Nghị định của Chính phủ vừa ban hành mới đây chỉ nhắc lại quy định trước đó.

Điều này nhằm hạn chế việc doanh nghiệp chậm trả lương cho người lao động. Đồng thời, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Ông Lợi cho hay, quy định này đã có từ lâu, tuy nhiên, ít được nhắc đến. Bởi trong thực tế, ít khi có trường hợp người lao động đòi tiền lãi.Bởi không có doanh nghiệp nào muốn nợ lương. Chỉ khi gặp khó khăn, doanh nghiệp mới chậm lương.“Lúc khó khăn như vậy, người lao động mong nhận được lương đã là “mừng lắm rồi”, ít khi nghĩ đến tiền lãi”, nguyên Phó chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội – ông Đặng Như Lợi nói.Bên cạnh đó, nếu có đòi lãi cũng “không đáng bao nhiêu”.

Ví dụ, hiện tại, lãi suất tiền gửi khoảng 5%. Nếu lương 5 triệu/tháng, thì tiền lãi suất cả tháng chỉ được có vài chục nghìn đồng.Tuy nhiên, ông Lợi đưa ra lời khuyên: “Nếu trường hợp doanh nghiệp chậm lương, người lao động có thể nhắc thêm doanh nghiệp để họ trả lãi.

Luật sư Triệu Trung Dũng, trưởng Văn Phòng luật sư Triệu Dũng và Cộng sự (Hà Nội) cũng cho rằng, trên thực tế, ít khi có chuyện người lao động bị chậm lương đòi lãi doanh nghiệp.Theo ông Dũng, chỉ doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, hoặc quá khó khăn... mới chậm lương. Ông nói: “Doanh nghiệp nào cũng muốn giữ lao động và khuyến khích họ làm việc tích cực. Trừ trường hợp doanh nghiệp thay đổi công nghệ, máy móc, muốn cho lao động nghỉ việc bớt”.

Thông thường, tâm lý người lao động thông cảm với chủ doanh nghiệp khi công ty khó khăn.Trường hợp doanh nghiệp làm ăn phát đạt, đang có ý định giảm nhân viên, thì người lao động ngại chủ doanh nghiệp "trù dập" hoặc cho vào danh sách nghỉ việc. Luật sư Dũng cho rằng, nên có những buổi tập huấn, hội thảo về pháp luật cho chủ doanh nghiệp, cán bộ công đoàn và người lao động. Cơ quan thông tin đại chúng nên phổ biến rộng hơn về quy định của Bộ luật Lao động để nâng cao nhận thức pháp luật, tư duy của giới chủ doanh nghiệp và người lao động.

“Như vậy, mới hạn chế được doanh nghiệp chậm trả lương và bảo đảm quyền lợi cho người lao động theo quy định của pháp luật”, luật sư Dũng nói.

Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động nêu rõ, thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và được ấn định vào một thời điểm cố định trong tháng. Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

Nếu thời gian trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì người sử dụng lao động phải trả thêm một khoản tiền ít nhất bằng số tiền trả chậm nhân với lãi suất trần huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.

Khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam không quy định trần lãi suất thì được tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng thương mại, nơi doanh nghiệp, cơ quan mở tài khoản giao dịch thông báo tại thời điểm trả lương.